“Thủ phạm” khiến trẻ nhập viện ở trong phòng ngủ mỗi gia đình

Ngày 18/06/2016 15:49 PM (GMT+7)

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, điều hòa nhiệt độ là vật “bảo bối” không thể thiếu đối với nhiều gia đình, nhưng ít ai biết được rằng đây cũng là “thủ phạm” khiến trẻ phải nhập viện trong những ngày hè.

Theo đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị có nguyên nhân từ việc nằm trong điều hòa nhiệt độ không phải là hiếm. Trong đó, nhiều nhất là các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp, viêm phế quản thậm chí là bị khô da…

Chị Quỳnh Anh (Phúc Thọ - Hà Nội) đưa con lên viện Nhi từ 6 giờ sáng để khám cho con, nguyên nhân là bé Sâu nhà chị dù mới 2 tuổi nhưng da nhăn nheo, sờ lên da có cảm giác như là bị thiếu nước, rất thô giáp. Được biết, trong những ngày nắng nóng gia đình chị chỉ cho con ở trong phòng và dường như bật điều hòa nhiệt độ 24/24.

Sau khi được bác sĩ thăm khám xong, chị Anh cho biết: “Vào phòng khám bác sĩ chỉ hỏi tôi vài câu, sau đó sờ da cháu và dặn, về nhà hạn chế việc cho cháu ở trong điều hòa 1 thời gian là sẽ khỏi. Tôi cũng lo lắng hỏi có phải dùng thuốc gì không, bác sĩ chỉ kê cho loại kem dưỡng ẩm”.

“Thủ phạm” khiến trẻ nhập viện ở trong phòng ngủ mỗi gia đình - 1

Trong những ngày nắng nóng trẻ đến khám tại BV Nhi luôn đông nghẹt.

Một trường hợp khác cũng phải đưa con nhập viện điều trị do sử dụng điều hòa sai cách. Đó là cháu Nguyễn Hoàng Minh, con anh Nguyễn Minh Hoàng và chị Bùi Thị Tươi. Theo anh Hoàng, nghe đài báo hướng dẫn không nên bật điều hòa trong phòng ở nhiệt độ thấp, nên những hôm trời nóng anh Hoàng chỉ dám bật 27 độ.

Tuy thực hiện bật ở chế độ nhiệt vừa phải, nhưng gia đình anh Hoàng lại luôn để chế độ gió, do phòng hẹp nên gió điều hòa thốc thẳng lên gường nơi bé Minh nằm chơi và cũng là chỗ ngủ. Sau vài ngày như vậy, đi khám bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm họng mủ tụ cầu cấp, kèm theo viêm phế quản.

Thực tế, nhưng sai lầm trong khi sử dụng điều hòa không dẫn đến việc trẻ phải nhập viện không phải hiếm. Tuy nhiên, khi sử dụng tùy vào điều kiện gia đình, điều kiện phòng ốc và thậm chí là cơ địa của từng người.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), khi dùng điều hòa cho trẻ nhỏ quan trọng là phải phụ thuộc vào nhiệt độ phòng. Vì thế, các gia đình nên sắm một chiếc nhiệt kế thay vì điều chỉnh nhiệt độ trên điều hòa. Theo PGS Dũng, nhiệt độ điều hòa và phòng có sự chênh lệch do phụ thuộc vào chất lượng máy, diện tích, tường vách.

“Thủ phạm” khiến trẻ nhập viện ở trong phòng ngủ mỗi gia đình - 2

Một trường hợp vừa được người nhà đưa đến khám tại BV Nhi.

Ngoài ra, khi sử dụng điều hòa cần phải bật quạt thông gió để không khí lưu thông và giúp cho phòng thoáng hơn. Không chỉ có vậy, các gia đình khi bật điều hòa cũng nên để một chậu, ca nước ở trong phòng để giữ ẩm, tránh việc trẻ bị khô da.

Để phòng các bệnh do điều hòa nhiệt độ gây nên, phụ huynh không nên cho bé vào phòng điều hòa khi vừa đi ngoài nắng về, mồ hôi ra nhiều. Cha mẹ nên lau khô mồ hôi cho bé, để bé ngồi 1 lúc sau đó mới cho bé vào phòng có điều hòa. Khi muốn ra ngoài, cha mẹ nên tắt điều hòa, mở cửa phòng 1 lúc cho bé dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Sau đó mới cho bé ra khỏi phòng.

Tùy vào tình hình thời tiết, công suất điều hòa, diện tích phòng mà điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cho thích hợp. Mức chênh lệch giữa nhiệt độ trong phòng và nhiệt độ ngoài trời càng ít càng tốt. Không nên để quá lạnh bởi như thế vừa tốn điện mà lại không tốt cho sức khỏe. Còn nếu để nhiệt độ cao quá thì tác dụng làm lạnh lại không hiệu quả. Nhiệt độ lý tưởng nhất nên ở 27 – 28 độ C.

Ngoài ra, nên tránh hướng điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan