Vụ bác sỹ bị hành hung tại bệnh viện: Có thể xem xét xử lưu động để tăng tính răn đe

Ngày 18/04/2017 09:28 AM (GMT+7)

Những đối tượng hành hung bác sĩ nếu đủ điều kiện khỏi tố thì cần phải xét xử lưu động để răn đe và làm gương cho những trường hợp khác.

Liên quan đến vụ việc người nhà hành hung bác sĩ dã man tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, mới đây chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ với chúng tôi, TS Quang cho biết: “Hành động người nhà hành hung bác sĩ bất tỉnh tại chỗ, phải theo dõi chấn thương sọ não là dã man, vô nhân tính, cả xã hội cần phải lên án mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi cho các bác sĩ, cũng như tạo môi trường lành mạnh để các bác sĩ chuyên tâm chữa bệnh cứu người”.

Theo TS Quang, trong sự việc này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, làm rõ, đủ điều kiện hoàn toàn có thể khởi tố vụ án.

Vụ bác sỹ bị hành hung tại bệnh viện: Có thể xem xét xử lưu động để tăng tính răn đe - 1

Hành động hành hung bác sĩ tại BV Đa khoa Thạch Thất là dã man, vô nhân tính.

“Theo tôi, sự việc xảy ra ở Thạch Thất nói riêng và các vụ việc hành hung nói chung, khi đủ điều kiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì cơ quan thực thi pháp luật nên xét xử lưu động để răn đe và làm gương cho những trường hợp khác”, TS Quang nhấn mạnh.

Về phía Bộ Y tế, để ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa, TS Quang cho biết tới đây Bộ Y tế sẽ ra chỉ thị về vấn đề an ninh bệnh viện.

“Theo đó, quy định này không chỉ bảo vệ nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ, mà còn bảo vệ chính người bệnh. Bởi các bác sĩ có an toàn thì mới dốc hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân”, TS Quang nói.

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều phải nhìn nhận từ hai phía, muốn an ninh bệnh viện được an toàn, thì ngay các cơ sở y tế, cũng như nhân viên y tế cần phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Có như vậy, thì người bệnh, cũng như người nhà người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái khi điều trị và đó chính là cách bảo vệ mình.

Vụ bác sỹ bị hành hung tại bệnh viện: Có thể xem xét xử lưu động để tăng tính răn đe - 2

TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế).

Ngoài vấn đề trên, TS Quang nhấn mạnh, các cơ sở y tế cần phải cảnh giác, tăng cường việc bảo vệ an ninh, trật tự nhất là những nơi có đông người bệnh như khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu. Đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera giám sát ở những nơi trọng yếu, vừa là để phát hiện nhanh sự việc, vừa để ghi lại bằng chứng khi xảy ra sự việc.

Một vấn đề nữa cũng hết sức lưu ý, đó là nhân viên y tế cũng phải biết cách tự bảo vệ mình. “Vẫn biết, có những sự việc xảy ra bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng. Nhưng trong quá trình tiếp xúc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế nên quan sát hành vi, thái độ của người bệnh để có cách ứng xử, cũng như đề phòng sự việc xấu có thể xảy ra.

Theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện.

Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%.

Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 60%), còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h