Vụ tai nạn ở Xã Đàn: Tài xế sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 04/03/2014 20:36 PM (GMT+7)

Theo luật sư, sau khi gây tai nạn, nếu tài xế cố tình cán nữ sinh lần 2 thì sẽ bị truy tố về tội cố ý giết người.

Như chúng tôi đã đưa tin, vào khoảng 23h đêm qua (3/3), một vụ tai nạn kinh hoàng đã xảy ra tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội. Nạn nhân là chị Hoàng Thị Quyên, SN 1993, quê ở TP Vinh, Nghệ An; hiện đang là sinh viên Học viện Ngân hàng. Tài xế gây tai nạn được xác định là Đỗ Tú Anh, SN 1982, thường trú tại phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, khoảng gần 23h đêm 3/3, chị Hoàng Thị Quyên đang cùng bạn đi bộ sang đường Xã Đàn, bất ngờ bị chiếc Toyota mang BKS 29U-4036 theo hướng Xã Đàn về Ô Chợ Dừa đâm phải. Theo một số người có mặt tại hiện trường, sau lần đâm thứ nhất, chị Quyên cố ngóc đầu dậy kêu cứu nhưng tài xế xe là Đỗ Tú Anh đã cố tình nhấn ga, chèn tiếp lên người nạn nhân rồi bỏ chạy và gặp phải sự truy đuổi của người dân thì mới chịu dừng lại. 

Vụ tai nạn ở Xã Đàn: Tài xế sẽ bị xử lý thế nào? - 1

Chiếc xe dừng lại sau khi đâm vào dải phân cách trên đường Tôn Đức Thắng.

Sau vụ tai nạn, chị Quyên được người dân đưa đi cấp cứu tại BV Xanh Pôn. Hiện tại, tình hình nạn nhân vẫn đang rất nguy kịch, được các bác sĩ xác nhận bị chấn thương sọ não.

Trao đổi về hành vi của tài xế Tú Anh, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty luật hợp danh Đông Nam Á, cho biết, khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra thì chưa thể kết luận được đây có phải là hành vi cố ý giết người hay không.

Luật sư Thuật phân tích, nếu đây chỉ là một vụ tai nạn giao thông bình thường, tài xế đi qua gây tai nạn thì sẽ xử lý về hành vi vi phạm về an toàn giao thông. Còn nếu đây là một hành vi cố ý, tức là khi điều khiển giao thông tông vào nạn nhân nhưng thấy nạn nhân chưa chết nên cố tình lùi xe cán thêm lần nữa để trốn tránh trách nhiệm thì sẽ bị xử lý vào tội giết người. Tội này đã được quy định ở điều 93 Bộ Luật Hình sự, tùy từng hành vi, tùy từng mức độ phạm tội để áp dụng xử phạt theo khoản 1, khoản 2, khoản 3.

'Điều quan trọng nhất là phải phân tích được ý thức chủ quan của tài xế. Nếu chỉ suy đoán và nghe nói là anh ta cố ý thì không thể cấu thành tội cố ý giết người mà chỉ dừng lại ở vi phạm luật giao thông. Trong trường hợp này, cơ quan công an phải có chứng cứ chứng minh được rằng tài xế cố tình lùi lại lần 2 để cố tình cán chết nạn nhân thì mới có thể quy vào tội cố ý giết người. Với tội này, tài xế sẽ bị truy theo điều 93 Bộ Luật hình sự, mức án cao nhất cho khung hình phạt này là chung thân đến tử hình', luật sư Thuận phân tích.

Vụ tai nạn ở Xã Đàn: Tài xế sẽ bị xử lý thế nào? - 2

Bệnh nhân Quyên (người nằm bên ngoài) đang trong tình trạng rất nguy kịch (Ảnh MH).

Sáng nay (4/3)  cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Đống Đa xác định trước khi điều khiển xe, Tú Anh sử dụng rượu bia. Về vấn đề này, luật sư Thuật cho biết, say rượu hay bất kỳ chất kích thích nào không phải là một tình tiết được miễn giảm trách nhiệm hình sự. Tức là người gây ra tai nạn hoặc người có hành vi vi phạm pháp luật trong tình trạng say rượu thì vẫn bị xử lý như bình thường theo Bộ Luật Hình sự. 

Bộ Luật Hình sự đã ghi rõ, người phạm tội dù trong trong tình trạng có sử dụng rượu bia trong máu hoặc hơi thở có nồng độ vượt quá mức quy định thì vẫn bị xử lý vi phạm hình sự, kể cả tội giết người cũng vậy. 

Về thông tin lái xe Đỗ Tú Anh đã cố tình lùi xe cán 2 lần lên người nạn nhân, trung tá Nguyễn Danh Khởi (Đội phó CSGT Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thời điểm cơ quan công an có mặt, xe gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường nên chưa thể khẳng định lái xe có đâm nạn nhan hai lần hay không. 

Cơ quan điều tra đang thu thập thêm lời khai, chứng cứ, tài liệu để điều tra làm rõ.

Điều 202, BLHS: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ:

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng.

- Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.

- Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Điều 93. Tội giết người

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

c) Giết trẻ em;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Hà An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan