Lương 2000 USD/tháng: Ai chẳng có quyền ước mơ?

Ngày 01/12/2016 12:54 PM (GMT+7)

“Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?”, đó là một câu hỏi đã khiến dư luận tranh cãi rất nhiều ngày nay...

Theo dõi câu chuyện về nữ sinh viên đặt câu hỏi “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?”, tôi chợt nhớ đến một sự kiện cách đây mấy năm.

Buổi giao lưu diễn ra vào năm 2001 có tên “Bí mật của CEO” diễn ra tại Đại học Kinh tế quốc dân, có một vị khách mời đã có câu trả lời vô cùng hấp dẫn khiến tôi nhớ đến giờ.

Tại buổi giao lưu đó một sinh viên sau khi nghe ông kể về những khó khăn buổi đầu mà ông và các cộng sự thành lập nên công ty lớn ngày nay đã hỏi ông: Cháu cũng muốn lập nghiệp như vậy nhưng cháu muốn có mấy trăm triệu để lập nghiệp thì phải làm sao? Ông Nam đã dí dỏm đưa ra hai cách: Cách thứ nhất là phải từ từ tích lũy bằng công việc của mình, cách thứ hai đơn giản hơn đó là lấy một cô vợ có sẵn 200 triệu.

Tuy nhiên ông cũng đồng thời đưa ra những lời khuyên nghiêm túc, theo đó ông nói: Các bạn sinh viên hãy cố gắng tìm ra sở trường của mình và chỉ cần tìm một điểm mạnh để phát huy trong công việc chứ không tập trung sức vào khắc phục điểm yếu. Dẫn chứng bài học sống còn từ những phụ nữ làm nghề Ô-sin ở Đài Loan, ông tâm sự: “Trước đó, công ty có rất nhiều điểm yếu và cứ đi khắc phục mãi cũng không xuể và luôn bị tụt hậu trong cạnh tranh”.

Lương 2000 USD/tháng: Ai chẳng có quyền ước mơ? - 1

Sinh viên Phạm Thị Thanh đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?”

Thời điểm ngồi trên giảng đường Đại học là một bước đệm quan trọng trong thời kỳ chuyển giao của không ít người. Một bên là khung trời kiến thức bình lặng, một bên là công việc với đầy rẫy những thử thách. Ai cũng mong muốn khi ra trường tìm được công việc mong muốn với mức lương xứng đáng.

Thế nên câu hỏi của nữ sinh về mức lương ngàn đô chắc chắn cũng là ước mơ của không ít người nếu được trao cho cơ hội. Ngày nay, trong các buổi phỏng vấn xin việc cũng như ngay trong lời chào mời của các công ty, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thường có câu: Lương thỏa thuận. Thỏa thuận chính là cơ hội để người tuyển dụng yêu cầu mức thu nhập xứng đáng với khả năng của mình. Vấn đề không nằm ở lương thấp hay cao, vấn đề nằm ở chỗ tri thức, khả năng của bạn có được trả công xứng đáng hay không.

Câu hỏi của cô sinh viên kia vô tình trở thành một chủ đề tranh cãi. Bởi trong bối cảnh sinh viên ra trường thất nghiệp không phải là chuyện xưa nay hiếm thì một người trẻ còn bày tỏ mong muốn được có mức thu nhập ngàn đô khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng thậm chí là dè bỉu.

Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu chuyện về một người sợ thửa máy tàu thủy. Sau khi nghe tiếng chuyển động của động cơ anh nhẹ nhàng đưa búa gõ vào một chi tiết máy, lập tức động cơ hoạt động trơn tru. Xong xuôi, anh đòi chủ tàu phải trả cho anh 100 USD tiền công. Chủ tàu thắc mắc tại sao một nhát búa lại tốn nhiều tiền như vậy? Người thợ giải thích. Tôi chỉ lấy 1 USD cho nhát búa, còn lại là tiền học tập và tích lũy kinh nghiệm để tôi phát hiện ra lỗi và quyết định đưa nhát búa vào đâu.

Để đưa ra được nhát búa ấy và lấy 100 USD cũng chính là điều mà nữ sinh ở trên đang muốn được giải đáp. Tuy nhiên câu đó dường như vẫn bị bỏ ngỏ.

Nhiều người nghe xong câu hỏi thì chê cười, phản đối, thắc mắc không biết cô sinh viên này tài giỏi đến cỡ nào. Có người thì lại cho rằng, đó là một câu hỏi hay, có sức thuyết phục và thật sự không ai nên 'ném đá' hội nghị vì người khác dám nghĩ, dám nói...

Cá nhân mình, tôi đánh giá cao cô sinh viên dám đưa ra câu hỏi kể trên. Bởi cô đã dám đặt ra cho mình một cái đích về thu nhập và mong muốn được chỉ đường đến đích. Huống hồ đây chỉ là câu hỏi 'phải học như thế nào?'.

Từ trước tới nay, sinh viên xứ ta vẫn bị nhiều người đánh giá là rụt rè, kém năng động và ít khi dám thể hiện mình. Đó cũng là điểm yếu của nguồn nhân lực trẻ ở nước ta hiện nay. Phải chăng lỗi đó là do hết ở người trẻ? Không, người trẻ chỉ bị tham chiếu bởi những gì đã thành khuôn mẫu để đánh giá. Họ có nỗi sợ như cô sinh viên kia, khi nói ra những điều mình nghĩ và mình muốn được biết thì hoặc là sẽ bị cho là vĩ cuồng hoặc sẽ chị cho là ngu, thiếu hiểu biết.

Tôi quan niệm: Nếu không muốn người ta biết mình kém thì đừng hỏi nhưng nếu không hỏi bạn sẽ bảo tồn được cái kém ấy? Sẽ có những lúc bạn nhìn lại con đường mình đã đi và ngượng ngùng về những thứ mình đã viết ra, đã làm… Nhưng đó chính là những viên gạch đầu tiên dẫn bạn đến những con đường tiếp theo.

Thịnh Hồ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạn đọc