"Ngày nảy ngày nay": Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu”

Ngày 04/03/2015 08:03 AM (GMT+7)

Ra mắt khán giả vào mùa phim Tết 2015, "Ngày nảy ngày nay" – một bộ phim của đạo diễn Cường Ngô, đã phần nào thoả mãn kì vọng của người hâm mộ.

Ngày nảy ngày nay có một bối cảnh và câu chuyện khá lạ so với những bộ phim Việt chiếu rạp trong thời gian gần đây. Nói là lạ, bởi khi các phim khai thác nhiều đề tài “nóng” như giới giải trí, người nổi tiếng, giới tính… thì Ngày nảy ngày nay lại đi kể… chuyện tiên, khi các bộ phim đi đến các buổi tiệc xa hoa, đến với thành phố sáng ánh đèn, đến với các sân khấu đông nghẹt khán giả thì Ngày nảy ngày nay đến… rạp xiếc, khi các bộ phim cùng thời thường khai thác thể loại phim tâm lý – tình cảm, tình cảm – hài hoặc tâm lý – kinh dị, thì Ngày nảy ngày nay lại xây dựng kịch bản trên nền một thể loại được liệt vào hàng “hiếm có khó tìm” của điện ảnh Việt Nam: thể loại phim phiêu lưu giả tưởng.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 1

Poster phim "Ngày nảy ngày nay"

Nhắc tới thể loại phiêu lưu giả tưởng là nhắc tới phần hình ảnh được đầu tư chăm chút cầu kì với những kĩ xảo máy tính phức tạp – kéo theo đó là số tiền đầu tư “hàng khủng” mà nhà sản xuất phải bỏ ra. Một canh bài ăn thua có quá nhiều rủi ro đối với một thị trường phim vốn đã quen với những màn tấu hài “trên mặt đất”. Thế nhưng bộ phim đã có được một chất lượng xứng đáng với sự mạo hiểm mà đội ngũ sản xuất đã bỏ ra. Phim Tết 2015 này có chất lượng hình ảnh tốt, kĩ xảo đẹp đủ sức thỏa mãn bất cứ khán giả nào.

Trong phim, khán giả sẽ được chiêm ngưỡng bối cảnh thiên đường với trời mây, cỏ cây hoa lá xanh tươi rực rỡ hay chốn địa ngục u ám với những hình ảnh đen tối rợn người của Hắc Mộc Tinh… Mỗi khung cảnh khác nhau của bộ phim, không quan trọng là cảnh được tạo ra bởi đồ hoạ máy tính (CGI) hay những bối cảnh thật, đều tạo ra được chiều sâu – không chỉ về mặt không gian, mà còn cả trong cảm xúc nó mang lại cho khán giả.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 2

Khung cảnh tiên giới trong phim.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 3

Kỹ thuật đồ họa trong "Ngày nảy ngày nay" được đánh giá khá cao.

Phaim Tết phải là phim hài, đây có lẽ đã là một cái “luật bất thành văn” với bất kì nhà sản xuất, biên kịch và đạo diễn nào. Ngày nảy ngày nay cũng tuân theo quy luật chung ấy. Xen giữa những cảnh chiến đấu nghẹt thở, những phút sâu lắng của nội tâm, là những tình huống hài hước đủ khiến khán giả khó tính nhất bật cười. Từ thanh tới tục, từ gián tiếp tới trực tiếp, từ lời nói đến hành động, từ có lời đến không lời… bộ phim có nhiều hơn một cách để lấy được tiếng cười của khán giả. Và không chi tiết nào trong số những chi tiết gây cười ấy bị làm lố. Tất cả đều vừa vặn, trọn vẹn với câu chuyện, và với tính cách từng nhân vật.

Nói đến nhân vật của Ngày nảy ngày nay, không thể không nhắc tới cặp đôi “hai cô tiên” Đan Nương và Tiểu Duyên. Đây là kiểu cặp đôi đối lập kinh điển của điện ảnh, với kiểu câu chuyện cũng “kinh điển” không kém. Một người có vẻ ngoài mạnh mẽ trong khi nội tâm lại yếu đuối, trong khi người còn lại, tuy bên ngoài vô ưu vô lo, vụng về không được việc gì nhưng bên trong lại kiên cường bền bỉ, đủ sức an ủi nhân vật còn lại khi vỏ ngoài mạnh mẽ kia sụp đổ.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 4

Hai cô tiên Ngô Thanh Vân và Lê Khánh

Tưởng rằng người cũ, chuyện cũng cũ, thì khán giả sẽ chẳng mấy mà chán, nhưng khán giả vẫn sẵn sàng lắng nghe đầy say mê câu chuyện của họ, vẫn cười theo họ, khóc theo họ, vui theo họ, buồn cũng theo họ trong suốt 90 phút của bộ phim. Hoá ra cũ chưa chắc đã là lạc mốt, cũng giống như việc nhà làm phim đã sử dụng hình ảnh rạp xiếc và nhà ảo thuật làm chất liệu chính cho nửa sau của bộ phim.

Trong một cái thời đại mà người ta chỉ cần mở máy tính ra là có thể chạm đến cả thế giới, thì hình như chẳng ai cần đến rạp xiếc, nhà ảo thuật và những chú hề nữa. Nhưng Ngày nảy ngày nay đã làm sống lại thế giới kì ảo đầy sắc màu huyền bí ấy, bắt đầu từ những màn biểu diễn tài tình của Peter Majik Nguyen. Anh tham gia bộ phim này, có thể ví như cá gặp nước. Một nghệ sĩ ảo thuật đường phố cuối cùng cũng có cơ hội được vào vai chính mình trên màn ảnh. Peter đã làm được nhiều hơn một vai diễn. Anh đã thể hiện lại chính con người mình, niềm say mê của mình trong những màn biểu diễn của nhân vật Long trên sân khấu. Lúc đấy, dường như nhân vật Long và Peter đã hoà nhập vào nhau, một cách trọn vẹn nhất.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 5

Peter Majik Nguyen trong vai Long

Kịch bản của Ngày nảy ngày nay được chắp bút bởi Jun Phạm và Ngô Thanh Vân. Khán giả đã được tiếp xúc với một Jun Phạm trong vai trò một ca sĩ, một nhà văn, và giờ là dạm ngõ điện ảnh bằng một kịch bản phim. Tất nhiên, như người trong nghề vẫn nói: kịch bản là của biên kịch, nhưng bộ phim là của đạo diễn. Tuy nhiên những gì Jun Phạm đã làm được trong việc xây dựng nên một câu chuyện tình yêu, một cuộc phiêu lưu đầy sắc màu huyền diệu là không thể chối cãi.

Nhiều người khó tính đem Ngày nảy ngày nay so sánh với Ngọc viễn đông – bộ phim đã mang lại rất nhiều thành công cho Cường Ngô. Nhưng trên thực tế, không có nhiều tiêu chí hợp lý có thể đưa ra để làm thước đo hai bộ phim. Tuy nhiên, với Ngày nảy ngày nay, có thể nhận thấy nó vẫn thiếu đi sự nhịp nhàng trong tiết tấu.

Phim bắt đầu nhanh gọn với màn hoạt hoạ vô tiền khoáng hậu trong các phim Việt Nam, nhưng lại chậm dần về giữa cho đến khi tiến lên cao trào rồi kết thúc một cách vội vã – nếu không muốn mô tả là có phần “cuống quýt”. Người xem vẫn cảm thấy “chưa đã” với những gì mình được thấy trên màn ảnh vào nửa sau của phim, trong khi mất quá nhiều thời gian vào việc cười đùa và “xem quảng cáo” ở những phút gần giữa.

quot;Ngày nảy ngày nayquot;: Hai cô tiên và “chuyện điên khùng gì đâu” - 6

Bộ phim của đạo diễn Cường Ngô là một điểm sáng trong danh sách phim Tết năm nay.

Một điểm nữa, đối với một số khán giả, thì kịch bản Ngày nảy ngày nay càng về sau dường như càng dễ đoán. Các tình tiết, sự kiện dường như đang được xây dựng theo những mô hình có sẵn quen thuộc như mô-típ oan gia ngõ hẹp hay nhà quê ra tỉnh. Tuy nhiên sự dễ đoán này được bù đắp hoàn hảo bằng một cú “xoay chuyển tình thế” bất ngờ vào phút cuối phim, khiến Ngày nảy ngày nay không chỉ là một bộ phim đẹp mắt với kịch bản được đầu tư tốt, mà còn mang nhiều chiều sâu suy tưởng. Một kẻ bình thường nhất cũng có thể trở thành anh hùng, chỉ cần anh ta tin vào cái thiện và xả thân vì điều mình tin là đúng đắn.

Tuy có nhiều được mất, hay dở, nhưng câu chuyện của Tiểu Duyên và Đan Nương xứng đáng là một trải nghiệm phiêu lưu điện ảnh đầy hài hước và lắng đọng dài 90 phút dành tặng khán giả trong những ngày đầu tiên của một năm điện ảnh 2015 nhiều hứa hẹn.

Anh Phan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phim chiếu rạp