Con mắc bệnh tự kỷ vì không được bố mẹ quan tâm

Ngày 20/08/2015 00:09 AM (GMT+7)

Có rất nhiều trẻ nhỏ vì thiếu sự quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng cách từ các phụ huynh nên ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề tâm lý thậm trí là khiến trẻ mắc những căn bệnh nguy hiểm.

Tình trạng trẻ tự kỷ đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, có không ít phụ huynh lại đang “ngộ nhận” khi cho rằng con mình là “thần đồng”, là thông minh…hoặc cũng có không ít trường hợp còn quá thiếu kiến thức về căn bệnh này, khiến việc phát hiện và điều trị thường ở giai đoạn muộn.

Vậy, làm sao để phát hiện sớm căn bệnh tự kỷ nguy hiểm này và làm sao để phát huy được những khả năng thiên bẩm của trẻ tự kỷ. Qua các bài viết dưới đây, các chuyên gia sẽ có những phân tích, đánh giá dưới mọi góc nhìn về căn bệnh này.

Mời các bạn đón đọc loạt bài về chủ đề này trên Khám Phá

>> Kỳ 1: Con mắc bệnh tự kỷ vì không được bố mẹ quan tâm

>> Kỳ 2: Làm sao để phát triển năng lực đặc biệt của trẻ tự kỷ?

>> Kỳ 3: Những quan điểm sai lầm của phụ huynh về bệnh tự kỷ

Những trường hợp như trên hiện nay không phải hiếm khi đi đến các Trung tâm tư vấn tâm lý hoặc các khoa điều trị như: khoa Tâm bệnh, khoa phục hồi chức năng ở các bệnh viện.

Điển hình trong số đó là trường hợp của bệnh nhi N.T.H khi đến khám tại khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Trung ương). Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, dù đã hơn 3 tuổi nhưng cháu H. vẫn rất ít nói, khi phát âm thì thường hay bị ngọng…

Chính đặc điểm này nên khi đi nhà trẻ, cháu H. thường bị các bạn cùng lớp trêu chọc, từ đó khiến cháu tự ti về bản thân mình, sống xa lánh và ngại tiếp xúc với mọi người, kể cả là những người thân trong gia đình.

Sau một thời gian dài, dù đã dùng mọi biện pháp để khắc phục. Tuy nhiên, tình trạng bệnh không mấy cải thiện nên gia đình phải đưa cháu vào bệnh viện thăm khám.

Ngoài những trường hợp như trên, có nhiều em nhỏ mắc bệnh do chính sự thờ ơ, không quan tâm của cha mẹ. Điển hình là một trường hợp bé trai 4 tuổi ở Hà Nội, do cháu ít nói, hay tha thẩn chơi một mình, thiếu nhanh nhẹn, ít tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa nên gia đình lo lắng và đưa đi khám.

Tuy nhiên, khi đi khám bác sĩ cho biết, cháu không hề bị bệnh tật gì. Khai thác tiền sử gia đình thì được biết, bố mẹ mải kiếm tiền, ít quan tâm đến con nên xảy ra trường hợp như vậy.

Theo đó, bố mẹ cháu bé do quá mải mê công việc, không có thời gian chơi và chăm con, hôm nào cũng đưa cháu đến nhà trẻ sớm nhất và chiều thì đón cháu về muộn nhất, thậm chí là cả những ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật bố mẹ cũng gửi bé đi nhà trẻ để dành thời gian kiếm tiền.

Con mắc bệnh tự kỷ vì không được bố mẹ quan tâm - 1

Trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ rất dễ mắc những căn bệnh liên quan đến phát triển trí tuệ và tính cách.

Chính vì vậy, trẻ cảm thấy bị cô đơn, thiếu tình cảm và dẫn tới những thay đổi về tâm lý ngay từ khi còn nhỏ. Trong trường hợp này, nếu không phát hiện kịp thời, trước sau gì cháu cũng sẽ bị bệnh.

Từ những trường hợp trên, chia sẻ với phóng viên chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất (GĐ Công ty Tư vấn Tâm lý An Việt Sơn – Hà Nội) cho biết, đó là một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay.

“Tôi phải khẳng định rằng, đã là bố mẹ thì không ai là không quan tâm đến con cái cả. Họ rất lo lắng, rất quan tâm đến sự phát triển của con. Tuy nhiên, cái cần bàn đến ở đây chính là sự thiếu kỹ năng khi quan tâm.

Tôi lấy ví dụ như trường hợp ở trên chẳng hạn, đâu phải họ không quan tâm, họ vẫn cho con đi học, vẫn đưa đón con hàng ngày. Đó chính là sự quan tâm. Nhưng đối với từng lứa tuổi thì cần phải có sự quan tâm hợp lý”, ông Chất phân tích.

Theo ông Chất, hiện nay không ít các ông bố, bà mẹ trẻ lấy đồng tiền làm thức đo giá trị. Đồng thời với đó là “phó mặc” chính con em mình ở các nhà trẻ, ở trường, ở lớp. Điều đó, lý giải vì sao, càng thế hệ về sau tình cảm giữa những người trong gia đình càng “nhạt” hơn.

Để có thể vừa lo được “cơm, áo, gạo, tiền”, đồng thời vừa lo được hạnh phúc gia đình và con em mình, ông Chất khuyên: “Mọi người cần phải có kế hoạch, có lộ trình cụ thể theo từng độ tuổi của con, để có nhiều thời gian chăm con hơn. Bởi, tất cả những hành động, việc làm của người lớn hằn sâu trong ký ức của trẻ, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ sau này”.

Cuối cùng, các bậc phụ huynh khi nhận thấy con có dấu hiệu bất thường, tốt nhất nên tìm đến nhà chuyên môn để nhà chuyên môn tìm ra và định dạng ra đó là do vấn đề về bệnh lý hay tâm lý. Bởi có những trường hợp trẻ chậm chạp nhưng vẫn nằm trong vùng an toàn thì chỉ cần hướng dẫn nhẹ là trẻ sẽ ổn trở lại.

Mời các bạn đón đọc kỳ 2 lúc 01h ngày 21/8.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan