Rơi sắt đường sắt trên cao: Do móc cáp vào chỗ nứt

Ngày 11/05/2015 14:53 PM (GMT+7)

Đại diện nhà thầu Posco cho biết, nguyên nhân dẫn đến thanh sắt bị rơi là do người tham gia móc các ma lý (đầu móc nối từ dây cáp vào cọc cừ) vào thân cọc cừ không tuân thủ các quy trình an toàn, bước kiểm tra, trước khi móc ma lý vào cọc cừ.

Sáng 11.5,  đại diện Ban quản lý dự án đường sắt trên cao, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến sự cố rơi sắt ở đường sắt trên cao xuống đường vào tối 10.5.

Rơi sắt đường sắt trên cao: Do móc cáp vào chỗ nứt - 1

Thanh sắt nặng hơn 6 tạ ở đường sắt trên cao rơi xuống đường

Công nhân đã móc dây cáp vào cừ sắt đã có vết nứt

Ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội cho biết, vào lúc 18h ngày 10.5, tại công trường nhà ga số 4 thuộc gói thầu CP02 do nhà thầu Posco thi công đã xảy ra sự cố rơi thép.

Trong quá trình công nhân cẩu cừ Lasen (dài 9m, rộng 0,3 m, nặng 630kg) để thi công hố móng đã bị rách mép cừ thép. Thanh sắt đã đổ lên hàng rào thi công và đổ ra đường. Sự cố không gây thiệt hại về người và các phương tiện giao thông.

Tại buổi họp, ông Nghiêm Xuân Đức, Trưởng phòng An toàn của nhà thầu Posco cho biết thêm, ngay khi xảy ra sự việc, cán bộ của Posco đã ra hiện trường xử lý, khắc phục sự cố. Sau 10 phút, công nhân đưa thanh cừ vào công trường, vá lại hàng rào. Giao thông trở lại bình thường ngay sau đó.

Theo ông Đức, nguyên nhân dẫn đến sự cố trên là do công nhân tham gia móc các ma lý (đầu móc hình chữ U nối từ dây cáp vào cọc cừ) vào thân cọc cừ đã không tuân thủ các quy trình an toàn, các bước kiểm tra, trước khi móc ma lý vào cọc cừ.

“Công nhân đã không kiểm tra, kiểm soát nên đã móc các ma lý vào lỗ ở cọc cừ đã có vết nứt. Khi máy cẩu tiếp nhận thân cừ, vết nứt đã mở rộng ra và thanh sắt đã rơi xuống. Một phần của thanh sắt đè lên hàng rào tôn, phần còn lại đổ xuống đường”, ông Đức cho hay.

Rơi sắt đường sắt trên cao: Do móc cáp vào chỗ nứt - 2

Sáng 11.5, đại diện Ban quản lý dự án đường sắt trên cao, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan. 

Ông Đức cho hay, để đảm bảo an toàn, nhà thầu Posco sẽ sử dụng hai dây để neo móc cọc cừ thay vì một dây như trước đây. Một dây chính móc lỗ chính cọc cừ,  một dây dự phòng móc ngang cọc cừ.

Đồng thời, phân công người có trách nhiệm huấn luyện cho công nhân trước khi tháo lắp các ma lý, treo cọc cừ. Công nhân sẽ được huấn luyện riêng, có màu áo, mũ phân biệt để làm nhiệm vụ móc cọc cừ. Thiết lập vùng nguy hiểm khi tháo, lắp thân cọc cừ. Bán kính sẽ tính theo thân cọc cừ khi đổ. Thêm nữa, phân công 1 người điều khiển giao thông trong quá trình cẩu, lắp cọc cừ.

Đặc biệt, huấn luyện lại toàn bộ cán bộ kỹ sư đang làm việc ở ga từ 1-8, đặc biệt là công tác treo, móc tải, đảm bảo 100% công nhân nắm rõ quy trình móc tải tránh sự cố tương tự. Nhà thầu Posco sẽ cho kiểm tra lại toàn bộ cọc cừ, cừ nào đảm bảo sẽ tiếp tục sử dụng. Cừ có vết nứt sẽ loại bỏ.

Tạm dừng thi công nhà ga số 4

Có mặt trong buổi họp, ông Lee Sang Don, Giám đốc dự án gói thầu số 2 ga trên cao (dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội) nói: “Sau sự cố, tôi thấy chưa làm đầy đủ trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra toàn bộ các cọc cừ đang sử dụng. Để tránh xảy ra việc tương tự, Posco sẽ đào tạo lại kỹ sư ở hiện trường và các nhà thầu phụ có liên quan. Chúng tôi xin lỗi đã để xảy ra sự cố này”.

Rơi sắt đường sắt trên cao: Do móc cáp vào chỗ nứt - 3

Ông Lee Sang Don, Giám đốc dự án gói thầu số 2 ga trên cao (dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội) đã gửi lời xin lỗi sau sự cố rơi thanh sắt. 

Liên quan đến sự cố, ông David chevallier, Quyền trưởng đoàn tư vấn của dự án cho hay, sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã có yêu cầu đối với tất cả các nhà thầu thuộc gói thầu của dự án từ ngày 11.5 không được làm việc chủ nhật.

Posco phải kiểm tra và có báo cáo về vật liệu không chỉ ga số 4 mà ở tất cả các ga khác. Khi thấy mọi điều kiện an toàn, công nhân mới thi công trở lại. Nếu thấy lỗi do nhà thầu phụ, nhà thầu này sẽ bị loại ra khỏi dự án.

“Với phương tiện bị hư hại sau sự cố, Posco sẽ có trách nhiệm bồi thường cho người dân. Người có phương tiện bị hư hại hãy liên hệ với Posco để được hỗ trợ”, ông David chevallier nói.

Kết thúc buổi họp, ông  Lê Huy Hoàng, Phó trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Nhổn – ga Hà Nội đã yêu cầu nhà thầu Posco phải có báo cáo chi tiết sự cố ngay trong ngày 11.5.

“Riêng nhà ga số 4 sẽ tạm dừng công tác ép cừ để kiểm tra lại toàn bộ công nhân, vật liệu. Khi đảm bảo mới thi công trở lại. Thời gian kiểm tra khoảng 3 ngày. Đối với gói thầu CP02, nhà thầu tạm dừng thi công vào chủ nhật ”, ông Hoàng yêu cầu.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội là dự án đường sắt có quy mô nhất từ trước tới nay trên địa bàn Hà Nội với tổng số tiền đầu tư 783 triệu Euro từ nguồn vay ODA.  Tuyến đường sắt này có chiều dài 12,5 km với 9,6 km đi trên cao và 2,9 km đi ngầm. Toàn tuyến có 11 ga trên cao, 4 ga dưới ngầm. Theo thiết kế, tàu chạy trên tuyến đường này với tốc độ 80 km/h. Tàu có chiều dài từ 19 đến 20 mét.

Theo lộ trình thiế tkế, ga đường sắt bắt đầu tại Nhổn (ngã tư đường 70 và QL32). Tàu điện sẽ đi theo quốc lộ 32 đến nội thành Hà Nội qua các đường phố Hồ Tùng Mậu - Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Kim Mã - Núi Trúc - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - ga Hà Nội (đoạn trước cửa ga, cuối đường Trần Hưng Đạo.

Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự