“Nói sao cho con hiểu?” một cách vừa khoa học vừa lãng mạn qua sách

Ngày 21/04/2017 16:34 PM (GMT+7)

Trẻ con có hàng ngàn câu hỏi ngây thơ nhưng không kém phần hóc búa và bộ sách “Nói sao cho con hiểu?” chính là một gợi ý thú vị và hữu ích cho các phụ huynh không chỉ để giải đáp các thắc mắc của trẻ mà còn là một cách dạy con vừa khoa học vừa lãng mạn.

Đi vào những điều bé nhỏ và cần thiết với tình yêu và sự trân trọng đối với trẻ, bộ sách Nói sao cho con hiểu? gồm 10 cuốn sách nhỏ với những hình ảnh đáng yêu đã ghi lại câu chuyện của một người cha khi gặp những câu hỏi “vì sao?” tuy ngây thơ mà khiến người lớn nhiều phen đau đầu vì không biết giải thích thế nào cho vừa độ với trẻ.

 “Nói sao cho con hiểu?” một cách vừa khoa học vừa lãng mạn qua sách - 1

Những thắc mắc vô cùng quen thuộc mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể thốt lên đã được tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh - Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con - giải thích một cách vừa khoa học, vừa lãng mạn, vui vẻ; vừa cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, vừa kích thích trí tưởng tượng của bé, để bé cùng suy nghĩ.

Không chỉ gián tiếp dạy cho các bé những kiến thức cơ bản để tự chăm sóc bản thân mình, bộ sách còn gợi ý những biện pháp giúp các bậc phụ huynh giải quyết những vấn đề “hóc búa” trong việc dạy con bằng những bài học hết sức nhẹ nhàng, đơn giản mà có sức ảnh hưởng sâu sắc tới trẻ: Vì sao phải tập thể dục? Bé sẽ làm gì nếu bị lạc? Vì sao không nên ăn kẹo trước khi đi ngủ? Vì sao phải đội mũ bảo hiểm? Vì sao phải dùng kem chống nắng? Vì sao phải đi vệ sinh đúng lúc? Vì sao không nên nói dối bố mẹ? Tình yêu là gì?...

Là một cây bút chuyên sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Lê Phương Liên cũng bị lôi cuốn với những cuốn sách của “Nói sao cho con hiểu?” và bỏ qua ấn tượng trước đó rằng những loại sách dạy trẻ thế này dễ nhàm chán.

“Người viết đã có cách trình bày tình cảm thân thương, giọng bố nói với con, lại rất khoa học về cách xác định các vị trí, lại vừa hiểu tâm lý trẻ em khi đang ở tâm trạng hoảng hốt để biết cách trấn an bé. Cuối sách lại có các câu hỏi, với sự khiêm nhường của người viết là cuốn sách chỉ là những tình huống gợi ý” – nhà văn Lê Phương Liên nhận xét.

“Nói sao cho con hiểu?” một cách vừa khoa học vừa lãng mạn qua sách - 2

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh là diễn giả Tọa đàm "Câu chuyện đọc sách bắt đầu từ đâu?" diễn ra chiều 19.3 trong khuôn khổ Hội sách Mùa Xuân 2017 tại Hà Nội.

"Tôi thực sự yêu mến Thụy Anh vì tâm huyết và hiệu quả thiết thực của những công việc chị đã làm cho các em nhỏ. Cụ thể ở đây là người sáng lập và duy trì hoạt động của CLB Đọc sách cùng con. Ở Thụy Anh có phẩm chất của “5 nhà trong 1”: nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, nhà quản lý, dịch giả. Và trên tất cả chị là một người mẹ có trái tim nhân hậu, am hiểu sâu sắc tâm lý trẻ nhỏ. Thật thú vị với cách nhìn sự vật và giải thích thế giới vừa thông minh, dí dỏm vừa gần gũi quen thuộc với tư duy của các em".

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ
(Viện Văn học)

Theo tác giả bộ sách - tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, một trăm đứa trẻ thì có cả trăm cách đọc sách cho trẻ. Đọc sách cho con, đọc sách cùng con – không có nghĩa chỉ là cầm cuốn sách và đọc những gì được in trong sách mà có thể hiểu rộng hơn chút nữa, ngay cả việc bố mẹ chịu khó trả lời những câu hỏi của con cũng đã là cách đọc sách cùng con rồi. Qua việc đọc sách cùng con, bố mẹ có cơ hội hiểu con thích gì, đang quan tâm đến điều gì, có những khả năng đặc biệt nào, có gì cần hỗ trợ.

Ngược lại, bố mẹ có thể thông qua việc cùng con đọc sách để gửi gắm những bài học nhỏ, những hướng dẫn về kỹ năng sống, hướng dẫn cách học và điều chỉnh cảm xúc của con, đồng thời có cơ hội cho con biết nhiều “thông tin” về cảm xúc của bản thân mình: những lo lắng, mong muốn, tự hào, vui sướng, buồn khổ… Mục đích cuối cùng là, bằng việc sát cánh, đồng hành với con qua những trang sách ấu thơ, bố mẹ xây dựng được mối đồng cảm giữa hai thế hệ, hướng dẫn con cách sống, cách đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống, tìm ra được cách tiếp cận con tốt nhất và tinh tế nhất.

Trích tâm sự cùng bạn đọc của tác giả bộ sách “Nói sao cho con hiểu” (NXB Trẻ, 2017)

"...Mỗi ông bố, bà mẹ có cách riêng để “đối mặt” với trò hay hỏi của con. Không phải lúc nào ta cũng hiểu rằng, cách mình cùng con tìm ra những lời giải cho những thắc mắc bất tận của đứa trẻ lại là nền móng cho một ký ức lung linh thời thơ ấu.

Nhớ bố, tôi viết những cuộc chuyện trò tưởng tượng này với một đứa trẻ, và lấy bút danh là tên của bố tôi – bố Tấn. Khi lắng nghe một em bé, con tôi hoặc những đứa trẻ khác, tôi đều nghĩ, không hiểu bố Tấn sẽ giải thích cho bé thế nào nhỉ? Tôi đoán, bố tôi sẽ giải thích vừa khoa học, vừa lãng mạn; vừa cung cấp thông tin cụ thể, chính xác, vừa kích thích trí tưởng tượng của bé, để bé cùng suy nghĩ.

Đây không phải là phương án tối ưu hay duy nhất. Những câu chuyện nhỏ của tôi chỉ là một con đường giản dị với đầy đủ những lá hoa, ong bướm, cây cỏ bên đường. Tôi lựa chọn con đường ấy để đến với con, theo cách của tôi. Tôi xin chia sẻ cách này với các bố mẹ. Đoạn nào thấy thích, các bạn hãy đọc cho bé nghe. Đoạn nào thấy không hợp với đứa trẻ nhà mình, xin hãy lược bỏ.

Trên tất cả, vẫn là sự gắn kết cảm xúc giữa cha mẹ và con cái..."

TSGD Nguyễn Thụy Anh 

Theo Khánh Thư
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sách hay cho bạn