Chỉ vài đồng đô la lẻ

Ngày 27/10/2015 09:17 AM (GMT+7)

Transit tại Thái Lan mất 4 tiếng, tôi lang thang ở sân bay Suvarnabhumi xem có khả dĩ mua được cái gì với mười mấy đồng đô lẻ. Và cái sân bay to khủng khiếp ấy nó trả lời tôi rằng: mười mấy đô vẫn còn to chán, thậm chí vài đô cũng vẫn chẳng hề là lẻ.

Bước vào khu vực bán đồ miễn thuế (duty free), hấp lực đầu tiên đến từ các loại mỹ phẩm, dược phẩm nguồn gốc thảo dược. Các loại củ (như gừng, nghệ, sả...), các loại quả, và đương nhiên cả các loại hoa nữa, được chiết xuất hết thành tinh dầu, thành sáp, thành cao, hoặc đơn giản nhất là thành những nén nửa trầm nửa nhang đốt lên thơm nức mũi.

Người Thái nổi tiếng khắp Châu Á với những sản phẩm thủ công của mình. Nhưng bảo cụ thể là cái gì thì chắc không ai kể ra được. Bởi vì cứ cái gì mà đóng gói được, thì người ta sẽ đóng gói để biến thành hàng hand-made và đem bán.

Nói đơn giản như lọ dầu nóng, một gian hàng nhỏ tí ở sân bay cũng bày đến hai ba chục loại, giá nhẹ nhàng tính ra tiền Việt cũng trăm ngàn. Trăm ngàn là 5 đô, không đắt không rẻ, nhưng cảm thấy đáng đồng tiền (trong khi ở Việt Nam, sản phẩm cùng loại được tín nhiệm nhất là cao Sao Vàng hiện có giá 5 nghìn đồng 1 hộp, mua cả lô 10 hộp giá còn 45 ngàn).

Nhưng gian hàng đông khách nhất là nơi bán hoa quả sấy. Cái gì người Thái cũng cho vào sấy. Xoài, mít, sầu riêng, dừa, mận, chà là cho đến cả những thứ ăn tươi nhè hạt còn khó như là măng cụt, chôm chôm. Giá thì thôi rồi đắt nếu tính theo tư duy ăn vặt của dân mình. Một túi xoài sấy 100gr giá 300 bath tức 200 ngàn đồng, một hộp măng cụt sấy 50gr giá cũng 120 bath. Ăn vào dai dai chua chua, không thơm ngon đặc biệt gì cho lắm, kém xa so với nhiều loại mứt quả của ta. Nhưng mà du khách mua ầm ầm, vì trông bắt mắt mà hợp vệ sinh.

Ăn fruit-snack tại sân bay, hóa ra tầm 5-10 đô mà vẫn sạch đẹp 'ok', không sao cả.

Chúng ta có thương hiệu nông sản sấy Vinamit coi được một chút, quanh quẩn với mít, chuối và khoai môn bao năm nay. Nhưng thế là hết. Đặc sản khác hết tươi thì bán tống bán tháo, thậm chí đổ bỏ.

Lấy ví dụ đặc sản vải thiều tươi của chúng ta có giá chính vụ là 10.000 đồng/ kg. Nếu sấy khô thì giá khoảng 50 - 60 nghìn. Nhưng vấn đề là tìm mỏi mắt trên google cũng chỉ ra hình ảnh mấy quả vải sấy đựng trong túi nylon mỏng tang, buộc dây chun với tờ nhãn hiệu in vừa sơ sài vừa xấu. So với 1 gói chôm chôm sấy của nông dân Thái Lan, túi hút chân không, màu sắc kiểu dáng bắt mắt và tiện dụng, túi vải sấy khô của chúng ta thật là buồn thiu. Cung cách trình bày đó, thật khó mà mơ vào được những gian hàng tiêu chuẩn quốc tế.

Chỉ vài đồng đô la lẻ - 1

Vải thiều sấy của ta chỉ được bọc trong những chiếc túi nilong kém thẩm mỹ như thế này, liệu có mơ lọt được vào các gian hàng có tiêu chuẩn quốc tế?

Tôi dành vài đồng đô lẻ cuối cùng để mua 1 chai mật ong 700gr rất bắt mắt, trong veo, đóng chai xinh xắn. Mật ong của ta xưa nay, trông càng mất vệ sinh càng được tin là mật ong rừng xịn. Thành ra người bán mật cứ là phải đổ vào vỏ chai rượu trắng, bỏ thêm mấy cục sáp lợn cợn, vài xác con ong vào, thì mới có người mua. Vậy nhưng đem chai mật ấy mà bán, thì du khách nào bỏ tiền?

Chỉ vài đồng đô la lẻ - 2

Mật ong rừng "xịn" được đóng chai thế này liệu có móc ví được du khách?

Mỗi năm, sân bay Suvarnabhumi của Thái đón 50 triệu lượt khách, trong đó có vô số khách lơ ngơ như tôi. Vấn đề không chỉ là lợi nhuận từ vài đồng đô lẻ, mà là sự thuyết phục hoàn toàn về chủng loại và chất lượng nông sản Thái Lan, ngay từ cửa ngõ quốc gia. Và nền du lịch hoàn hảo, là sẽ vét được đến tận đồng tiền cuối cùng của du khách, mà vẫn làm họ vui lòng.

Clint Eastwood - diễn viên chuyên đóng cao bồi nổi tiếng của Hollywood - từng thủ vai chính trong một bộ phim nổi tiếng có tựa là "chỉ vì vài đồng đô la lẻ". Sau khi chiến đấu, lừa lọc, đọ súng, vào sinh ra tử suốt cả bộ phim, cuối cùng khi đối tác chia tiền thưởng, nhân vật chính phẩy tay: "Next time" - Để lần sau!

Ý rằng, không phải lúc nào vấn đề cũng là tiền hay vì tiền.

Nếu Clint Eastwood bước vào gian bán nông sản Việt Nam tại Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, nhìn thấy toàn me Thái với táo Trung Quốc, chắc ông sẽ không ngần ngại mà nói lại câu này: "Next time!".

Phạm Gia Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG