Rạn da – tất cả những điều cần biết

Ngày 23/05/2013 10:30 AM (GMT+7)

Rạn da sẽ làm nhan sắc chị em giảm đáng kể. Vậy có cách nào để ngăn ngừa không?

Hôm trước, cả nhà lên kế hoạch về chuyến du lịch mùa hè trước khi tôi lâm bồn. Đủ mọi ý tưởng được đưa ra và những địa điểm có thể đến hấp dẫn nhất. Cuối cùng ba tôi vẫn quyết định chọn biển bởi chẳng có nơi nào tuyệt vời hơn biển trong những ngày hè nóng nực của thành phố. Vậy là cả nhà sẽ có chuyến du lịch Nha Trang vào đầu tháng 6. Đây là thời gian cả nhà tôi được nghỉ ngơi sau một năm làm việc cật lực vì từ cha mẹ, anh chị đến vợ chồng tôi đều làm nhà giáo. Với gia đình tôi, mùa hè là thời gian rảnh rỗi nhất.

Cả nhà đều đồng thuận thế nhưng riêng chị dâu thì không mấy mặn mà. Chị bảo cả nhà cứ đi chơi còn chị sẽ nhận nhiệm vụ trông coi nhà cửa. Tôi lấy làm bất ngờ vì bình thường chị chẳng bỏ qua dịp đi chơi nào cùng gia đình. Cu Heo nhà chị cũng được gần 1 năm rồi. Tôi bầu bí tháng thứ 6 rồi mà còn 'máu' đi, thế mà chị… Tối đó, tôi đã lên phòng trò chuyện với chị, gặng hỏi mãi chị mới bảo giờ chị chẳng có hứng thú gì đi biển. “Sau sinh nở, do tăng cân nhiều quá hay sao ấy mà chị bị rạn da kinh lắm cô ạ. Da đùi, hông, mông, ngực, bụng… chỗ nào cũng thấy rạn. Thế thì làm sao mặc bikini tắm biển được. Mà không được tắm biển thì đi biển làm gì. Buồn lắm”, chị dâu tôi than thở.

Nghe thế mà tôi chợt chột dạ. Tối đó tôi đã về đứng trước gương hồi lâu để ngắm nghía xem mình đã bị “dính” tác dụng phụ của việc bầu bí như chị chưa. Thật may mắn có lẽ do tôi tăng cân chưa nhiều, bụng bầu cũng đang còn nhỏ nên chưa thấy chỗ nào bị rạn. Thế nhưng tôi lo lắm. Nếu mình cũng bị rạn như chị sau sinh nở thì chán lắm. Đúng là sinh xong một đứa con, nhan sắc phụ nữ bị tàn phá nặng nề quá. Ngay sau đó tôi đã bật vội máy tính và tìm hiểu về chứng rạn da khi bầu bí. Các mẹ có chung mối quan tâm thì cùng tham khảo nhé.

Rạn da – tất cả những điều cần biết - 1
Rạn da là triệu chứng phổ biến khi mang thai. (ảnh minh họa)

Nguyên nhân rạn da khi mang thai

Da trên cơ thể có khả năng co dãn và đàn hồi thông qua các sợi collagen và elastin. Các sợi này giúp cho da có thể căng ra và co lại như ý muốn và sẽ thoái hóa theo thời gian. Đây là lý do vì sao mà khi về già da thường bị nhăn.

Khi mang thai, vùng bụng, ngực, đùi và mông của chị em thường tăng quá nhanh về kích thước khiến da không thể dãn ra kịp, mặt khác các sợi đàn hồi collagen và elastin không được chuẩn bị để thích ứng kịp thời với kích thước tăng nên xảy ra tình trạng đứt gãy. Các vết đứt gãy liên tiếp sẽ tạo thành các vết rạn nứt, ban đầu sẽ có màu đỏ nâu do các mạch máu dưới da bị tổn thương, sau khi sinh và cơ thể hồi phục, các vết rạn sẽ chuyển thành sẹo màu trắng, đến lúc này thì việc điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn vì các vết rạn đã trở thành sẹo vĩnh viễn. Rạn da không chỉ làm mất thẩm mỹ mà chúng còn làm cho làn da trở nên mỏng, yếu và nhão.

Những tác động khiến bà bầu dễ bị rạn da hơn là tăng cân quá nhanh và yếu tố di truyền trong gia đình.

Phòng ngừa rạn da bằng cách nào?

Theo như hầu hết các tài liệu thì hiện tượng rạn da khi mang bầu không thể phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, có thể do cơ địa nên không phải mẹ bầu nào cũng mắc phải. Trên thực tế vẫn có những cách để giảm nguy cơ bị rạn da.

Giữ ẩm cho da

Thường xuyên giữ ẩm cho da bằng cách loại dầu massage (như dầu dừa, dầu oliu), mỹ phẩm an toàn cho mẹ bầu có chứa vitamine E. Những phương cách này sẽ giúp làm mềm làn da, gia tăng độ đàn hồi và sức chịu đựng độ căng mà không gây tổn hại cho da. Hãy chú ý thoa kem ngày 2 lần đặc biệt là buổi sáng và sau khi tắm. Dù vậy, chị em cần thoa kem nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Rạn da – tất cả những điều cần biết - 2
Tránh tăng cân quá nhanh giúp chị em giảm nguy cơ bị rạn da. (ảnh minh họa)

Lưu ý chế độ ăn uống

Chế độ ăn cũng góp phần quan trọng giúp hạn chế tình trạng rạn da cho mẹ bầu. Chị em nên ăn nhiều loại thức ăn giàu vitamin C, E, kẽm sẽ giúp cho làn da đàn hồi tốt hơn. Ngoài ra, bà bầu cũng cần uống nhiều nước (2 lít nước/ngày). Uống nhiều nước không chỉ giúp bạn và thai nhi tránh nguy cơ bị mất nước, mà còn giúp da duy trì độ mềm mại và hạn chế bị rạn.

Tránh tăng cân quá nhanh

Tăng cân quá nhanh là nguyên nhân chủ yếu khiến làn da bị rạn. Thông thường, mẹ bầu có tâm lý ăn cho hai người để bồi bổ dưỡng chất cho con. Tuy nhiên, điều này là không cần thiết. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu chỉ cần ăn thêm 300 calo mỗi ngày là đủ. Lượng calo này tương đương với 1 ly sữa 200ml. Vì vậy, chị em không nên bổ sung quá nhiều thực phẩm để tăng cân mất kiểm soát.

Tắm nước ấm

Nước ấm sẽ giúp da duy trì độ mềm mại và tính đàn hồi. Trong lúc tắm, bạn nên sử dụng bông tắm mềm chà nhẹ lên các khu vực da dễ bị rạn như đùi, hông, mông, ngực để gia tăng quá trình tuần hoàn máu đến da và giữ cho da được khỏe mạnh.

Rạn da – tất cả những điều cần biết - 3
Thường xuyên giữ ẩm cho da bằng cách loại dầu massage sẽ giúp
hạn chế nguy cơ bị rạn. (ảnh minh họa)

Khi đã bị rạn thì sao?

Khi đã bị rạn, chị em đừng để mặc làn da nhé. Lúc này việc chăm sóc vẫn rất cần thiết:

Hãy đắp mặt nạ cho da

Chị em bầu bí và sau sinh bị ran da có thể sử dụng các loại mặt nạ từ thiên nhiên như:

+ Dầu dừa: Mẹ bầu có thể tự làm dầu dừa để massage hàng ngày nhé.

+ Lòng trắng trứng: Bôi lòng trắng trứng lên khu vực bị rạn da, chờ khô, rửa sạch bằng nước lạnh một cách đều đặn có thể làm các vết rạn nhanh biến mất.

+ Chuối: Lấy 1 quả chuối, nghiền nát ra, rồi thoa đều lên vùng da bị rạn. Sau 15 phút thì rửa lại bằng nước ấm.

Phẫu thuật thẩm mỹ

Phẫu thuật thẩm mỹ cũng là cách được khá nhiều chị em sau sinh lựa chọn. Việc phẫu thuật sẽ giúp thu nhỏ kích thước và biến đổi màu sắc của vùng da rạn để gần giống với màu sắc của vùng da lành xung quanh. Tuy nhiên, các mẹ cần tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng thủ thuật này nhé.

Thông tin tốt lành là sau sinh tầm 3-5 năm, những vết rạn da sẽ mờ dần và chị em có thể tự tin để khoe dáng trong những bộ bikini quyến rũ trên biển nhé!

Chia sẻ của mẹ nguyenthaonguyen...@gmail.com

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan