Vì sao văn trẻ best seller?

Ngày 01/03/2017 16:23 PM (GMT+7)

Tổng kết hai hội chợ sách đầu năm ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vị trí best seller vẫn luôn thuộc về những người viết trẻ. Những cái tên như Tùng Leo, Anh Khang, Hạ Vũ, Phan Ý Yên, Gào… thậm chí lấn lướt cả Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Tư - hai “ngôi sao” bán sách thời gian trước.

Vì sao văn trẻ best seller? - 1

Cảnh fan xếp hàng để xin chữ ký là điều hiếm lạ đối với một số nhà văn “già”.

Bắt đầu từ năm 2014, hội sách TPHCM đã ghi nhận Anh Khang là tác giả ăn khách hàng đầu, vượt qua cả Dan Brown và Nguyễn Nhật Ánh.

Từ khi chưa ra mắt, “Buồn làm sao buông?” của tác giả này đã lập kỷ lục sách bán chạy nhất với 40.000 bản in được đặt trước đợt phát hành đầu tiên.

Trong tổng kết hội chợ sách Xuân 2017, đầu sách bán chạy nhất là của tác giả Tùng Leo, có tên “Bên này thương bên kia”.

Hamlet Trương và Iris Cao với tản văn “Mỉm cười cho qua” cũng có tổng số lượng phát hành là hơn 500.000 bản.?

Những cái tên khác như Sơn Paris, Hạ Vũ, Phan Ý Yên, Gào, Nguyễn Phong Việt… đều sở hữu những đầu sách có số phát hành lên đến hàng chục vạn bản. Đây là con số mơ ước của bất cứ người cầm bút nào. Nó phần nào thể hiện “gu” đọc của người trẻ hiện nay.

Vì sao văn trẻ best seller? - 2

Hamlet Trương và Iris Cao được PR thành “cặp đôi vàng của văn học”.

Những ngôi sao facebook

Một điểm chung của những cây viết trẻ, hầu hết họ là những “ngôi sao facebook” - những người có lượng fan nhất định trước khi thành danh trên thị trường sách.

Facebook của tác giả Anh Khang có đến gần 80 ngàn lượt theo dõi, Phan Ý Yên có hơn 95 ngàn lượt theo dõi, Gào: 419.976 lượt theo dõi, trang thơ của Nguyễn Phong Việt cũng có tới hơn 50 ngàn lượt like v.v…

Bản thân lý lịch của những nhà văn này cũng là một thứ nam châm đối với người đọc trẻ tuổi. Chẳng hạn Hamlet Trương ngoài viết lách còn là ca sĩ, nhạc sĩ, MC cho talk show trên truyền hình. Hay như Sơn Paris, là thủ khoa của Học viện Ngoại giao Việt Nam, ngoài viết lách, biết làm MC, được các cô gái trẻ gọi là “soái ca”.

Nguyễn Ngọc Thạch trước khi thành tác giả chuyên viết về đề tài đồng tính là một người bình luận phim thu hút hàng ngàn like trên trang cá nhân. Phan Ý Yên bên cạnh văn chương, còn nổi tiếng là mỹ nữ sở hữu thương hiệu thời trang cá nhân rất được giới trẻ yêu thích.

Hoặc như Tuệ Nghi, bên cạnh vai nhà văn, còn nổi tiếng như nữ doanh nhân trẻ tuổi chinh phục nhiều giải thưởng lớn: Nhân tố mới trẻ nhất thời đại Hồ Chí Minh 2013, Doanh nhân Tiên phong - Thương hiệu hàng đầu VN 2013…

Theo tiêu chí lựa chọn tác phẩm để “mời in”, Giám đốc NXB Phụ Nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng: những tác giả có lượt theo dõi nhiều hơn mười ngàn là đã có thể cân nhắc xuất bản. Chỉ dựa riêng vào lượng fan của họ thì bài toán phát hành đã có thể đảm bảo. Tất nhiên, chất lượng tác phẩm của họ mới là điều quyết định.

Nhận định của chị Phượng đã được chứng minh: bất cứ tác phẩm nào của “những người nổi tiếng trên facebook” xuất bản, họ đều tiếp thị rất tốt trên trang cá nhân của mình. Đại diện truyền thông của NXB Văn Học tiết lộ: chọn tác giả nổi tiếng nhiều khi không cần NXB truyền thông vì bản thân họ đã làm quá tốt. Bên phát hành cũng rất thích những đối tượng này vì số lượng in nhiều và số đặt trước cũng cực kỳ khả quan.

Một số nhà văn “già” như Nguyễn Xuân Khánh, Dạ Ngân, Lê Minh Khuê… đều chung nhận định: thời của họ có thói quen đổ tất việc quảng bá cho bộ phận truyền thông của Nhà xuất bản, so với những người trẻ PR có bài bản quả thật ảnh hưởng rất lớn đến số lượng phát hành.

Vì sao văn trẻ best seller? - 3

Buổi ra mắt sách của các tác giả best seller bao giờ cũng đông kín độc giả là fan facebook.

Ngắn thôi và tương tác tốt với độc giả

Không có cuốn sách best seller nào trong thời gian qua có độ dài quá 300 trang, đừng nói đến chuyện kéo dài lê thê một vài tập. Ví dụ: “Buồn làm sao buông” (Anh Khang, 211 trang). “Ngày trôi về phía cũ” (Anh Khang, 118 trang). “Hôm nay tôi thất tình” (Hạ Vũ, 200 trang). “Chúng ta rồi sẽ ổn thôi” (Gào - 280 trang). “Sẽ có cách, đừng lo” (Tuệ Nghi, 192 trang)…

Chủ đề chính của những cuốn sách làm mưa làm gió trên thị trường đa số là về tình yêu của những người trẻ tuổi. Khác với dòng ngôn tình Trung Quốc, những “câu chuyện tình made in Vietnam” không nhất thiết phải theo đúng công thức: giai xinh, gái đẹp và kết thúc có hậu.

Đa phần những cuốn sách được tìm đọc đều là tập hợp của những đoản văn ngắn được gia cố và hoàn thiện từ những status trên facebook. Hầu hết chúng có trọng lượng và kích cỡ của sách bỏ túi. Thuận tiện để mang theo mọi nơi, không tốn quá nhiều diện tích trong balo và không “tốn não” (như nhận xét của nhà văn Đỗ Nhật Phi) để “giết thời gian”.

Những tác giả bán chạy cũng rất biết lắng nghe và chiều chuộng độc giả. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt là một ví dụ. Anh chia sẻ: “Tôi là người làm thơ không câu nệ câu chữ. Mình nghĩ câu đó cần 20 từ thì viết 20 từ chứ không phải vì để cho ngắn gọn, cho người đọc dễ chịu thì viết ngắn hơn. Sau này, tôi có sự thỏa hiệp nho nhỏ, thay đổi vài từ để cảm xúc của câu chữ không bị bóp nghẹt trong đau đớn”.

Không bao giờ có chuyện một tác giả ăn khách từ chối giao lưu và ký tặng cho độc giả kiểu như nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhiều người trong số họ còn chủ động nghĩ ra những quà tặng kèm, như bookmark, poster, bút đặt riêng, móc khóa v.v… để tặng độc giả, hòng lôi kéo họ mua sách. Càng ngày, các chiến lược PR trong thị trường xuất bản nội càng tinh vi và có thể so sánh với bất cứ thị trường lớn mạnh nào, như Mỹ, hay Nhật...

Anh Chánh Văn, chị Thanh Tâm

Độc giả Trịnh Lưu Ly (Nha Trang) chia sẻ: “sở dĩ thích đọc những cuốn sách của Anh Khang và Phan Ý Yên là vì tìm thấy sự đồng cảm trong đó. Như là tác giả đang nói hộ chuyện của mình, những dằn vặt, suy tư, và đau đớn của chính mình. Những cảm xúc ấy, tôi không chia sẻ được với bạn bè, thậm chí người thân”.

Độc giả Nguyễn Thị Thùy Dương (Hà Nội) cảm nhận về cuốn “Hôm nay tôi thất tình” của tác giả Hạ Vũ: “Nhờ cuốn này, mình mạnh mẽ hơn”.

Hoặc như Đỗ Lan Khuê (Đà Nẵng) giới thiệu với bạn bè cuốn sách mới của tác giả Phan Ý Yên: “Dành cho những trái tim đã và đang đau khổ vì tình. Quyển sách cho thấy bản thân mình trong đó. Nó như kiểu nói lên nỗi lòng của mình. Không xinh không thông minh, không bất bình thế giới”.

Hầu hết độc giả của dòng văn trẻ đều nhận định: những cuốn sách không chỉ có tác dụng giải trí, nó còn như một nguồn an ủi. Nó cho độc giả sống trong thế giới tưởng tượng, nơi tình yêu chiến thắng, và mọi người đều nên có những giấc mơ đẹp.

Tác giả Anh Khang trong một lần trả lời phỏng vấn, đã tiết lộ: “Những người trẻ luôn khao khát có người lắng nghe, đồng cảm. Càng khó tìm, họ càng khao khát.

Sự thiếu thốn đó cũng có thể hiểu là nỗi cô đơn. Những phương tiện giao tiếp càng phong phú, con người càng ít chỗ dựa khi cô đơn. Càng kiếm tìm sự giao tiếp, họ càng cô đơn. Càng nhiều lựa chọn càng khó có hạnh phúc vuông tròn”.

Các kênh giao tiếp với câu chuyện của những người cùng tuổi, cùng cảnh, phần nào giải tỏa được nỗi cô đơn ấy. Có độc giả tâm sự: họ thấy mình không đến nỗi “bệnh hoạn” nữa khi cứ sa đà vào nỗi khổ thất tình sau khi đọc xong một loạt sách về thất tình. Hóa ra, thế gian vẫn có những người giống nhau, nỗi buồn giống nhau. Và thật tốt, mình không phải là cá biệt!

Không phải cứ trẻ là mê best seller

Sách best seller đại thắng, chinh phục đa số người đọc trẻ 9x là hiện tượng đã được kiểm chứng. Tuy nhiên, có một phận người đọc trẻ khác, gần như quay lưng với dòng sách này.

Khi Tiki (mạng bán sách trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay) vừa chào hàng cuốn “Hôm nay tôi thất tình” của Hạ Vũ, độc giả Trịnh Dương (Kiên Giang) đã phản hồi ngay: “Ngày 13/1/2017 Cục xuất bản đã gửi công văn yêu cầu các nhà xuất bản dừng ngay việc xuất bản các tác phẩm ngôn tình, tiểu thuyết về đề tài tình yêu vô vị, nhạt nhẽo và rà soát lại các tác phẩm văn học ... hoan hô cục xuất bản. có lẽ “Tôi thất tình” là cuốn sách cuối cùng làm nhạt nhẽo giới trẻ Việt được xuất bản." Ý kiến của Dương lập tức nhận được 75 lượt cảm ơn.

Hoặc như cuốn “Buồn làm sao buông” rất hot của Anh Khang, cũng nhận những phản hồi không mấy tích cực. Nguyễn Khánh Thành (Đồng Nai) cho biết: “Tựu trung cả cuốn sách là những nỗi buồn nông, nhẹ hững, đôi khi giả tạo, cùng những từ ngữ lạ để che đậy sự cụt trong ý tưởng có phần lặp lại từ cuốn sách trước. Sau những tâm sự “buồn” là “buông”. Nhưng có lẽ việc “buông” là việc tự nhiên, không gượng ép được, nên những gì tìm thấy trong phần “buông” đều hơi-có-vẻ-lên-gân của tác giả: “hãy”, “phải” và “đừng.”

Với tôi, quan trọng nhất của một cuốn sách là ý tưởng, chứ không phải những triết lý hay lý luận non cạn của những người chưa đủ vốn sống. Thật là tiếc, tôi chưa tìm thấy được điều tôi muốn trong bất cứ cuốn sách nào của Anh Khang”.

Lê Cảnh Hưng (Khánh Hòa) nhận xét về “Sẽ có cách, đừng lo” của Tuệ Nghi: “Mình mua cuốn sách này vì đọc những lời giới thiệu có cánh từ Tiki, từ bản thân con người tác giả Tuệ Nghi. Nhưng thực sự thất vọng khi đọc sách. Không phải ai tài giỏi cũng có thể viết sách và tác giả là một người như vậy. Cách viết của tác giả đơn giản, không lôi cuốn khi muốn lột tả vấn đề. Nội dung rời rạc nhiều khi không đâu vào đâu. Đọc cuốn sách cảm tưởng như một học sinh cấp 2 viết văn tự sự”.

Độc giả Mọt Sách (Hà Nội) trả lời: “thời đại @, sách trở nên thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận và thị hiếu người đọc, đánh mất giá trị mà đáng nhẽ ra nó phải có”.

Theo Đạt Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tác giả nổi bật