Trẻ mắc bệnh vì phụ huynh chê vắc xin miễn phí

Ngày 14/04/2015 10:25 AM (GMT+7)

Khi con đến thời gian tiêm phòng miễn phí, các mẹ vẫn nán chờ vắc xin dịch vụ. Vì điều này, một số trẻ đã bị mắc bệnh.

Ngày 14/4/2015, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, trong ba tháng đầu năm đã phát hiện hai trường hợp bị mắc bệnh ho gà. Trong đó, cháu M. chỉ mới 3,5 tháng tuổi. Khi cháu được hai tháng tuổi, phụ huynh đưa bé tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1. Đến tháng thứ ba, thời hạn tiêm mũi thứ hai nhưng hết vắc xin dịch vụ nhưng gia đình không chuyển sang vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Lúc đầu, bé bị ho, sốt nhẹ, đau rát họng. Phụ huynh cứ ngỡ cháu bệnh đường hô hấp thông thường. Khi bệnh chuyển nặng, cháu được chuyển vào bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán bị mắc bệnh ho gà.

Trẻ mắc bệnh vì phụ huynh chê vắc xin miễn phí - 1

"Phụ huynh nào nghĩ, vắc xin miễn phí chất lượng không tốt bằng vắc xin dịch vụ là sai lầm"

Cháu thứ hai bị bệnh ho gà là H., mắc bệnh lúc 2,5 tháng tuổi. Phụ huynh cho hay, đến tháng thứ hai, đáng nhẽ phải cho cháu tiêm vắc xin ngừa bệnh. Khi đến các trung tâm y tế hỏi về vắc xin dịch vụ đều hết hàng nên có ý chờ chứ không tiêm chủng theo chương trình mở rộng quốc gia.

Sau đó nửa tháng, cháu có nhiều biểu hiện giống như bệnh hô hấp, phụ huynh cũng không lo lắng nhiều. Chừng ba ngày sau, cháu ho, sốt nhiều nên phải nhập viện. Lúc này, bệnh ho gà đã khá nặng.

Được biết, hiện tại, vắc xin dịch vụ tiêm ngừa Infanrix Hexa (6 trong 1), Pentaxim (5 trong 1), Tetraxim (4 trong 1) đã khan hàng. Thế nhưng, các phụ huynh vẫn có tâm lý chờ vắc xin dịch vụ về để tiêm cho con chứ không chuyển sang tiêm vắc xin miễn phí.

Tại Viện Pasteur TP.HCM, bác sĩ cho biết vắc xin dịch vụ đã hết hàng. Do đó, mỗi khi có phụ huynh đến hỏi, bác sĩ khuyên nên chuyển sang tiêm vắc xin miễn phí. Bởi, loại vắc xin này chất lượng không thua kém gì vắc xin dịch vụ. Thế nhưng, hầu hết phụ huynh đều ra về chứ không cho con tiêm theo đúng lịch.

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Y tá ở đây thường tư vấn các phụ huynh nên chuyển sang tiêm vắc xin miễn phí để đúng thời gian quy định, đúng liều vào sáng thứ năm hàng tuần và phải đi trước 9 giờ. Tuy nhiên, số lượng phụ huynh quay lại để tiêm vắc xin miễn phí chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Thậm chí, có một số trường hợp, ở các tỉnh đã hết vắc xin dịch vụ nên phụ huynh bồng con lên TP.HCM với hy vọng có thể kiếm một mũi vắc xin dịch vụ. Thế nhưng, khi được thông báo vắc xin dịch vụ hết hàng thì phụ huynh vẫn không cho con tiêm vắc xin miễn phí.

Tại nhiều trạm y tế phường trên địa bàn TP.HCM cũng cho hay, khi tình trạng vắc xin dịch vụ hiếm hàng, số lượng phụ huynh mang con đi tiêm vắc xin miễn phí tăng lên nhưng chỉ với số lượng rất nhỏ. Trong đó, trẻ chuyển từ vắc xin dịch vụ sang vắc xin miễn phí lại càng ít hơn. Các nhân viên trung tâm y tế còn chọn phương án gọi điện, động viên, khuyên nhủ phụ huynh khi đến kỳ tiêm nhưng vẫn không thành công.

Khi được hỏi, tại sao con đến thời điểm tiêm vắc xin mà vẫn không chấp nhận tiêm vắc xin miễn phí? Nhiều phụ huynh có câu trả lời tương đồng là tin tưởng vào vắc xin dịch vụ hơn.

PGS-TS-BS Phan Trọng Lân (Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) cho biết, nếu phụ huynh nào nghĩ, vắc xin miễn phí chất lượng không tốt bằng vắc xin dịch vụ là sai lầm. Bởi, khi vắc xin được đưa vào sử dụng đều được kiểm tra nghiêm ngặt, đảm bảo tính an toàn, chất lượng và hiệu quả.

Vắc xin Quinvaxem có phản ứng thông thường như nóng, sốt, đỏ mắt cao hơn hơn so với vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1. Điều này khiến phụ huynh lo lắng và cho rằng chất lượng vắc xin không tốt. Tuy nhiên, nếu tiêm vắc xin Quinvaxem đúng lịch, liều lượng thì thời gian phòng bệnh sẽ dài hơn.

Trẻ mắc bệnh vì phụ huynh chê vắc xin miễn phí - 2

Chỉ khi trẻ tiêm đúng liều, sức miễn dịch, phòng bệnh mới lớn

WHO khuyến cáo, với các vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, trẻ cần chích mũi cuối của ba mũi cơ bản không quá sáu tháng tuổi. Trẻ chích mũi đầu tiên trễ nhất lúc bốn tháng tuổi. Nếu quá thời gian này mới tiêm ngừa thì việc phòng bệnh sẽ giảm.

Hiếm bà mẹ biết rằng, các mũi tiêm 6 trong 1, 5 trong một hay 4 trong một chỉ phòng được chừng 4, 5, 6 bệnh. Trong khi đó, vắc xin miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia phòng được 11 bệnh.

Do đó, khi cho con tiêm vắc xin dịch vụ xong, nếu muốn con phòng hết tất cả các bệnh, phụ huynh cũng cần phải tiêm vắc xin miễn phí. Tuy nhiên, thử hỏi, các mẹ làm sao biết được con mình đã được phòng bệnh nào và chưa phòng bệnh nào để tiêm các mũi còn lại?

Một số bác sĩ nhấn mạnh: “phụ huynh xin đừng lãng quên chương trình tiêm chủng mở rộng. Hãy để trẻ tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí tại các cơ sở y tế. Trước hết là vì sức khỏe con em của mình”.

Nhật Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot