Phụ huynh thờ ơ với ‘tử thần’ giấu mặt đồ chơi Trung Quốc

Ngày 20/11/2015 00:06 AM (GMT+7)

Trong khi các nước tiên tiến đề nghị thu hồi nhiều đồ chơi Trung Quốc thì ở Việt Nam được bày bán tràn lan. Thậm chí, nhiều phụ huynh có vẻ lơ là, không để ý đến tác hại của chúng.

Mới đây, hệ thống cảnh báo Rapex (Liên minh Châu Âu) đã liệt kê hàng loạt đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất độc hại và đề nghị thu hồi. Các loại đồ chơi này chủ yếu làm bằng nhựa như búp bê (nhái búp bê Barbie), đồ chơi tập lặn, bộ đồ chơi nhà bếp, kính bơi… Đặc biệt miếng dán hình thú, hoạt hình, hình kẹo cũng được liệt kê vào danh sách này.

Phụ huynh thờ ơ với ‘tử thần’ giấu mặt đồ chơi Trung Quốc - 1

Bộ đồ chơi búp bê của Trung Quốc

Theo đó, các sản phẩm này có chứa những chất bị cấm đưa vào đồ cùng cho trẻ em. Nếu tiếp xúc trong khoảng thời gian dài và nuốt phải thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cơ quan sinh sản. Trong đó, có chất cadmium, nếu tích lũy trong cơ thể con người có thể làm hỏng các cơ quan nội tạng và dẫn đến ung thư.

Tại Việt Nam, những sản phẩm này cũng được bày bán tràn lan. Theo khảo sát, tại Đà Nẵng, ở các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn và Chợ Hòa Khánh, đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc được bày bán công khai. Tiểu thương không ngại ngần cho biết đây là hàng Trung Quốc.

Một tiểu thương chia sẻ, theo kinh nghiệm buôn bán, từ trước đến nay, đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước thường không tiêu thụ nhiều. Bởi mẫu mã không tốt và giá cả có vẻ “chát”. Đồ chơi được nhập khẩu ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… có mẫu mã đẹp nhưng lại giá cao.

Trong khi đó, đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc mẫu mã, màu sắc đẹp, giá cả rẻ. Đặc biệt, đồ chơi của nước này thay đổi mẫu mã khá nhanh. Bất kể trên truyền hình, truyện tranh, phim… nhân vật nào nổi bật và được ưa chuộng là được sản xuất ngay. Chính vì điều này mà thu hút được nhiều đối tượng mua.

Phụ huynh thờ ơ với ‘tử thần’ giấu mặt đồ chơi Trung Quốc - 2

Rất nhiều sản phẩm đồ chơi Trung Quốc được đề nghị thu hồi

Chị cho biết thêm, hàng chủ yếu chuyển từ TP.HCM và các tỉnh phía Bắc vào. Khi mua, chị chỉ chú trọng vào mẫu mã và giá cả chứ không để ý đến xuất xứ. “Ngay người mua cũng vậy”, chị nói.

Trong khi viết bài này, chúng tôi đã có cuộc khảo sát một số phụ huynh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Điều đáng nói, hầu hết đều cho biết khi mua đồ chơi cho con thường chú trọng đến hình thức và sở thích của trẻ.

Khi được hỏi về sự độc hại của nhiều đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, một số bình thản: “Trước đây, khi nghe đồ Trung Quốc thì có vẻ hơi lo. Nhưng động vào cái gì cũng độc hại nên quen dần”. Một số khác lại cho rằng: “Biết đồ chơi Trung Quốc mang nhiều ẩn họa. Tuy nhiên, giá rẻ nên đáp ứng được nhu cầu của những người thu nhập thấp. Hàng Việt Nam hay các nước như Thái Lan, Nhật Bản… luôn có giá cao ngất ngưởng thì làm sao công nhân, người làm thuê sờ tới".

Trong khi đó, tại TP HCM, không khó để mua các sản phẩm nằm trong danh mục cảnh báo Rapex ngay giữa đường, nhà sách, chợ hay thậm chí trong căng tin của các trường học. Tại nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, các bộ đồ chơi như bác sĩ, bộ đồ nấu ăn, búp bê được sản xuất từ Trung Quốc cũng được bày bán công khai với giá cả khá mềm từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Chúng có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt với nhiều kiểu dáng khác nhau, phù hợp nhiều độ tuổi.

Phụ huynh thờ ơ với ‘tử thần’ giấu mặt đồ chơi Trung Quốc - 3

Những miếng dán này rất có hại cho sức khỏe của trẻ

Qua khảo sát, nhiều người bán cho biết lấy hàng chủ yếu tại  khu vực Chợ Lớn. Mỗi khi hết hàng, họ chỉ cần gọi điện đến là có mối cho chở về đến tận nhà. Mẫu mã của đồ chơi cũng được cập nhật liên tục.

Nhiều học sinh tại trường tiểu học Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) cầm trên tay xấp miếng dán với nhiều hình thù bắt mắt. Một em cho biết: “Những tấm dán này được bán trong căn tin với giá từ 3.000 đến 5.000 đồng. Chỉ cần lột ra, dán lên tay, chân hay vở đều được”.

Nhiều học sinh khác cho biết, các bạn gái thường thích mua hình búp bê, còn các bạn nam lại thích hình siêu nhân, pikachu… Điều đáng nói, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra chủ quan khi được hỏi về những tác hại do đối với đồ chơi độc hại gây ra cho con trẻ.

Nhật Linh - Thanh Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đồ chơi trẻ em chứa chất độc hại