Tâm thư giáo viên gửi tân Bộ trưởng Giáo dục gây sốt

Ngày 11/04/2016 10:50 AM (GMT+7)

Tăng tiền lương, bỏ Thông tư 30, giảm sổ sách, bỏ thi giáo viên... là những tâm nguyện gửi tới tân Bộ trưởng Giáo dục đang được hàng nghìn giáo viên chia sẻ.

Thông tin ngành Giáo dục vừa thay đổi Bộ trưởng đã khiến cho hầu hết giáo viên cả nước vừa mừng, vừa lo. Theo đó, giáo viên vui vì lại có thêm mong đợi tương lai mới, phát triển mới cho ngành giáo dục nhưng lại lo vì không biết sẽ thay đổi thế nào. Xuất phát từ dòng cảm xúc này, trên trang fanpage Facebook “Chúng tôi là giáo viên” đã chia sẻ 10 mong muốn gửi đến tân tư lệnh ngành Giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bài viết đã nhận tới hơn 40.000 lượt yêu thích và chia sẻ cùng với hàng nghìn lượt bình luận đồng tình lẫn kể khổ của từng thành viên. Mặc dù sợ nói ra là "nhạy cảm" nhưng tác giả bài viết (là độc giả của fanpage này) đã mạnh dạn đưa ra ý kiến để mong Bộ trưởng hiểu hết "cái khó" của giáo viên. Tác giả bài viết xin được giấu tên với lý do "Đây là mong muốn của tất cả các giáo viên và tác giả chỉ là người tổng hợp lại".

Tâm thư giáo viên gửi tân Bộ trưởng Giáo dục gây sốt - 1

Tâm thư gửi Bộ trưởng.

Sau đây là 10 "tâm nguyện" gửi Bộ trưởng:

1. Sinh viên sư phạm ra trường xin được việc làm: Cách đây nhiều năm, sư phạm là ngành "hot", giáo viên ra trường có việc làm ngay. Thời thế bây giờ đã khác, thất nghiệp là nỗi lo của bất cứ sinh viên nào sắp ra trường, không chỉ riêng sinh viên sư phạm. Chúng tôi vẫn bảo nhau là: Giờ ra trường được dạy thì ít mà mất dạy thì dễ lắm. 

Thưa tư lệnh, tôi vẫn mong chờ một thống kê chính xác xem bao nhiêu phần trăm sinh viên sư phạm ra trường được làm đúng nghề hay phải đi làm công nhân, ra chợ buôn bán. Nhìn cái cảnh bạn bè học giống mình mà xót lắm tư lệnh ơi. Có người may mắn xin đi dạy hợp đồng, hơn chục năm rồi vẫn chưa biên chế, lương ba cọc ba đồng, chế độ lại không có, cả gia đình trông vào đồng lương giáo viên. 

2. Tăng lương: Nếu so bậc lương của các ngành này với nhau, có lẽ không ít người cảm thấy choáng bởi sự chênh lệch quá lớn. Một số giáo viên kiếm được tiền bằng cách dạy thêm (thực tế là dạy chui), còn đại đa số giáo viên như chúng tôi tồn tại bằng lương. Với hơn 3 triệu đồng, để nuôi bản thân còn khó nữa là gia đình. Nhiều cô trường cách nhà vài chục cây số, lương tháng đủ đổ xăng, hàng tháng vẫn xin tiền bố mẹ.

Con cái người khác chúng em chăm sóc hết lòng, nhưng con cái mình chúng em chẳng biết nhờ ai. Mong tư lệnh xem xét. Tăng lương không có nghĩa là đòi hỏi quá đáng của giáo viên mà chính là sự trân trọng của xã hội đối với giáo dục. Chỉ khi nào các thầy cô không còn vật lộn với cơm áo gạo tiền cho mình và gia đình thì lúc ấy, giáo dục mới được trả về đúng giá trị của nó.

3. Bỏ thông tư 30: Nhắc đến Thông tư 30, hầu hết các thầy cô đều thừa nhận tính đúng đắn về mục tiêu. Song, cách thực hiện thì quả thật rất có vấn đề. Học sinh học ngày càng kém, giáo viên quay cuồng trong đống sổ sách, nhận xét. Thậm chí, tuyển tập các nhận xét dành cho giáo viên theo thông tư 30 được Page Tổng hợp là tài liệu hot, được hàng chục nghìn thầy cô truyền tay nhau. Các thầy cô tranh thủ nhận xét ở khắp nơi, giờ ăn trưa, giờ giải lao, về nhà cũng cắm đầu vào soạn giáo án, sổ sách.

Giáo viên phải nghĩ ra cách để khen học trò, không quát mắng gì cả. Cách giáo dục mang tính tự sướng đã làm hại học trò. Nhiều người nghĩ rằng chấm điểm cho học sinh chính là nguyên nhân tạo ra áp lực trong giáo dục. Thực tế, chính sự kỳ vọng quá đáng của gia đình và thực tế xã hội mới tạo ra áp lực cho giáo dục.

4. Giảm giấy tờ, sổ sách: Nhìn thấy giấy tờ, sổ sách là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô giáo. Thậm chí, sổ sách còn len lỏi vào trong từng giấc mơ, trở thành nỗi ác mộng của nhiều thầy cô. Trước khi lên lớp, ngoài giáo án, các thầy cô lại ngồi viết sổ chủ nhiệm, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ hàng tuần, sổ họp, sổ bàn giao... Ước mơ lớn nhất của thầy cô là giảm mấy loại sổ sách đi để tập trung vào công việc chính.

5. Trả thầy cô cho học sinh: Cách đây vài tháng, nhiều thầy cô phản ánh rằng giáo viên phải đứng ra làm nhiệm vụ thu tiền bảo hiểm của học sinh. Khi học sinh không đóng bảo hiểm, giáo viên phải vận động bởi cấp trên áp chỉ tiêu xuống. Nếu lớp nào có học sinh không đóng, giáo viên bị xem xét cắt thi đua. Câu chuyện này là có thật ! Chỉ có điều vì sợ phiền phức nên các thầy cô không dám kêu, mà có kêu cũng chẳng đến được tai lãnh đạo. Giáo viên phải làm nhiều vai trò: Giảng dạy, giáo dục, nhà tâm lý, quan toà, bảo vệ, thủ quỹ... Giảm gánh nặng khác sẽ tập trung tất cả nguồn lực thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

6. Bỏ thi giáo viên giỏi và phổ cập theo thành tích: Hàng năm, khắp các địa phương nô nức tổ chức cuộc thi giáo viên giỏi. Để 1 thầy cô đi thi, hàng loạt thầy cô khác và gia đình đều nhảy vào, nào là giáo án, tập huấn rồi lên kịch bản, giáo viên lên diễn. Năm nào cũng vậy. Giáo viên giỏi không phải là giáo viên diễn giỏi, mong sao Bộ ta bỏ những cuộc thi kiểu này để tránh bệnh thành tích lây lan. 

7. Bỏ Sáng kiến kinh nghiệm: Mỗi năm, các thầy cô buộc phải viết sáng kiến kinh nghiệm. Giáo viên làm sao nghĩ ra lắm sáng kiến kinh nghiệm đến nhường ấy. Vậy là các thầy cô sao chép hết của nhau đem nộp, may sao đợt vừa rồi Bộ ta có quy định bỏ Sáng kiến kinh nghiệm, nhưng ở nhiều nơi vẫn chưa bỏ tư lệnh ạ.

8. Tăng quyền cho giáo viên: Nhiều gia đình đổ hết lỗi con cái hư cho giáo viên, học sinh láo giáo viên không dám mắng, đánh nhau không dám phạt nặng bởi sợ các em nghĩ quẩn, hoặc về kể với phụ huynh, phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng thì mang hoạ. Ai sẽ là người bảo vệ giáo viên những lúc như thế?

Nếu có thể, một năm học Bộ ta nên quy định phụ huynh học sinh nên đi học thêm cách dạy dỗ con cái cùng với nhà trường. Nhiều phụ huynh còn thờ ơ và không biết giáo dục con cái đúng cách. Nhà trường không thể đơn độc và cô lập mình thành ốc đảo.

9. Bỏ VNEN: Mô hình này thật sự không phù hợp ở Việt Nam. Nhiều thầy cô nói rằng nên học tập có chọn lọc và chỉ nên thực hiện ở 1 số nơi. Chứ học kiểu này, em nào học giỏi thì có lợi, còn kém thì ngày càng kém.

10. Hãy lắng nghe ý kiến giáo viên: Bộ ta đang tiến hành đổi mới, giáo viên cũng rất ủng hộ việc đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào, cách làm ra sao thì hãy lắng nghe ý kiến của giáo viên - những người trực tiếp thực hiện đổi mới. Trước khi thực hiện 1 việc gì đó có tác động sâu sắc đến giáo viên, xin hãy cho chúng tôi được góp ý trực tiếp.

Nhiều cơ sở chỉ có lãnh đạo đi góp ý, lại sợ phật ý cấp trên nên cố tình nói theo kiểu cổ vũ, đồng tình chứ không dám đưa ý kiến khác biệt. Tôi nghĩ sự phản biện của giáo viên và góp ý của chính học sinh, phụ huynh học sinh mới là cơ sở quan trọng để đưa sự đổi mới đi đúng hướng.

Từ ngày 9/4, ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Trước khi đắc cử Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Phùng Xuân Nhạ là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Ông sinh ngày 03/6/1963 tại Phù Cừ, Hưng Yên. Vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1997. Tiến sĩ Kinh tế, thành thạo tiếng Anh.

Khen thưởng: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; Danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Danh hiệu Tiến sĩ Danh dự của các Trường Đại học Năng lượng Mátxcơva (LB Nga) và Trường Đại học Kinki (Nhật Bản).

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h