Thực phẩm chức năng - coi chừng mang họa

Ngày 09/01/2016 18:10 PM (GMT+7)

Trong vòng 15 năm, số công ty kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam tăng hơn 230 lần, số sản phẩm tăng gần 160 lần. Việc tăng “chóng mặt” này khiến thị trường TPCN càng khó quản lý, “vàng thau lẫn lộn”.

“Mảnh đất” màu mỡ

TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, thị trường thực phẩm chức năng  trong vài năm qua đã bùng nổ với tốc độ lớn.

Theo báo cáo của Cục ATTP (Bộ Y tế), năm 2000 thị trường TPCN ở Việt Nam mới bắt đầu “khởi động” dè dặt với 13 công ty nhập khẩu 63 sản phẩm. Vài năm gần đây, điều kiện kinh tế phát triển, nhu cầu làm đẹp, sống khoẻ gia tăng, kéo theo sự bùng phát của các sản phẩm TPCN. Đến năm 2015, cả nước có hơn 10.000 sản phẩm TPCN và hơn 3.000 công ty sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TPCN. Nhiều doanh nghiệp, công ty thấy thị trường TPCN là “mảnh đất” béo bở nên đã lao vào tham gia sản xuất TPCN. Đến nay, hơn 60% sản phẩm TPCN là “hàng nội”. Số còn lại được nhập khẩu từ các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Nhật, Trung Quốc…

Trên thị trường có rất nhiều cửa hàng bán qua mạng, hàng xách tay TPCN, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có hàng chưa được đăng ký cấp phép lưu hành ở Việt Nam. “Tôi rất bất bình khi thấy các cửa hàng bán hàng xách tay công khai ở khắp nơi. Hàng xách tay chỉ để cho người nhà dùng, khi đem bán phải được đăng ký, cấp phép”- TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam bức xúc. Theo TS Đáng, việc để tồn tại nhiều cửa hàng “xách tay” làm nhiễu loạn thị trường TPCN, các sản phẩm bị “đánh lận con đen” khó phân biệt thật giả, tốt, xấu.

 Thực phẩm chức năng - coi chừng mang họa - 1

Người dân cần cân nhắc lựa chọn TPCN được cấp phép (ảnh chụp tại một cửa hàng thực phẩm chức năng tại TP.HCM). Ảnh:   I.T

TS Đáng cũng cho biết, có hiện tượng là các doanh nghiệp đang đổ xô vào sản xuất TPCN một cách vô tội vạ. Nhiều cơ sở sản xuất dược liệu nhỏ, không đạt GMP, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm, thậm chí cả công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng nhảy sang sản xuất TPCN. Hiện các cơ sở sản xuất TPCN chưa đầu tư nhiều cho sản phẩm mà chỉ chú trọng tăng sản phẩm và tung các chiêu quảng cáo thổi phồng, “đánh đồng” TPCN như thuốc, thậm chí “thuốc thần”.

Mánh khoé làm giả tinh vi

"TPCN chỉ tốt cho cơ thể nếu người dân sử dụng đúng cách, đúng liều, đúng thể trạng sức khoẻ. Vì thế, tốt nhất trước khi sử dụng TPCN, người dân nên đi khám sức khoẻ để được bác sĩ tư vấn. Đồng thời, người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, xách tay mà nên mua các sản phẩm đã được nhà nước cấp phép”. TS Trần Đáng 

Ông Trần Hùng – Phó trưởng Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) nhận định, tình trạng TPCN bị làm giả, làm nhái ngày càng phổ biến, phức tạp và tinh vi. Đợt cao điểm chống buôn lậu, hàng giả liên quan đến dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN từ tháng 7-10.2015, cơ quan chức năng đã thanh tra, phát hiện, xử lý hơn 3.800 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 22 tỷ đồng, hàng hoá tiêu huỷ gần 20 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ hình sự với 5 đối tượng.

“Chúng tôi phát hiện nhiều đường dây làm TPCN và mỹ phẩm giả rất tinh vi. Qua khai thác, các đối tượng bị bắt cho biết thường lấy mẫu mã hàng thật rồi đưa sang các xưởng của Trung Quốc để nhái như thật. Sau đó lại tuồn về Việt Nam” – ông Hùng chia sẻ. 

Theo ông Phong, hiện ngày càng có nhiều người dân sử dụng TPCN. Tuy nhiên, người dân thường sử dụng theo quảng cáo, tiếp cận TPCN một cách vội vã với tâm lý muốn làm đẹp, muốn khoẻ, muốn khỏi bệnh một cách nhanh chóng. Lợi dụng tâm lý này nên các nhà sản xuất, kinh doanh TPCN thường dùng chiêu thức quảng cáo “thổi phồng” để thu hút sự háo hức của người dân. 

Theo Diệu Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm