Sa dây rốn thai nhi có khả năng tử vong

Ngày 17/06/2016 19:32 PM (GMT+7)

Sa dây rốn với thai nhi gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi thai và thành chậu dẫn đến việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ. Nếu không lấy thai ra ngay có khả năng thai bị tử vong.

Vừa qua, bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ tiếp nhận trường hợp sản phụ Trần Thị N (33 tuổi) với chẩn đoán có con lần hai, thai 41 tuần ngôi đầu, chuyển dạ đột ngột, vỡ ối.

Ekip bác sĩ trực đã khám và phát hiện thai nhi bị sa dây rốn, nhận thấy đây là trường hợp tối cấp, ngay lập tức sản phụ N được chuyển ngay lên phòng mổ. Sau khi tiến hành hội chẩn viện và với sự cố gắng của ekip phẫu thuật thì đến 18h10 phút em bé đã được đưa ra ngoài kịp thời và an toàn.

Hiện tại em bé được theo dõi tại khoa Sơ sinh trong tình trạng sức khỏe tốt. Trong trường hợp trên, nếu sản phụ N chậm trễ chuyển đến bệnh viện hơn 30 phút thì tính mạng của thai nhi khó được an toàn.

Sa dây rốn thai nhi có khả năng tử vong - 1

Hình ảnh sa dây rốn thai nhi

Vậy như thế nào là sa dây rốn và sa dây rốn nguy hiểm với thai nhi thế nào? Các bác sĩ phụ sản tại bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ cho biết: Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước hoặc bên ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối) hay nguy hiểm hơn là sa dây rốn sau khi bị vỡ ối.

Đây là một cấp cứu hàng đầu vì gây suy thai cấp do cuống rốn bị chèn ép giữa ngôi thai và thành chậu dẫn đến việc cung cấp máu của dây rốn cho thai bị đình trệ. Nếu không lấy thai ra ngay có khả năng thai bị tử vong sau khoảng 30 phút.

Sa dây rốn thường gặp ở những sản phụ đã từng sinh nở. Lý do là sự bình chỉnh của ngôi thai không tốt gây nên tình trạng ngôi bất thường, có khối u tiền đạo, khung xương chậu bị méo hoặc hẹp…Thai nhi gặp tình trạng ngôi bất thường do ngôi thai không tì được vào cổ tử cung hoặc dây rốn dài bất thường, rau bám thấp, ối vỡ đột ngột khiến dây rốn bị sa.

Sa dây rốn thai nhi có khả năng tử vong - 2

Khi thấy có các dấu hiệu sa dây rốn, sản phụ nên quỳ gập đầu gối, úp mặt xuống sàn nhà, bàn tay và khuỷu tay đặt sát sàn nhà và không được rặn như hình đồ họa trên

Một số dấu hiệu nhận biết tình trạng sa dây rốn thường gặp khi chuyển dạ như: Sản phụ cảm thấy có dây rốn ở trong âm đạo, nhìn thấy được dây nhau thai sa ra ngoài, ngôi thai cao, nước ối ra rất nhiều, cổ tử cung mở lớn, vỡ ối.

Sa dây rốn thường xảy ra vào giai đoạn cuối, thai nhi hơn 38 tuần. Hiện chưa có biện pháp cụ thể để phòng ngừa sa dây rốn, vì thế khi thấy có các dấu hiệu sa dây rốn như trên, sản phụ nên quỳ gập đầu gối, úp mặt xuống sàn nhà, bàn tay và khuỷu tay đặt sát sàn nhà và không được rặn. Sau đó, nhanh chóng gọi xe cấp cứu đến bệnh viện để được các bác sĩ chuẩn đoán kịp thời cứu mẹ và con.

Đặc biệt, đối với sản phụ sinh nở nhiều lần khi ở giai đoạn cuối thai kỳ nên thường xuyên đến bệnh viện khám hoặc lưu trú ở lại để đảm bảo an toàn.

Vi Oanh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự