Vụ học sinh ăn trộm sách: Cần phải xem xét thấu đáo

Ngày 27/04/2014 20:05 PM (GMT+7)

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, việc khởi tố 4 nhân viên siêu thị “trói tay học sinh bắt đeo bảng có nội dung “Tôi là người ăn trộm” cần phải được xem xét một cách thấu đáo, không chỉ trên cơ sở khoa học pháp lý, mà còn phải tính đến các hệ luỵ của nó.

Ngày 25/4, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) huyện Chư Sê, Gia Lai đã ra quyết định khởi tố 4 nhân viên của siêu thị trong vụ việc “trói tay học sinh bắt đeo bảng có nội dung “Tôi là người ăn trộm”. Bốn nhân viên này bị khởi tố tội danh “Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự Việt nam 2009.

Phóng viên báo Đời sống và Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền,Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh xung quanh vụ việc này.

Vụ học sinh ăn trộm sách: Cần phải xem xét thấu đáo - 1

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh.

Luật sư Truyền cho biết: "Qua thông tin truyền thông tôi được biết ngày 25/4/2014 Cơ quan CSĐT CA huyện Chư Sê, tỉnh Gia lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng là bảo vệ, nhân viên bán hàng siêu thị sách Vĩ Yên đã có hành vi vi phạm vào điều 123 bộ Luật hình sự 2009 quy định về tội “Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật”.

Tôi cho rằng phía các cơ quan tiến hành tố tụng tại Chư sê, Gia lai đã rất nhanh chóng kiên quyết trong việc xử lý vụ việc, theo tôi được biết vụ việc này xuất phát từ một Facebook cá nhân và đã được các cơ quan truyền thông kịp thời nắm bắt sự vụ, đã có các hoạt động điều tra rất kịp thời. Qua báo chí, truyền thông, cơ quan Công an đã có được những thông tin hữu ích phục vụ cho việc điều tra, đảm bảo trật tự trị an cũng như bảo vệ cho người dân một cách nhanh chóng nhất có thể.

Khi có một sự kiện pháp lý xảy ra thì luôn có những ý kiến và quan điểm trái chiều, nhất là trong thời điểm phương tiện thông tin đại chúng nhanh nhạy như hiện nay.

Có quan điểm cho rằng việc khởi tố 4 người đối tượng trên là hoàn toàn chính đáng vì đã có hành vị xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của cháu S, người đã phải đeo tấm biển “Tôi là người ăn cắp”. Cũng có ý kiến băn khoăn rằng việc khởi tố có nặng quá không? Vì phía siêu thị và các nhân viên kia xin lỗi cháu S, và gia đình đã thừa nhận cũng có lỗi trong vụ việc trên, mong muốn vụ việc không bị lan rộng để cháu S tiếp tục học hành, không bị phân tán tư tưởng và bị ảnh hưởng về sau này.

Theo cá nhân tôi việc này cần phải được xem xét một cách thấu đáo, không chỉ trên cơ sở khoa học pháp lý, mà còn phải tính đến các hệ luỵ của nó. Quyết định và bản án của các cơ quan tố tụng cần phải được tuân thủ, nhưng không thể thiếu yếu tố nhân đạo xã hội chủ nghĩa, mang tính giáo dục, phòng ngừa tội phạm là chủ yếu. Ngoài ra, việc thu thập chứng cứ từ truyền thông cũng là rất cần thiết cho công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay. Tuy nhiên, quyết định hay bản án cần phải dựa vào pháp luật, chứ không thể chỉ dựa vào dư luận.

Vụ học sinh ăn trộm sách: Cần phải xem xét thấu đáo - 2

Dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau trước sự việc cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam bốn nhân viên siêu thị Vĩ Yên (Chư Sê, Gia Lai).Thưa luật sư, những dư luận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về các khía cạnh pháp lý trong việc khởi tố hành vi vi phạm pháp luật của 4 nhân viên siêu thị sách nói trên. Xin Luật sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết ngày 10/4 tại siêu thị sách nói trên đã xảy ra sự việc cháu S đã lấy trộm 2 quyển sách của siêu thị. Đã có biên bản tường trình vụ việc này và đã có việc cháu S bị trói và bắt đeo biển “Tôi là người ăn cắp”. Tuy nhiên chúng ta phải làm rõ những vấn đề sau đây:

Việc các nhân viên bán hàng và bảo vệ tại hiệu sách trên có thực sự phạm tội “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” hay không thì phải chờ kết luận của cơ quan CSĐT.

Một số vấn đề, theo tôi, cơ quan CSĐT nên làm rõ là: Việc 4 người đó bắt giữ học sinh S có phải là trường hợp bắt giữ người phạm tội quả tang hay không? Vì theo thông tin tôi có được, việc cháu S bị bắt giữ là do hành vi lấy trộm sách của siêu thị.

Việc 4 nhân viên siêu thị sách dùng băng keo để trói cháu S đã diễn ra như thế nào? Có cần thiết phải trói S không khi S chỉ là một học sinh trong khi tại siêu thị có ít nhất 4 người lớn là bảo vệ và nhân viên bán hàng? Có hay không việc cháu S đã có hành vi dùng dùi cui của nhân viên siêu thị sách để đập vào đầu mình? Có hay không việc S đòi mượn dao và nhảy lầu tự tử khi bị hỏi địa chỉ nhà để thông báo cho phụ huynh?

Rõ ràng các tình tiết này sẽ phải được làm rõ để làm cơ sở xác định việc trói, giữ người của các nhân viên siêu thị có đủ yếu tố cấu thành tội “bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật” hay không? Nếu cơ quan CSĐT làm rõ được những tình tiết này, thì mới có kết luận chính xác nhất hành vi và mức độ vi phạm của 4 nhân viên siêu thị nói trên.

Thực trạng hiện nay về phạm tội tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng. Theo Luật sư cần có những giải pháp nào để giải quyết thực trạng này?

Tội phạm tuổi vị thành niên ở bất kỳ xã hội nào cũng có. Việc gia tăng tình trạng này xuất phát từ rất nhiều lý do, trong đó phải kể đến vai trò của các bậc phụ huynh và nhà trường. Thực tế cho thấy, phụ huynh và nhà trường vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến con em mình.

Hàng ngày các em đang phải tiếp xúc với lượng thông tin khổng lồ, cả xấu, cả tốt. Và con em chúng ta cần được định hướng theo những giá trị Chân - Thiện -Mỹ để có những lựa chọn tốt nhất cho mình, tránh rơi vào những trường hợp như cháu S tại Gia Lai mà chúng ta đang nói đến.

Khi sự việc xảy ra thì người chịu hậu quả lớn nhất chính là các em tuổi vị thành niên. Tôi không đoán định được vụ án này sẽ có kết cục như thế nào. Điều tôi quan tâm nhất chính là cháu S sẽ phải ứng xử như thế nào trong cuộc sống sau này? Hệ luỵ của sự việc này tác động như thế nào đến tâm lý, tình cảm và sự trưởng thành của cháu S? Tôi cho rằng vấn đề này cần phải được các nhà chuyên môn xem xét cụ thể, kỹ lưỡng.

Ở sự việc lần này, chúng ta cũng không thấy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội như Hội Bảo vệ bà mẹ trẻ em, Hội Phụ nữ, Hiệp hội doanh nghiệp hay các cơ quan ban nghành tại địa phương.

Biết đâu ngay khi có thông tin về vụ việc, nếu các tổ chức, đoàn thể nói trên kịp thời kiểm tra, có những hình thức xử lý khác mang tính răn đe, giáo dục nhẹ nhàng thì các bên liên quan chắc đã không phải đối diện với “đáo tụng đình”.

Tôi tin 4 nhân viên của siêu thị sách nói trên đã biết mình sai. Bằng chứng là họ đã xin lỗi cháu S và gia đình. Phía cháu S và gia đình cũng đã chấp nhận lời xin lỗi và không hề muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 4 người kia về tội làm nhục người khác.

Sự việc này lẽ ra sẽ khác đi, nếu mọi người hiểu biết pháp luật và có những cách hành xử mang tính nhân văn hơn.

Xin cám ơn Luật sư!

Theo Chân Luận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan