12 ngày nữa, viện phí tăng 30%, ai là người ảnh hưởng đầu tiên?

Ngày 18/02/2016 08:28 AM (GMT+7)

Tính bình quân tất cả các dịch vụ y tế, mức giá thực hiện từ 1/3 sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay.

Ngày 17/2, nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT, Liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnhbảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó đã quy định mức giá cụ thể của 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế.

Theo đó, ngoài tiền lương, đối với các phẫu thuật, thủ thuật theo quy định của Thủ tướng được hưởng phụ cấp thì có tính chi phí chi trả phụ cấp vào giá nên mức tăng của các dịch vụ rất khác nhau.

Từ 1/3/2016, tức là chỉ 12 ngày nữa, tính bình quân của tất cả các dịch vụ thì mức giá thực hiện, gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay.

4 tháng sau, từ ngày 1/7, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Bộ Y tế khẳng định, giá viện phí không phải tăng từ 2 đến 7 lần như một số thông tin đã nêu trước đó.

12 ngày nữa, viện phí tăng 30%, ai là người ảnh hưởng đầu tiên? - 1

12 ngày nữa, giá viện phí sẽ tăng trung bình 30% (Ảnh: Chí Cường)

Bộ Y tế cũng khẳng định khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ không bị ảnh hưởng khi viện phí tăng.

Theo Bộ Y tế, việc Liên bộ ban hành Thông tư quy định mức giá gồm chi phí trực tiếp và tiền lương là một đòi hỏi thực tế, khách quan, theo lộ trình từng bước tính đủ chi phí trong giá dịch vụ công theo đúng chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Đặc biệt, việc tăng giá này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ mà chuyển các khoản chi trước đây nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Bộ Y tế cũng cho hay, Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán BHYT nên đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số) trước mắt áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng.

Đối với người có thẻ BHYT thì mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng.

Mức độ ảnh hưởng không nhiều là đối tượng người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%).

Đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.

Bộ Y tế cũng khẳng định, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở.

Theo Võ Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viện phí