Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian "hiểm" của người đàn bà Sài Gòn

Ngày 03/07/2017 01:00 AM (GMT+7)

Đêm về, bà Trần Thị Ngọc Anh (61 tuổi, TP.HCM) lại cặm cụi xách giỏ nhựa đựng 2 chiếc bơm tay, vài miếng xăm và đồ sửa chữa xe ra vỉa hè để kiếm sống.

Tối cuối tuần, chúng tôi đến góc ngã tư đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa giao Hàm Nghi (Quận 1) tìm người đàn bà có 30 năm kinh nghiệm làm nghề bơm vá xe đạp, xe máy.

Thường ngày, bà Trần Thị Ngọc Anh (61 tuổi) bắt đầu làm việc từ 19h  nhưng nay đã 20h30 vẫn chưa thấy ngồi nơi đó. Thấy vậy, người “đồng nghiệp” bán cà phê đêm cạnh chỗ nói: “Mấy bữa nay, bà ấy mệt nên ra muộn hơn! Cô chú cứ ngồi đợi, khoảng 21h5 chưa thấy ra hẵng về”.

Khi chúng tôi đứng dậy, người bán nước gọi lại và chỉ: “Bà ấy ra rồi kia kìa”. Từ xa, bóng dáng của người đàn bà mang nghiệp nghề bơm vá mập mờ dưới ánh điện đêm. Một tay bà rong chiếc xe đạp cũ, một tay xách giỏ nhựa đựng chiếc bơm, vài miếng xăm và đồ sửa chữa xe.  

Người phụ nữ mang nghiệp nghề của đàn ông

Vừa dọn đồ ra vỉa hè, bà Ngọc Anh vừa tâm sự về cuộc đời cay cực từ thuở con gái. Bà kể, từ khi sinh ra, bà đã sống ở khu vực cầu Khánh Hội, quận 4 cùng cha mẹ và các anh chị em. Vì gia đình nghèo khó, bà chỉ được học con chữ và các phép tính đơn giản. Khi lớn, bà bắt đầu đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi các em.

Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian amp;#34;hiểmamp;#34; của người đàn bà Sài Gòn - 1

Hơn 21h, bà Ngọc Anh (61 tuổi) mới đem đồ nghề ra vỉa hè kiếm sống mưu sinh

“Kinh qua bao nhiêu nghề, dì đã chọn việc sửa xe đạp, xe máy để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Ngày đó, người ta cười nhạo dì chọn cái nghề của đàn ông, dầu luyn bám đầy người,… Cha mẹ thì  khuyên  tìm công việc khác nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ nhưng dì quyết trí gắn bó với nó tới cùng”, bà Ngọc Anh tâm sự.

Nhờ nghiệp làm nghề bơm vá, sửa chữa xe, bà Ngọc Anh đã bén duyên với người đàn ông cùng nghề. Họ kết hôn rồi có với nhau 3 người con: 2 gái, 1 trai. Bà bảo, nghề này tuy không giàu nhưng chăm chỉ làm lụng tích cóp cũng đủ để nuôi các con khôn lớn.

Từ khi người chồng qua đời vì bệnh tật, mọi lo toan cuộc sống đều dồn lên đôi vai người đàn bà yếu mềm. Bà vừa gánh trách nhiệm của người mẹ, vừa gắng hoàn thành nhiệm vụ người cha.

“Ông ấy về với tổ tiên, một mình dì nuôi 3 đứa con trưởng thành bằng cái nghề sửa xe nơi vỉa hè. Rồi, dì dựng vợ gả chồng cho từng đứa. Cuộc sống của chúng cũng nghèo khó nên dì không dám mơ ước được đền đáp công lao nuôi dưỡng”, bà Ngọc Anh nghẹn ngào.

Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian amp;#34;hiểmamp;#34; của người đàn bà Sài Gòn - 2

Nhờ nghiệp làm nghề bơm vá, sửa chữa xe, bà Ngọc Anh đã bén duyên với người đàn ông cùng nghề

Hiện tại, bà sống chung cùng đứa cháu ngoại 12 tuổi trong căn nhà nhỏ ở xóm nghèo thuộc phường 9, quận 4. Mỗi ngày, bà chắt chiu dành cho cháu 20.000 đồng mua thức ăn nấu bữa trưa, còn sáng hoặc nhịn đói hoặc ăn đỡ thìa cơm nguội.

“Nghề này có dơ, có bẩn mới có tiền lo được cuộc sống…”

Một ngày mưu sinh của bà Ngọc Anh bắt đầu từ 19h và kết thúc vào lúc 1h sáng hôm sau. Và, góc giao đoạn Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Hàm Nghi được lựa chọn làm “căn cứ” kiếm sống suốt 30 năm qua.

Khi hỏi vì sao không sửa xe ban ngày, bà Ngọc Anh cười: “Người ta có cửa hàng, đầy đủ máy móc hiện đại, dì sao cạnh tranh nổi. Vì vậy, dì chọn làm ban đêm để vớt vát khách đi khuya, hỏng xe giữa đường”.

Dù công việc vất vả và nguy hiểm nhưng số tiền bà Ngọc Anh kiếm được rất bấp bênh. Đêm nào may mắn đông khách, bà kiếm được khoảng 150 nghìn đồng, còn bình thường chỉ 60-80 nghìn. Thậm chí, có bữa, bà chẳng kiếm được xu nào.

Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian amp;#34;hiểmamp;#34; của người đàn bà Sài Gòn - 3

Gia tài” quý báu nhất của người phụ nữ làm nghề đàn ông là 2 cái bơm tay đã hoen gỉ, thau nhựa  phai màu và vài miếng xăm cùng đồ nghề sửa xe

“Dì bơm xe với giá 2- 3 nghìn đồng, vá từ 15 - 25 nghìn, còn thay ruột thì cao hơn chút đỉnh: 60 -90 nghìn đồng, tùy thuộc vào loại lốp xe. Ngoài bơm vá, dì có bán cả xăng dầu nhưng không “ăn khách” vì cây xăng cách đây có vài trăm mét.

Thi thoảng, người ta thương nên tạt vào đổ 20-30 nghìn tiền xăng. Có người dừng đèn đỏ thấy dì ăn mặc bẩn thỉu rồi chỉ chỏ này kia. Khi ấy, dì cũng thấy tủi thân nhưng ngẫm kỹ, nghề này có dơ, có bẩn mới có tiền lo được cuộc sống”, bà Ngọc Anh chia sẻ.

Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian amp;#34;hiểmamp;#34; của người đàn bà Sài Gòn - 4

Bà Ngọc Anh tất tưởi chạy lại xe lấy mảnh áo mưa che chắn đồ nghề

30 năm! “Gia tài” quý báu nhất của người phụ nữ làm nghề đàn ông là chiếc xe đạp cũ, 2 cái bơm tay đã hoen gỉ, thau nhựa  phai màu và vài miếng xăm cùng đồ nghề sửa xe. Bả bảo, chúng không những là phượng tiện mưu sinh, còn là người bạn gắn bó hơn nửa đời người.

Đang ngồi trò chuyện, bà Ngọc Anh bỗng nhìn lên trời và thở dài: “Trời sắp mưa đó con ạ! Chắc nay, dì chẳng có khách”. Nhắc đến mưa, chúng tôi liền hỏi chuyện “nghỉ phép”, bà xua tay: “Làm cái nghề này đâu được nghỉ. Trời mưa thì dì mặc áo mưa vào tránh ướt người. Có bữa bệnh, dì cũng cố gắng ra ngồi chứ lấy gì mà ăn, còn nuôi thằng bé nữa”.

Phận đời 30 năm bơm vá xe vỉa hè vào thời gian amp;#34;hiểmamp;#34; của người đàn bà Sài Gòn - 5

Bà vẫn kiên trì đứng nơi góc đường và chờ đợi vị khách mở hàng

Vừa dứt lời, cơn mưa đêm bỗng ập tới. Bà Ngọc Anh tất tưởi chạy lại xe lấy mảnh áo mưa che chắn đồ nghề. Bà bảo, phải giữ gìn chúng còn có thứ sinh nhai. Khi nào mưa to, bà sẽ lấy áo mặc vào người sau.

Trời càng về khuya, cơn mưa nặng hạt hơn, dòng người qua đường thưa dần. Vậy mà, bà Ngọc Anh vẫn kiên trì đứng nơi góc đường và chờ đợi vị khách mở hàng.

Chưa bao giờ người đàn bà ấy đầu hàng số phận. Hoàn cảnh có nghiệt ngã, khổ đau, bà vẫn cần mẫn với nghề để mưu sinh.

Thiên Đan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h