Miếng dán tránh thai: Tiện nhưng dễ nguy

Ngày 09/04/2014 16:11 PM (GMT+7)

Ưu điểm của miếng dán tránh thai là có thể dán bất cứ nơi đâu trên cơ thể nhưng phương pháp này lại có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh tim mạch.

Theo số liệu thông kê, hàng năm có khoảng 38% số người mang thai ngoài ý muốn – xấp xỉ 80 triệu người mỗi năm và có khoảng 42 triệu ca nạo phá thai trên toàn thế giới (số liệu từ Wikipedia). Phải thừa nhận đa số những trường hợp này đều là những người thiếu hiểu biết về các biện pháp tránh thai cần thiết nhất và hầu hết họ đều thuộc độ tuổi vị thành niên hoặc những người vừa mới sinh nở, chủ quan với các biện pháp tránh thai.

Việc áp dụng những biện pháp tránh thai ở những thời điểm này là vô cùng cần thiết, tuy nhiên chọn biện pháp phù hợp với từng người không phải là dễ. Để chọn được biện pháp phù hợp, các mẹ cần có kiến thức đầy đủ về từng phương pháp tránh thai, đi khám sức khỏe sinh sản và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai như uống thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai, cấy que tránh thai, sử dụng bao cao su... Mỗi phương pháp lại có những ưu nhược điểm khác nhau. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về chi tiết từng biện pháp. Hy vọng sẽ cung cấp đủ kiến thức để các mẹ chọn được cánh tránh thai ưu việt nhất.

Mời các mẹ tham khảo:

Kỳ 1: 9 phương pháp tránh thai hiệu quả nhất

Kỳ 2: Sau sinh bao lâu có thể "đặt vòng"?

Kỳ 3: Thuốc tránh thai có gây vô sinh?

Kỳ 4: Miếng dán tránh thai

Tuy không phải là phương pháp tránh thai phổ biến nhưng vì tính tiện dụng nên cũng có không ít chị em sử dụng miếng dán để tránh thai. Miếng dán tránh thai là một miếng mỏng khoảng 4,5cm, màu be được dán trực tiếp vào da vùng mông, bụng, lưng trên hoặc bắp tay. Miếng dán phân phối liên tục hai hormone tổng hợp là progestin (norelgestromin) và estrogen (ethinyl estradiol), tương tự với hormone được cơ thể sản sinh tự nhiên.

Miếng dán tránh thai ngăn ngừa có thai bằng cách ngăn cản sự rụng rứng ở người phụ nữ. Nếu trứng không rụng, tinh trùng không thể thụ tinh và không thể có thai. Miếng dán cũng làm chất nhầy cổ tử cung đặc lại, làm cho tinh trùng khó gặp trứng.

Sử dụng miếng dán tránh thai như thế nào?

Dùng miếng dán tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt. Một ngày sau hết kinh, dán miếng dán lên da và để nguyên trong 1 tuần. Vào ngày đó của tuần kế tiếp, bạn bóc miếng dán cũ ra và dán một miếng mới. Miếng dán mới có thể dán ở chỗ khác trên cơ thể. Trong tuần thứ 4 không dán miếng dán mới và kinh nguyệt xảy ra. Tuần tiếp theo bạn lặp lại quy trình.

Lần đầu tiên dùng miếng dán bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. Nếu các miếng dán kế tiếp được dán và bỏ đúng lúc, không cần dùng thêm các phương pháp tránh thai khác.

Miếng dán tránh thai: Tiện nhưng dễ nguy - 1
Lần đầu tiên dùng miếng dán bạn phải dùng thêm một biện pháp tránh thai khác trong 7 ngày để phòng ngừa mang thai. (ảnh minh họa)

Chị em hoàn toàn có thể tắm, tập luyện và bơi trong khi dán miếng dán. Không bóc hoặc thay đổi vị trí miếng dán khi đã dán vào da, vì có thể làm cho miếng dán dễ rơi. Không dùng băng dính để giữ miếng dán, và không cắt hoặc sửa lại miếng dán bằng bất cứ cách nào. Làm như vậy có thể thay đổi lượng hormon phân phối vào cơ thể.

Một ưu điểm nữa là rất hiếm khi miếng dán có thể bị bong và rơi ra. Điều này thường xảy ra do miếng dán được dán không đúng. Nếu miếng dán tránh thai được dán lại trong 24 giờ, hiệu quả tránh thai của miếng dán vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, nếu đã quá 24 giờ, nên dùng thêm một biện pháp tránh thai khác cho đến khi miếng dán đã ở nguyên chỗ trong 7 ngày.

Có nên sử dụng miếng dán sau khi sinh?

Sau thời kỳ sinh nở, mẹ có thể có thai lại ngay, do đó nghĩ đến một phương pháp tránh thai an toàn cho thời kỳ này là việc nên làm.

Nhiều người lo lắng, sau khi sinh con, bị sẩy thai hay phá thai, sử dụng miếng dán có ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này hoàn toàn không có căn cứ. Bởi kể cả khi mẹ vừa phá thai, sảy thai hay sinh con sau ba tuần bạn vẫn có thể sử dụng miếng dán tránh thai an toàn.

Tuy nhiên, nếu cho con bú, bạn nên chờ một thời gian sau sáu tuần để bắt đầu, vì trong sáu tuần đầu tiên khi cho con bú, miếng dán có thể làm giảm số lượng và chất lượng sữa mẹ. Ngoài ra, sữa sẽ chứa kích thích tố của miếng dán, dù chất này ít có khả năng ảnh hưởng đến con bạn, nhưng để yên tâm bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những phương pháp ngừa thai phù hợp với bạn sau khi sinh.

Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai

Miếng dán ngừa thai tuy có tiện dụng nhung cũng có những tác dụng phụ (mặc dù hiếm gặp) như:

- Kích ứng nhẹ da ở vùng dán

- Đau đầu

- Cương vú

- Ra máu âm đạo bất thường

- Tăng cân nhẹ

- Buồn nôn và nôn

- Chướng bụng

Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng do cơ chế thẩm thấu hormone trực tiếp vào máu, miếng dán tránh thai có thể tăng nguy cơ gây máu vón cục và bệnh tim mạch. Điều này là do lượng estrogen trong miếng dán ngừa thai và viên thuốc tránh thai hàng ngày tương đương nhau nhưng khi uống thuốc, hormone được chuyển hóa trong ruột trước khi đi vào mạch máu, còn khi dùng miếng dán, hormone đi trực tiếp vào mạch máu. Vì vậy, đối với những phụ nữ bị bệnh mãn tính như: bướu cổ, huyết áp cao, hoặc có khối u, tiểu đường, một số bệnh về tim mạch… không nên dùng miếng dán tránh thai vì có thể gây ra tai biến.

Miếng dán tránh thai: Tiện nhưng dễ nguy - 2
Miếng dán tránh thai có ưu điểm là có thể dán bất cứ nơi đâu trên cơ thể. (ảnh minh họa)

Lưu ý khi dùng miếng dán tránh thai

Khi quyết định sử dụng phương pháp này, mẹ cần đặc biệt lưu ý:

- Khám xác định xem mình có bị hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch không. Nếu có không nên dùng miếng dán ngừa thai chứa 2 hormone.

- Nhờ bác sĩ tư vấn cho dùng loại có hàm lượng thích hợp. Miếng dán có kích thước nhất định chứa một lượng hoạt chất nhất định.

- Chẳng hạn miếng dán ngừa thai có kích thước 4cm x 5cm có bản hướng dẫn dùng kèm theo, chỉ dùng đúng theo hướng dẫn ấy.

Như vậy nếu sau khi được bác sĩ xác định bạn không bị bệnh hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao thì bạn có thể dùng miếng dán ngừa thai. Nhưng nếu bạn bị bệnh hay có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao thì không dùng được miếng dán và dĩ nhiên cũng không được dùng viên uống ngừa thai hỗn hợp có chứa estrogen nhất là loại có hàm lượng cao. Lúc này, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn phương pháp ngừa thai thích hợp nhất cho mình.

Để tìm hiểu thêm về các biện pháp tránh thai, mời các mẹ đón đọc các kỳ sau:

Kỳ 5: Thuốc tiêm tránh thai

Kỳ 6: Que cấy tránh thai

Kỳ 7: Bao cao su

Kỳ 8: Thắt ống dẫn tinh

Kỳ 9: Triệt sản

Kỳ 10: Cho con bú vô kinh

Mời các mẹ đón đọc vào 10h00 thứ 2 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của website Eva.vn.

Minh Phương (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tránh thai