Sốt xuất huyết lên đến đỉnh dịch, ngành y tế mới chống?

Ngày 04/10/2015 08:06 AM (GMT+7)

“Tôi cho rằng ngành y tế không thụ động, Bộ Y tế đã dự báo trước tình hình dịch và tìm cách ứng phó khi bệnh sốt xuất huyết mới xuất hiện”, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định.

Theo Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 51 tỉnh, thành phố và đã có 25 trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế cho rằng, dịch sốt xuất huyết lên đỉnh dịch nhưng người dân vẫn thờ ơ, chủ quan, không hợp tác phòng chống dịch.

Trước tình hình này, chiều 3/10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phòng chống sốt xuất huyết - Trách nhiệm không của riêng ai”.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đã giải đáp liên quan đến bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh trong cả nước.

Thưa ông, tại sao năm nay nhiều địa phương (53/63 tỉnh/thành) lại ghi nhận nhiều ca mắc SXH khiến bệnh lên đến đỉnh dịch?

Trước tiên tôi muốn nói rằng SXH không chỉ bệnh lưu hành ở Việt Nam mà lưu hành ở khoảng 100 quốc gia trên thế giới. Thống kê những năm gần đây thì SXH càng mở rộng, bởi vì khi đô thị hóa nhiều thì vùng lưu hành của SXH càng tăng lên.

Ở Việt Nam hiện nay ghi nhận 43.000 trường hợp. Chúng ta thấy rằng việc này đã có dự báo từ trước. Năm 2010 là đỉnh dịch, năm 2013, 2014 xuống thấp, chúng tôi đã có cảnh báo, Bộ Y tế đã có kế hoạch trong việc này, đó là ngay từ tháng 5, Bộ Y tế đã có chiến dịch phòng chống SXH. Bộ Y tế không để thiếu hóa chất, không để thiếu các phương tiện cho công tác phòng chống dịch.

Việc phát hiện và xử lý ổ dịch rất quan trọng. Vì khi phát hiện ổ dịch, chúng ta xử lý, phun hóa chất ngay thì diệt được toàn bộ đàn muỗi gây bệnh, khiến dịch không lan rộng ra khu vực khác.

Sốt xuất huyết lên đến đỉnh dịch, ngành y tế mới chống? - 1

Sốt xuất huyết đã lên đến đỉnh dịch.

Như ông nói tỉ lệ gia tăng SXH một phần do đô thị hóa. Vậy có phải mật độ người đông lên thì dịch bệnh lây lan rộng hơn, thưa ông?

Có mấy yếu tố, thứ nhất khi đô thị hóa, mật độ người đông lên, sống gần nhau hơn. Đặc biệt, tập quán ăn ở, sinh hoạt rất quan trọng. Chúng tôi đi vào Đồng Nai, Bình Dương thấy nhà cửa thì sạch nhưng toàn bộ phế thải đưa ra vườn, như can nhựa, chậu nhựa, vỏ gáo dừa nên chỗ nào cũng có bọ gậy.

Đặc biệt là các chậu hoa, lúc đầu có đất, lâu ngày tắc, tạo thành lớp nước cách mặt đất 2 cm nên muỗi rất nhiều. Ở Nam Bộ, người dân chứa nước trong các lu nên đều có bọ gậy.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, ở nước ta cứ có dịch thì ngành y tế mới phòng chống. Ông có suy nghĩ như thế nào về nhận định này?

Không phải như vậy. Tôi cho rằng ngành y tế không thụ động. Bộ Y tế đã dự báo trước tình hình dịch năm nay. Năm nay, số mắc trên 40.000 và tử vong 20 trường hợp. Như vậy, số mắc SXH giảm nhiều.

So sánh đỉnh dịch năm 1987 có hơn 300.000 trường hợp mắc, trên 1.000 trường hợp tử vong. Năm 2013, năm thấp nhất tính từ 1980 đến nay thì có 62.000 trường mắc và 42 trường hợp tử vong. Trong khi đó, giai đoạn từ 2010-2014 có số mắc thấp nhất, chỉ trên 30.000 trường hợp mắc và trên 20 trường hợp tử vong.

Nhưng tôi muốn nói rằng con số đó nói lên sự cố gắng rất nhiều, vì ở nước ta một năm vẫn lưu hành từ 50.000-100.000 trường hợp SXH.

Bệnh SXH đã tồn tại nhiều năm, sao ngành y không đầu tư nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh?

Không phải ngành y tế không nghiên cứu vaccine. Hãng sản xuất vaccine hàng đầu thế giới đầu tư rất lớn trong việc nghiên cứu sản xuất vaccine phòng SXH. Họ đã nghiên cứu ở Thái Lan và thử nghiệm tại miền Nam nước ta nhưng vẫn chưa thành công.

Sản xuất vaccine chống SXH là vấn đề nóng của thế giới, nhưng chưa thành công. Việt Nam cũng đã tham gia vào nghiên cứu sản xuất vaccine.

Do đó, càng phòng bệnh tốt thì mới giải quyết được số mắc vì chưa có vaccine. Vì vậy, tôi cho rằng ý thức của mỗi người dân trong phòng chống bệnh rất quan trọng.

Ông có thể nói rõ hơn về bệnh  SXH khác với sốt thông thường như thế nào? Làm sao để nhận biết được bệnh này?

Sốt xuất huyết bao hàm 2 ý là “sốt” và “xuất huyết”.  Sốt ở đây chỉ truyền qua muỗi, khi muỗi mang mầm bệnh đốt người thì người đó bị lây bệnh. Sau khi bị muỗi đốt từ 2-7 ngày, người bệnh mới có triệu chứng (mới phát bệnh), mới sốt, người đau ê ẩm...

Sốt là do bị giảm tiểu cầu, gây ra xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu mũi; với phụ nữ thì kinh nguyệt kéo dài, thậm chí bị xuất huyết dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não. Nhưng cũng có những trường hợp không xuất huyết mà chỉ bị sốt.

Nhưng nguy hiểm nhất là sốc, sốc do SXH. Nếu không điều trị kịp thời, không phát hiện kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong.

Việt Nam có kinh nghiệm nhiều năm nay trong phòng chống SXH, điều trị SXH nhưng nếu chúng ta không có ý thức đầy đủ thì dịch bệnh sẽ diễn biến nguy hiểm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết