Ô nhiễm bủa vây

Ngày 01/05/2016 09:54 AM (GMT+7)

Khói, bụi, nước xả thải... đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đe dọa cuộc sống người dân không chỉ ở các đô thị lớn mà cả vùng nông thôn

Theo kết quả quan trắc hằng ngày của Đại sứ quán Mỹ từ thiết bị đo không khí đặt ở số 7 Láng Hạ (quận Ba Đình, Hà Nội), vào lúc 16 giờ ngày 30-4, chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 99 AQI. Đây là mức cảnh báo có nhiều chất đáng lo ngại cho những người đặc biệt nhạy cảm với ô nhiễm không khí.

Sống chung với bụi

Kết quả quan trắc trên được thực hiện trong bối cảnh lượng phát thải từ sinh hoạt, xe cộ tại TP Hà Nội đã giảm đáng kể do số lượng lớn người dân nghỉ lễ về quê. Còn trong những ngày thường, chỉ số AQI thường xuyên ở mức cao hơn, dao động từ 101-150.

Theo Đại sứ quán Mỹ, thiết bị quan trắc này cung cấp số liệu trung bình 24 giờ về AQI và chỉ cung cấp về chỉ số chất lượng không khí chính xác tại khu vực gần địa điểm đặt máy. Còn việc phân tích chỉ số chất lượng không khí toàn TP thì không thể dựa trên số liệu từ một thiết bị duy nhất.

Tuy nhiên, ghi nhận trên địa bàn Hà Nội cho thấy người dân đang phải chấp nhận sống chung với khói bụi, rác thải ở mật độ lớn. Tại một số tuyến đường như Xuân Thủy, Láng Hạ, Cầu Giấy..., lượng phương tiện dày đặc cùng với khói bụi và nắng đầu hè đã khiến cho không khí rất ngột ngạt. Còn tuyến đường Nguyễn Xiển, Linh Đàm, Phạm Hùng, Giải Phóng (quận Thanh Xuân) phải gánh chịu lượng xe tải lưu thông khổng lồ vào ban đêm và sau đó để lại rất nhiều vật liệu bị vương vãi trong quá trình di chuyển. Do các vật liệu này không được thu dọn nên hậu quả là đường phố bị bụi nghiêm trọng.

Nhiều đô thị lớn khác trên cả nước cũng chịu chung tình trạng ô nhiễm nặng nề. Số liệu đo đạc, quan trắc về tình trạng phát thải lớn dần qua từng năm. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), trong năm 2010, tổng lượng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam là 246,8 triệu tấn CO2, tăng mạnh so với con số 103,8 triệu tấn vào năm 1994. Bộ TN-MT cũng ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, chất thải... vào năm 2020 là 466 triệu tấn và vào năm 2030, tăng lên 760,5 triệu tấn. Lĩnh vực năng lượng vẫn là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất. Tuy nhiên, lượng phát thải nhà kính tại khu vực nông thôn, nông nghiệp cũng được cảnh báo là đang gia tăng.

Ô nhiễm bủa vây - 1

Lượng xe cộ dày đặc, thải khí gây ô nhiễm môi trường trầm trọngẢnh: NGUYỄN HƯỞNG

Ồ ạt xả thải

Ngoài không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng đã ở mức báo động. Mới đây nhất là tình trạng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung do nguồn nước ô nhiễm đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và bất an đối với người dân. Trong khi đó, ghi nhận tại địa bàn thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) những ngày giữa tháng 4-2016 cho thấy ngoài tình trạng khô hạn, thiếu nước thì người dân còn bị tấn công bởi các nguồn ô nhiễm từ môi trường. Khu vực lòng hồ Chư Ngọc (đoạn cuối sông Ba) nước sủi bọt đục ngầu, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Từ lâu, người dân nơi đây không còn dám tới lòng hồ này. Nguyên nhân là do nước thải từ các nhà máy chế biến tinh bột sắn, gỗ MDF, mía... nằm trên địa bàn thị xã An Khê đã không được kiểm soát, xả thẳng ra hồ.

Còn dọc lưu vực sông Đồng Nai có gần 60 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động nhưng chỉ 21 khu có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Số còn lại đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của cả khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân xung quanh.

Nhìn chung cả nước, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày, các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra khoảng 30.000 tấn chất thải rắn, lỏng, khí và nhiều chất thải độc hại khác. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí còn có một nguyên nhân khác là do nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề đã thải ra bụi và khí CO, CO2, SO2 trong quá trình sản xuất. Ước tính cả nước có 2.790 làng nghề, trong đó có 240 làng nghề truyền thống nên lượng phát thải không hề nhỏ.

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT - cho biết ô nhiễm bụi trong không khí ở Hà Nội cao gấp 1,5 lần quy chuẩn cho phép và nguyên nhân từ việc quản lý các công trình xây dựng chưa tốt, nhiễm khói bụi từ các khu công nghiệp lân cận… “Cần phải nhanh chóng hành động để bảo vệ môi trường, không thể để tình trạng này tiếp tục. Đây là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, người dân chứ không riêng của một ai. Ví dụ, cần lưu ý người dân hạn chế đốt rác ngoài trời; tiết kiệm năng lượng; các phương tiện ô tô, xe máy phải bảo trì, bảo hành liên tục; tích cực hơn trong dùng xăng ethanol; dùng phương tiện giao thông công cộng nếu có thể; quản lý tốt công trình xây dựng...” - ông Tùng nêu.

13 triệu người chết/năm trên thế giới

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm thế giới có 13 triệu người tử vong liên quan đến vấn đề môi trường. Tại nhiều quốc gia, trung bình cứ 100 người chết thì hơn 10 trường hợp có liên quan đến yếu tố môi trường mà điển hình là ô nhiễm nguồn nước và không khí. Đặc biệt, ô nhiễm không khí trong nhà được ước tính gây ra khoảng 2 triệu cái chết của trẻ em, hầu hết ở các nước đang phát triển. Gần một nửa số ca tử vong này do bị viêm phổi (trẻ em dưới 5 tuổi).

Ô nhiễm bủa vây - 2

Người dân chờ khám bệnh về đường hô hấp, viêm nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) (Ảnh: Ngọc Dung)

Đối diện hàng loạt nguy cơ gây bệnh

Theo TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế, y học ghi nhận nhiều bệnh tật về đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi; khí độc CO, CO2, NO và chì. Đây được coi là tác nhân gây ra các bệnh: viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản, ung thư. Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người bằng nhiều cách, từ ngắn hạn đến lâu dài.

Một vấn đề đáng lưu ý là các nghiên cứu khoa học cho thấy khí thải từ động cơ gắn máy rất độc hại. Nếu thường xuyên hít phải, nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và dị ứng sẽ rất cao. Một số đối tượng nhạy cảm gồm trẻ em, người già và những người có vấn đề về sức khỏe như: hen, bệnh tim, dị ứng và bệnh phổi thường bị ảnh hưởng nặng nề từ các tác động của ô nhiễm không khí. Khi hít vào cơ thể những hạt bụi này, ảnh hưởng đầu tiên là đường hô hấp. Những hạt bụi trong lớp không khí bị ô nhiễm có thể đi sâu xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, co thắt phế quản. Mức độ mà một cá nhân bị tổn thương do các chất ô nhiễm trong không khí sẽ phụ thuộc vào số lần tiếp xúc với nồng độ của các chất gây ô nhiễm.

Cảnh giác với mối nguy này, bác sĩ Nguyễn Duy Thụy, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Hà Nội, lưu ý khi ra đường, mọi người nên bịt khẩu trang, đeo kính, mặc quần áo dài tay. Khi về nhà cần phải vệ sinh khẩu trang hằng ngày, vệ sinh mắt, tai, mũi, họng bằng nước muối sinh lý. Đặc biệt, khi da bị trầy xước thì cần tránh tiếp xúc với khói bụi vì sẽ dễ bị nhiễm độc hơn.

Một vấn đề gây xôn xao dư luận trong thời gian qua là không khí bị nhiễm bụi thủy ngân. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho rằng dù chưa có kết luận chính thức về việc có thủy ngân bay lơ lửng trong không khí tại Hà Nội nhưng đây là vấn đề mới, có tính toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Vừa qua, một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường phát hiện thủy ngân từ mưa axít. Vì đây chỉ là kết quả bước đầu tại một điểm nên cần tiếp tục nghiên cứu. Hiện Việt Nam đang bắt đầu triển khai quan trắc số liệu về thủy ngân nhưng cần có thiết bị chuyên dụng để đo đạc và đưa ra thông tin chính xác.

T.Dương - N.Dung - Ng.Hưởng

Theo Thùy Dương - Ngọc Dung - Nguyễn Hưởng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h