Vụ Từ điển Tiếng Việt: 'Ông Vũ Chất là ai?'

Ngày 11/10/2014 10:22 AM (GMT+7)

"Vũ Chất là ai tôi cũng chịu mặc dù nhà tôi sưu tầm, tích lũy tương đối đủ các từ điển tiếng Việt nhưng tôi chưa từng gặp ông này ở trên các bài viết, bàn luận, cũng như các dạng từ điển"...

Sau bài "Khiếp đảm Từ điển tiếng Việt: Cào cấu là vừa cào vừa cấu" nhận được nhiều phản hồi của độc giả, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hùng Vỹ về vấn đề này.

- Chào ông, là một người sưu tầm khá đầy đủ các cuốn Từ điển Ttếng Việt, ông cho biết cảm nghĩ của mình về Từ điển tiếng Việt của tác giả Vũ Chất, do NXB Trẻ phát hành?

Cảm nghĩ của tôi là người ta làm hàng ẩu. Vì ẩu quá nên có thể coi đây là hàng giả. Khi tôi đi mua sách bao giờ cũng lật ra xem bởi tất cả các loại hàng hóa trên thế giới đều có hàng thật hàng giả. Đây có thể coi là hàng giả chứ không còn là hàng kém chất lượng nữa. Hàng kém chất lượng là loại 3 đánh lên loại 2, loại 2 đánh lên loại 1 để có thể kinh doanh được. Nhưng đây là cố tình làm ra sản phẩm để bán mặc dù biết chất lượng không đảm bảo. Còn ai cũng biết cuốn từ điển sai nhưng người ta vẫn in vì đặt mục đích kinh tế lên.

Với tư cách là người mua sách tôi sẽ “vứt” ngay đi không mua.

Vụ Từ điển Tiếng Việt: Ông Vũ Chất là ai? - 1

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ.

- Cuốn từ điển này được in từ năm 2001, liệu khoảng thời gian đó đến nay việc cắt nghĩa có khác đi?

Không khác, vì từ điển là một loại công cụ nên yêu cầu độ chính xác cao và tồn tại lâu dài. Từ 2001 thì ngôn ngữ Việt nam không khác như vậy.

- Đây là từ điển dành cho học sinh và là loại bé nên có khi nào người ta tóm lược lại không?

Làm từ điển cho học sinh thì phải có quy cách làm cho học sinh chứ không thể làm ẩu, cẩu thả, thậm chí giả dối. Càng với học sinh thì quy cách càng chặt chẽ.

Chuyện kích cỡ sách lớn bé không quan trọng mà chỉ là tiện hay không tiện, bán được hàng hay không bán được hàng.

- Câu giải thích đơn giản, hẹp nghĩa… có vẻ như tác giả đã không nghiên cứu lâu?

Tôi đọc thì thấy tác giả hình như không có trong tay một tài liệu đối chiếu và tham khảo nào và hình như ông nghĩ gì trong đầu thì viết ra như vậy. Thứ 2 là quy cách tối thiểu của một anh làm từ điển không có.

- Ông có biết tác giả Vũ Chất là ai không?

Vũ Chất là ai tôi cũng chịu mặc dù nhà tôi sưu tầm, tích lũy tương đối đủ các từ điển tiếng Việt nhưng tôi chưa từng gặp ông này ở trên các bài viết, bàn luận, cũng như các dạng từ điển. Có thể trong lúc mua sách tôi đã gặp nhưng thấy “tào phào”, của giả nên không mua.

Vụ Từ điển Tiếng Việt: Ông Vũ Chất là ai? - 2

Vụ Từ điển Tiếng Việt: Ông Vũ Chất là ai? - 3

Cuốn từ điển in sai gây bức xúc dư luận.

- Trong chuyện này, bên nào có lỗi thưa ông?

NXB và tác giả đều có lỗi. Lỗi của tác giả là không được đào tạo một cách nghiêm túc về từ điển học và tác giả cố làm ra sản phẩm để bán bản thảo. Còn NXB không hiểu quy cách sản xuất từ điển như thế nào. Vì lợi nhuận nên vẫn cho đi in để bán cho người dùng, không thẩm định. Chẳng qua họ không thẩm định thôi chứ nếu muốn họ thẩm định được ngay.

Nơi cấp giấy phép cũng có lỗi vì không kiểm tra kiểm soát  nội dung, trường hợp này tồn tại không ít. Các nhà xuất bản luôn tìm cách lách luật, “trăm phương nghìn kế” bằng mọi con đường nên những người cấp giấy phép không thể kiểm tra, kiểm soát được hết. Thế nên tạo ra sản phẩm kiểu như vậy.

- Sau 13 năm sách mới bị phát hiện lỗi. Có phải người Việt tra từ điển quá ít?

Không phải. Có người biết nhưng người ta không thèm nói. Cái này thuộc về trách nhiệm nhà xuất bản, tác giả, người duyệt in vì họ có cả một thiết chế, thanh tra. Họ ăn lương nhà nước phải làm việc này chứ không phải đợi xã hội phanh phui, đợi ai phát hiện ra mới chạy theo. Xã hội sống theo cách tự do, đọc thấy sai họ “quẳng đi” không cần. Có những cái chúng tôi phát hiện ra 30 năm rồi nhưng không nói vì thấy chưa cần thiết.

Cũng không phải do người đọc không phát hiện ra vì cái sai đó “sờ sờ” nhìn là thấy ngay.

- Ông nhận xét gì về tình trạng sinh viên sử dụng ngôn ngữ thế nào?

Ngô nghê thì đến nhà khoa học cũng ngô nghê chứ không chỉ sinh viên. Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, sinh viên viết càng chuẩn xác. Nếu chúng ta đọc Nam Phong tạp chí, Tri Tân tạp chí, đọc sách của những năm 20, 30 và so với việc sinh viên viết bây giờ để khảo cứu thì độ chuẩn xác nâng lên cao. Thậm chí năm 80, 90 độ sai sót chính tả so với bây giờ khá lớn.

Tôi nói như vậy sở dĩ năm 2001, anh tôi định cư Mỹ, anh trước làm giáo vụ khoa Văn nên bài thi của sinh viên trữ hàng chục năm. Tôi tiếp quản cái đó, tôi ngồi xem thì thấy hiện nay sinh viên viết chính xác hơn nhiều.

- Ông đánh giá về các Từ điển tiếng Việt hiện nay?

Về cơ bản, từ điển nào cũng có lỗi nhưng vấn đề là ít hay nhiều. Cái lỗi cơ bản nhất là những nhà làm từ điển tiếng Việt không có thói quen đưa ngữ liệu một cách khách quan mà có một tật chung là bịa ngữ liệu theo ý mình. Ví dụ như “ăn” thì bịa ra câu có chữ “ăn”. Đáng lẽ “ăn” phải trích sách nào nhưng các nhà từ điển không trích nên chất lượng khoa học có thể đúng nhưng quy cách khoa học không đáng tin cậy. Họ phải trích dẫn câu này theo Nam Cao viết, đây là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du viết…Còn nếu là dân gian thì ghi theo cách nói dân gian chứ không phải bịa.

Lỗi thứ 2 người ta tiếp thu từ điển cổ nhưng thiếu đánh giá độ chuẩn xác của từ điển trước. Thấy từ điển trước nói thế này thì nói theo dễ dàng. Mặc dù nó cách đây 50 năm, 100 năm thì phương diện nghĩa đã bị chuyển đi một ít nhưng người ta cứ an tâm đưa vào. Rồi các từ điển khác kiểu như từ điển Hán Việt và tiếng Việt khác nhau nhưng người ta sẵn sàng bê lý giải từ Hán Việt sang tiếng Việt.

Sai thứ 3 là quy cách chú nghĩa không nhất quán. Ví dụ như chú nghĩa từ vựng, từ nguyên, từ chuyên môn… có cách khác nhau nhưng người ta bị lẫn lộn. Trong khi đó từ điển phương Tây, châu Âu, Trung Hoa người ta rất cẩn trọng.

Tất nhiên từ điển làm với những người có tư cách, có năng lực hoặc làm ở Viện thì cái sai sót diễn ra không nhiều như của ông Chất này. Ông ấy không biết gì về làm từ điển mà cứ lao vào với cách lý giải rất buồn cười.

- Tác hại của việc sách hàng giả này ra sao thưa ông?

Đã là hàng giả thì nó tác động đến nhận thức, trí tuệ, đến cả cách dùng tiếng Việt. Vì là từ điển nên càng lâu dài, ăn thực phẩm độc thế nào đọc từ điển này cũng vậy.

Từ điển sai tạo ra định kiến sai mà có thể theo họ cả đời. Nếu đọc sách nhiều thì có thể rũ bỏ được nhưng có người không đọc thì cái sai cứ ấn vào đầu người ta cứ thế mà sai liên tục. Sau này giải thích cho con cũng sai luôn. Không phải bao giờ người ta cũng có điều kiện hỏi chuyên môn.

- Theo ông, Nhà xuất bản Trẻ và tác giả Vũ Chất nên làm gì sau sự việc này?

Sản phẩm này chắc chắn sẽ được NXB thu hồi, nhưng lâu ngày chắc bán cũng hết rồi. Vấn đề lo là sách bị in lậu thôi.

Còn không có ông tội phạm nào nói xin lỗi là xin lỗi mà sẽ trốn tội. Nếu có tư cách thì sẽ xin lỗi chứ không phải bào chữa. Nên tôi không kỳ vọng.

- Vậy theo ông học sinh, sinh viên hiện nay nên dùng từ điển nào?

Tốt nhất là các em hỏi chuyên gia hoặc tra trên mạng, đặc biệt là phụ huynh muốn mua thì phải xác định dành cho đối tượng nào, mục đích gì.

Vụ Từ điển Tiếng Việt: Ông Vũ Chất là ai? - 4

Từ điển Tiếng Việt của tác giả Nguyễn Như Ý là một trong những sách được Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ khuyên dùng.

Với mục đích học tập thông thường thì nên dùng Từ điển tiếng Việt Văn Tân hoặc từ điển của Viện ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Như ý. Sách nào cũng có sai sót nhưng mức độ học sinh dùng được và chưa cần thiết phải phát hiện.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan