Sốt xuất huyết, 'bóng ma' sức khỏe của trẻ nhỏ

Ngày 23/04/2015 10:11 AM (GMT+7)

Từ trước đến nay, sốt xuất huyết vẫn là “bóng ma” khiến các mẹ vô cùng lo lắng đối với sức khỏe của trẻ. Bởi, đây là một trong những căn bệnh trẻ dễ mắc phải và để lại di chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết tồn tại quanh năm, nhưng ở các tỉnh miền Nam rộ nhất là vào mùa mưa, tức từ tháng 5 đến tháng 7. Hiện nay, những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu xuất hiện, gây nên nhiều ao tù, nước đọng trên diện rộng là môi trường lý tưởng cho muỗi phát triển.

Sốt xuất huyết, bóng ma sức khỏe của trẻ nhỏ - 1

Khi trẻ bị nóng, sốt, phụ huynh nên đưa con đi khám để phòng tránh trường hợp xấu xảy ra

Bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 2 cho hay, sốt xuất hiện nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Đối với những trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện kèm sốt như nổi chấm, mắt lừ đừ, mệt mỏi, đau nhức khắp cơ thể, nếu nặng có thể không đi lại được. Khi bệnh đến giai đoạn nặng có thể bị nôn ói, chảy máu chân răng, đi vệ sinh phân đen.

Bệnh tiến triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Bình thường, bệnh này bắt đầu từ ba đến bảy ngày và sau đó sẽ trở nặng. Trẻ mắc bệnh nặng có thể bị tổn thương ở não, gan hoặc chảy máu ồ ạt.

Trước đây, có không ít trẻ bị sốt xuất huyết nhưng không xuất hiện những dấu hiệu đi kèm. Do đó, khi bệnh trở nặng, bệnh nhi được chỉ định nhập viện thì đã quá nặng, việc chữa trị trở nên khó khăn, thậm chí đã khiến một số trẻ tử vong.

Rút kinh nghiệm từ điều trên, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, đối với những trẻ bị mắc bệnh sốt xuất huyết đến khám, nếu nhận thấy bệnh nặng thì sẽ được nhập viện nội trú ngay. Riêng những trẻ không có hiện tượng cô đặc máu, hoặc tiểu cầu còn cao thì có thể điều trị tại nhà nhưng phải được bố mẹ theo dõi thương xuyên và tái khám đúng hẹn của bác sĩ. Trẻ điều trị tại nhà sẽ được bổ sung vitamin C để tăng cường đề kháng, uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt… Trẻ nên được ăn các thức ăn dễ tiêu.

Mặc dù vậy, phụ huynh nên chú ý, mặc dù trẻ được điều trị tại nhà nhưng cũng cần được đưa đi khám mỗi ngày để có thể nắm bắt được bệnh tình. Riêng các trường hợp đang sốt bỗng dưng hết mà mắt vẫn lờ đờ, mệt mỏi, buồn nôn, chảy máu chân răng thì cần được đưa đến bệnh viện gấp. Bởi, đây là những dấu hiệu bất thường, báo hiệu diễn biến bệnh nặng và phức tạp.

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Bệnh này chỉ được chữa trị theo triệu chứng. Đối với những trẻ quá nặng có thể được hỗ trợ thở bằng ô xy. Việc tốt nhất là phụ huynh nên diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả. Mắc mùng cho con khi ngủ. Phụ huynh nên phát quang bụi rậm, không để nước tù đọng.

Các bác sĩ nhấn mạnh, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán. Tùy vào mức độ của bệnh mà bác sĩ cho nhập viện hay điều trị tại nhà. Phụ huynh chú ý không nên tự ý để trẻ ở nhà và tự điều trị. Mọi sự chậm trễ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong khi có những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.

Sốt xuất huyết, bóng ma sức khỏe của trẻ nhỏ - 2

Phụ huynh nên giữ vệ sinh, diệt muỗi, loăng quăng

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng đặc biệt là các tỉnh ở phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp… Ba tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận có 8.320 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong, tập trung ở các tỉnh phía Nam, riêng TP.HCM có hai ca. Từ con số này có thể xác định, số bệnh nhân gia tăng từ 25 đến 40% so với cùng kì năm ngoái. Theo dự đoán, năm nay, sốt xuất hiện ở các tỉnh miền Nam sẽ diễn biến phức tạp.

Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nhanh chóng chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban nghành phun hóa chất diệt muỗi triệt để. Các Sở Y tế phải tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, xử lý ngay và triệt để ổ dịch. Các bệnh viện, cơ sở y tế phải sẵn sàng giường bệnh, cấp cứu và điều trị…  

Thời gian gần đây, số lượng người lớn bị mắc sốt xuất huyết gia tăng. Đây là điều đáng lo ngại, bởi nhiều người khi bị sốt xuất huyết nhưng cứ nghĩ là bị cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Theo ghi nhận của y khoa, người lớn mắc sốt xuất huyết có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em.

Nhật Sang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot