Bác sĩ bệnh viện Nhi TW: "Khe hở thành bụng có thể chữa được, mẹ đừng vội bỏ thai nhi"

Ngày 28/10/2017 10:15 AM (GMT+7)

Dị tật hiếm gặp khe hở thành bụng khiến toàn bộ nội tạng nằm ngoài ổ bụng là dị tật có thể chữa được.

Khe hở thành bụng là dị tật mà toàn bộ ruột nằm ngoài ổ bụng trong thời kỳ bào thai. Tuy nhiên nếu có sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi và bệnh viện Phụ sản trong chẩn đoán trước sinh và điều trị cho bệnh nhân khe hở thành bụng thì dị tật này không còn là nỗi lo lắng của các thai phụ bởi đây là dị tật bẩm sinh có thể chữa được.

Sau bài viết “Thai kỳ "ngồi trên đống lửa" của mẹ có con dị tật nội tạng nằm ngoài ổ bụng”, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Trung Ương, người đi đầu cho phương pháp mới điều trị khe hở thành bụng để tìm hiểu rõ hơn về dị tật này cũng như phương pháp điều trị “đảo ngược” tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh trước đây.

Bác sĩ bệnh viện Nhi TW: amp;#34;Khe hở thành bụng có thể chữa được, mẹ đừng vội bỏ thai nhiamp;#34; - 1

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh.

Vị bác sĩ đảo ngược tỉ lệ sinh tử vong của dị tật khe hở thành bụng

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh kể, vào năm 2009 đổ lại, khe hở thành bụng là dị tật nguy hiểm bởi tỉ lệ trẻ sống sót sau mổ khá ít, chỉ chiếm 10%. Anh đã chứng kiến nhiều ca phẫu thuật thương tâm và chứng kiến nhiều nỗi mất mát của các sản phụ khi con mắc dị tật này.

Sau khi được giao phó phụ trách điều trị dị tật này cũng như tìm hiểu các tài liệu, sang nước ngoài học tập, anh đã quyết định áp dụng phương pháp dùng túi silo điều trị cho các bệnh nhi bị khe hở thành bụng.

“Phương pháp mổ trước đây là đưa cả khối ruột lớn vào bụng rồi đóng ngay làm toàn bộ ruột chèn ép vào cơ hô hấp, cơ hoành khiến bệnh nhân không thở được. Bệnh nhân phải nằm thở máy lâu rất dễ nhiễm trùng, hô hấp kém kéo đến công tác hồi sức cực kỳ khó khăn. Không những vậy, sau 2 năm bệnh nhi phải mổ lại để kéo cơ bụng lên.

Sau khi tìm hiểu, tôi mua túi silo từ Úc và nhờ những người bạn từ Úc mang sang cho để áp dụng phương pháp mới này cho bệnh nhi mắc dị tật khe hở thành bụng.

Điều đáng khích lệ là hồi đó gần 90% bệnh nhi điều trị thành công, đảo ngược tỉ lệ tử vong so với phương pháp cũ.

Tôi phát hiện nguyên nhân hầu hết những trường hợp tử vong là do nhiễm trùng nên sau này, không có trường hợp nào tử vong và đến hiện nay, quy trình điều trị mới này đã gần như trọn vẹn”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Bác sĩ bệnh viện Nhi TW: amp;#34;Khe hở thành bụng có thể chữa được, mẹ đừng vội bỏ thai nhiamp;#34; - 2

Bác sĩ Linh đang cùng các bác sĩ điều trị khe hở thành bụng cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời.

Bác sĩ Linh cho biết ưu điểm của phương pháp dùng túi silo là tránh được nguy cơ dính ruột, giảm chi phí cho bệnh nhân và khe hở bụng khâu lại đẹp. Trong gần 10 năm điều trị, ca phẫu thật nặng nhất anh cứu sống được là bệnh nhi 5-6 ngày tuổi thở thoi thóp vì các bác sĩ tuyến huyện, tuyến tỉnh trả về nhà, cho rằng “dị tật này lên trung ương cũng không thể chữa được”.

Ai sinh ra cũng muốn con khỏe mạnh, lành lặn bình thường bởi vậy khi phát hiện thai nhi bị dị tật này mọi người thường bỏ. Tuy nhiên dị tật này có thể chữa được với tỉ lệ sống cao”, bác sĩ Linh nhấn mạnh.

Những điều chưa biết về dị tật khe hở thành bụng

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Linh, khe hở thành bụng là dị tật bẩm sinh. Trong chu kỳ bào thai, giai đoạn ruột chui ra ngoài ổ bụng bị lỗi, tức là ruột trong túi ối chui theo dây rốn ra ngoài để xoay về tư thế bình thường nhưng không chui lại vào trong gây ra bệnh lý này.

Ngay sau sinh có thể gây mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm khuẩn ổ bụng, hoại tử phần ruột ở ngoài ổ bụng cho sơ sinh dẫn đến tử vong.

Bác sĩ bệnh viện Nhi TW: amp;#34;Khe hở thành bụng có thể chữa được, mẹ đừng vội bỏ thai nhiamp;#34; - 3

Trẻ bị khe hở thành bụng (Ảnh minh họa).

Dưới đây bác sĩ Nguyễn Văn Linh sẽ chia sẻ chi tiết hơn về dị tật khe hở thành bụng cũng như phương pháp điều trị:

Khe hở thành bụng

Phân tích

Khái niệm

- Dị tật bẩm sinh của thành bụng trước do không đóng kín với tần suất xuất hiện 1/15.000 – 30.000 trẻ sinh sống.

- Dị tật ít liên quan đến gen.

- Tỉ lệ bé trai và bé gái mắc tương đương.

Kích thước của khe hở

- Từ  2 – 3 cm, các tạng bên trong ổ bụng như ruột, dạ dày có thể thoát ra ngoài thành bụng mà không có túi chứa…

Thời gian phát hiện

- Thai được 16-18 tuần

- Quá trình ra của ruột từ tuần thứ 6-8, nếu ruột không vào được khi đó mới gọi thành bệnh. 

Phát hiện cần làm gì?

- Thai phụ theo dõi định kỳ, làm các xét nghiệm về gen, đánh giá, kiểm tra các bệnh lý phối hợp.

- Nếu chỉ có dị tật này, thai phụ không cần lo lắng. 

Phương pháp điều trị

- Phẫu thuật bằng phương pháp silo - cho toàn bộ ruột thoát vị vào trong túi silicon, mỗi ngày đưa một ít ruột vào trong ổ bụng sau đó mới khâu khe hở ổ bụng lại. 

Yếu tố đảm bảo ca phẫu thuật thành công

- Ruột chui vào hết trong ổ bụng.

- Bụng giãn đủ và áp lực của ổ bụng đảm bảo.

- Áp lực ổ bụng là quan trọng bởi khi đóng bụng, áp lực trung bình là 11cmH20. Nếu áp lực trong giá trị này thì hồi sức sau mổ nhanh chóng, còn một số trường hợp tăng cao sẽ nguy hiểm, áp lực chèn ép vào cơ hoành gây hô hấp kém. 

Thời gian điều trị tốt nhất

 7-50h sau sinh

Điều trị bao lâu

 5-7 ngày (nhanh khoảng 2-3 ngày) làm cho ruột tiêu hết viêm, thành bụng giãn ra 1 phần đủ chỗ chứa ruột vào.

Sau phẫu thuật

- Giống như những em bé bình thường, ruột lưu thông bình thường.

Lời khuyên bác sĩ

- Khi phát hiện thai nhi bị khe hở thành bụng, các bà mẹ nên khám ở các cơ sở lớn, theo dõi định kỳ đều đặn.

- Nếu không kèm theo dị tật nào khác về gen, về tim hay những dị tật nặng nên theo dõi để được quản lý thai nhi một cách tốt nhất vì dị tật này có thể cứu được, không nên hoang mang hay cầu toàn quá. 

>> XEM TIẾP: 4 việc mẹ bầu nào cũng có thể làm để phòng tránh dị tật thai nhi

Hồng Nhung
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu