Theo dấu vết ngôi mộ cổ trong hang sâu xứ Lạng

Ngày 03/09/2017 09:18 AM (GMT+7)

Trong một hang nhỏ, hiểm trở trên dải núi đá vôi cheo leo ở huyện biên giới Tràng Định (Lạng Sơn) có một quan tài cổ cách đây chừng 500 năm bằng cây gỗ quý. Để đến tận nơi, người thám hiểm phải đối mặt với nhiều thử thách hiểm nguy thậm chí đánh đổi cả mạng sống.

Chiếc quan tài không còn nguyên vẹn vì có dấu hiệu bị cạy nắp. Về kỹ thuật chế tác, cổ vật được làm bằng một thân cây gỗ đinh lớn rồi bổ đôi thành 2 phần bằng nhau, ở giữa được khoét hình lòng máng kiểu dáng lòng thuyền độc mộc để đặt thi hài, rồi úp khít lên nhau, mấu chốt ở giữa không có lỗ cài then mà chỉ có lỗ cài then ở hai đầu được khoá bằng những chiếc nêm. Kích thước quan tài dài 2,2m, đường kính 0,45m đã bị mục, mất phần nêm cài.

Quan tài bị vỡ thành 2 mảnh theo thân gỗ (phần ở dưới đặt thi hài, và nắp đậy bị vỡ 1/3). Trên thân quan tài không có chạm khắc hoa văn gì, toàn bộ di cốt và đồ tùy táng không còn nhiều, chỉ phát hiện được một mảnh gốm có hoa văn thừng, kích thước 4cm x 3,7cm.

 Ngoài ra cách mộ cổ chừng 20m tại ngách hang bên phải trong quá trình khảo sát đã phát hiện một lớp tro dày và các mảnh gỗ mục cùng nhiều di vật như mảnh gốm nâu đen có họa tiết hoa văn thừng và khắc vạch và 11 mảnh xương, kích thước dài từ 3cm đến 8,5cm xác định là xương của người được mai táng trong quan tài trước đây.

“Nghiên cứu, đối chiếu các mảnh gỗ này với loại gỗ được dùng làm quan tài tại khoang trong cùng cho thấy, khu vực này có thể còn có một đến hai quan tài nữa”, anh Quyền nhận định.

Bí ẩn hé lộ

Theo già làng truyền lại, xứ Lạng xưa hoang vu với nhiều rừng già, vực thẳm, lắm thú dữ. Bọn thổ phỉ, giặc dã đến bản làng cướp bóc liên miên. Con sông Kỳ Cùng thi thoảng dâng cao, đe dọa đến cuộc sống của người dân tộc Tày, Nùng, Hoa nơi đây. Chính vì vậy, những dòng họ “có máu mặt” thường chọn nơi núi cao hiểm trở và có sông suối bên dưới để táng người chết. Người xưa tin rằng thiên táng trên cao chính là đường ngắn nhất để linh hồn người chết về trời, bay tới thiên đàng.

Ở ngôi mộ cổ tìm thấy ở hang Kéo Lầm, đầu quan tài cổ hướng về mặt trời với quan niệm sẽ che mắt được người lạ và thú dữ đến quấy phá.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông  Nông Đức Kiên, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau chuyến khảo sát thực địa, cán bộ Bảo tàng đã đến hang Kéo Lầm lần thứ hai vào đầu năm 2017 để thuê trai tráng trong làng cùng di chuyển toàn bộ số đồ cổ về đơn vị để tiếp tục nghiên cứu đồng thời tháng 9 tới đây mời chuyên gia Viện khảo cổ học lên thẩm định, đánh giá cụ thể.

Trở lại vấn đề tìm hiểu cổ vật mới phát hiện, ông Kiên cho hay: Qua thực địa và nghiên cứu, sơ bộ ban đầu xác định đây là hình thức thiên táng bằng thân cây, được chế tác thủ công, có hình dáng giống chiếc thuyền độc mộc, biểu hiện qua kỹ thuật khoét lòng và chốt gài quan tài một cách tinh xảo, khéo léo.

Về vị trí đặt mộ, người xưa đã rất kỳ công, tài ba khi đưa được xác người và quan tài lên một vị trí hiểm yếu, cheo leo hiểm trở. “Có thể, họ làm công việc này một cách bí mật và không muốn nhiều người biết và tuyệt đối không để ai xâm phạm vào nơi có thiên táng. Chính vì thế, ngôi mộ cổ trở nên bí ẩn và tồn tại hàng thế kỷ nay”. Ông Kiên nhận định.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong; vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước có tình trạng người dân địa phương lùng sục tới các hang đá để tìm kiếm vàng, cổ vật, khoáng sản nên đã tàn phá nhiều cổ vật còn sót lại. Tại hang Kéo Lầm thấy rõ có sự can thiệp của con người và ai đó đã đốt quan tài, cây khô, mục để sưởi hoặc trừ tà.

Tuy vậy, việc phát hiện quan tài cổ còn sót lại tại hang Kéo Lầm là rất quý giá. Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ phát hiện ở hai tỉnh Thanh Hóa và Sơn La và đây là lần đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Lạng Sơn. Đó là những tư liệu lịch sử quan trọng, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho các nhà khảo cổ, dân tộc học, về nhiều lĩnh vực lịch sử, nhân chủng, tín ngưỡng.

“Thông qua đó chúng ta có thể vén bức màn thần bí của hang mộ cổ, phác họa được hoàn cảnh kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc xứ Lạng thời cổ xưa. Căn cứ vào những tài liệu đã được công bố và các dữ liệu so sách đối chiếu; ban đầu chúng tôi xác định ngôi mộ có niên đại cách đây khoảng 400 - 500 năm”. Ông Kiên nói.

Hai chuyên gia đầu ngành của Viện cổ học Việt Nam là TS Nguyễn Gia Đối (Phó viện trưởng Viện cổ học) và nhà khoa học Nguyễn Lân Cường nhận định rằng, thiên táng cổ tìm thấy ở Lạng Sơn rất có giá trị cần phải bảo tồn, nghiên cứu. 

Theo NGUYỄN DUY CHIẾN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan