Những vụ tự tử vì bị mắng, chửi, sỉ nhục: Khi kẻ thù là... cảm xúc

Ngày 28/05/2017 19:41 PM (GMT+7)

Trong các vụ tự tử do bị người khác chửi, mắng nạn nhân và người nhà nạn nhân thường mang một tâm thế đổ thừa nỗi đau của mình là do người khác gây ra. Nguyên nhân sâu xa là do tâm lý sân hận của nạn nhân. Kẻ thù của nạn nhân không phải là đối tượng đã chửi, mắng họ mà là chính cảm xúc của họ.

Những vụ tự tử vì bị mắng, chửi, sỉ nhục: Khi kẻ thù là... cảm xúc - 1

Ảnh minh họa

Bị mắng chửi nhưng có người giận, người không

Như những vụ việc mà chúng tôi đã nêu ra ở bài viết đầu tiên của loạt bài này, không chỉ nạn nhân mà ngay cả người nhà nạn nhân, thậm chí là dư luận một số người cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cái chết tức tưởi đó là do người khác xúc phạm, chửi mắng. Thực tế thì sao?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn tâm lý tình cảm 1088 (Hà Nội) ở những vụ tự tử này, xét về mặt luật pháp, nguyên nhân khiến những nạn nhân đó tìm đến cái chết là do họ bị chửi, mắng, sỉ nhục. Tuy nhiên, xét về bản chất thì nguyên nhân chính vẫn là do nạn nhân đã không làm chủ được cảm xúc của mình. Đây là điểm mấu chốt chúng ta cần nhận ra và phân định rõ để có thể rút ra được những bài học cho chính mỗi người.

Thực tế thì có những người bị chửi, mắng nhưng họ đối diện với cơn sân hận của người khác một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng, khôn ngoan. Nhưng ngược lại, có người thì trở nên điên đảo trong căm hận. Sự khác nhau đó cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hành vi tử tự là do chính nạn nhân đã không làm chủ được cảm xúc, đã để cho cảm xúc sân hận dẫn dắt mình, điều khiển mình. Sở dĩ nạn nhân bị cảm xúc dẫn dắt, bị cảm xúc điều khiển là bởi họ hướng hết sự chú ý vào đối tượng đã mắng, chửi, sỉ nhục mình. Hay nói cách khác, đây là lúc nạn nhân cần để ý đến bản thân mình nhất, cần hướng sự chú ý đến tâm trạng của mình nhất. Tức là hướng vào bên trong mình, nhìn vào nội tâm của mình để nhận ra thứ cảm xúc tiêu cực của chính mình. Việc hướng vào bên trong để nhìn rõ nội tâm sẽ giúp nạn nhân tách mình ra khỏi đối tượng đã chửi mắng, nhục mạ mình. Nhờ đó mà cảm xúc tiêu cực không bị “đổ dầu thêm lửa”, không bị tiếp thêm nhiên liệu để nó có cơ hội bùng lên. Khi cảm xúc không bị đối tượng kích động được nữa, tự nó sẽ yếu dần và biến mất. Đây là lý do mà vì sao giáo lí Phật giáo khuyên chúng sinh là hãy nhìn lỗi mình, thay vì nhìn lỗi người mỗi khi xảy ra nghịch cảnh hay những điều bất như ý. Thay vì coi người khác là kẻ thù thì hãy xem cảm xúc chính là kẻ thù lớn nhất của đời mình. “Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình” hay “chiến thắng lớn nhất của đời mình là chiến thắng chính mình” là vì vậy.

Theo Thiền sư Thích Minh Niệm, một người để cảm xúc dẫn dắt là một người yếu đuối. Ngược lại, một người làm chủ được cảm xúc mới là người mạnh mẽ và bản lĩnh.

“Cái tôi” càng to thì càng dễ nổi giận

Nhiều người thường nghĩ tâm con người là một cái tôi. Cái tôi đó luôn suy nghĩ hành động. Tôi vui, buồn, tôi nghĩ thế này, tôi nghĩ thế kia. Chúng ta luôn nghĩ có một chủ thể nào đó hành động nói năng suy nghĩ và đó là tôi, là anh, là chị để phân biệt với nhau. Chính vì nghĩ mình có cái tôi này để phân biệt với người khác nên khi người khác xúc phạm đến mình thì họ cảm thấy không chịu đựng nổi, ngay lập tức họ giận, họ hận, họ căm ghét người đó, xem người đó là “kẻ thù không đội trời chung”.

Thực chất thì không có một cái tôi nào, không có một cái tâm bất biến nào cả. Theo lý giải của Phật giáo, tâm con người chỉ là một loại pháp hữu vi, có sinh có diệt liên tục. Một cái tâm khởi lên không kéo dài qua hai sát na (Sát na là đơn vị tâm nhỏ hơn cái tích tắc của đồng hồ). Nó sinh lên với một sát na rồi ngay lập tức lại diệt. Tâm đó không kéo dài qua hai sát na. Bởi tính sinh diệt liên tục của tâm diễn ra một cách quá nhanh nên chúng ta thường không nhìn thấy được nên mới lầm tưởng rằng chỉ có một cái tâm, tức là cái tôi này vậy. Thực chất thì không có một cái tôi (hay cái tâm) duy nhất nào cả. Tâm của con người nhìn ở mức thô thì chúng đã thay đổi liên tục, lúc vui, lúc buồn, lúc giận, lúc thương, lúc yêu, lúc ghét… Những tâm lý thay đổi liên tục này bị chi phối bởi tính vô thường, duyên khởi. Trong Phật giáo gọi là pháp hữu vi. Hữu là có, vi là điều kiện, tức là tâm lý con người bị điều kiện hóa. Có duyên thì nó sinh lên. Hết duyên thì nó diệt đi. Gọi là pháp hữu vi là vì vậy.

Lý giải vì sao có sự khác nhau giữa người A bị chửi thì giận còn người B bị chửi mà không giận, sư cô Liễu Pháp cho rằng đó do sự khác nhau của sự dính mắc bản ngã ở mỗi người. Bản chất lời chửi đó bản thân nó không thiện không ác, mà thiện hay ác là do cái tâm dính mắc bản ngã của mình. “Cho nên quý vị đừng có đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài. Mà mỗi lần mình giận là do cái bản ngã của mình, do mình nghĩ “có cái tôi” và “cái của tôi”. Bản ngã càng to thì mình càng dễ giận. Còn cái bản ngã mình nhỏ thì ít khi bị đụng tới lắm. Cái bản ngã càng lớn thì tâm giận nhiều hơn”, cô Liễu Pháp, giảng sư dạy về Vi Diệu Pháp.

Theo sư cô Liễu Pháp, một người “biết tu tâm” (dân gian thường nói là tu tâm sửa tính) chính là biết nhận ra tâm mình. Khi tâm có đủ chánh niệm, tức là lặng lẽ nhận ra cơn giận thì cơn giận sau đó sẽ tự khắc biến mất theo quy luật sinh khởi (duyên khởi) của nó. Thường thường khi mà mình chưa tu thì cảm xúc của mình bồng bột lắm. Ai mà chửi mình là mình chửi lại họ liền. Ai đánh là mình đánh lại họ liền. Cái đó là bản năng. Tu học là để vượt qua bản năng đó, để chiến thắng bản năng đó, tức là chiến thắng những nỗi tham lam thèm khát hay sân hận bực bội tức giận của mình.

Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình