Nữ tổng giám đốc từng hai lần thi trượt đại học

Ngày 12/04/2016 09:01 AM (GMT+7)

“Nếu các bạn không thể khởi tạo cái gì đó cho riêng mình, hãy làm việc cho người khác nhưng phải có lý tưởng cao đẹp vượt khỏi tiền bạc. Điều đó cũng có nghĩa bạn đang góp sức cùng công ty đó tạo nên giá trị cho xã hội. Trên hết, dù làm gì, các bạn hãy kiếm tiền một cách tử tế”.

Từ một cô bé tỉnh lẻ vượt khó đi học và đã hai lần thi trượt đại học, đến nay, ở tuổi 31, Lê Thị Lan Hương đã trở thành tổng giám đốc một công ty xe đạp điện có doanh thu vài trăm tỷ/ năm. Là người đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống và kinh doanh, Lan Hương rút ra được bài học quí giá, đồng thời đó cũng là triết lý kinh doanh của cô.

Đam mê công việc của đàn ông

Nữ tổng giám đốc từng hai lần thi trượt đại học - 1

Bốn năm trước, đang là một nhân viên, vì đâu bạn lại có quyết định táo bạo tự đứng ra tạo dựng thương hiệu riêng cho mình?

Bản năng và tính cách của mình là luôn làm đến cùng. Mình luôn mơ ước có được sự nghiệp riêng, nhưng ban đầu chưa có kinh nghiệm nên mình bắt đầu từ vị trí của một nhân viên.

Từ khi còn là sinh viên mình đã đi làm thêm rất nhiều. Đầu tiên mình đi bộ đi làm rồi đến đi xe buýt, xe đạp. Mình đã rất sung sướng khi mua được chiếc xe máy 7 triệu đồng, nhưng tiền xăng cũng là một vấn đề lớn. Lúc đó mình chỉ ước có phương tiện thực sự tiết kiệm hơn.

Cuối năm 2012, sau khi nghiên cứu kỹ, mình tách khỏi công ty điện thoại và bắt đầu chiến đấu với thương hiệu mới, là xe đạp điện như hiện nay.

Bạn có thể chia sẻ về những khó khăn ban đầu khi tự kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực kĩ thuật vốn không phải là thế mạnh của phái nữ?

Phải nói rằng mình khởi nghiệp khó khăn vô cùng. Mình theo đuổi chuỗi tích hợp dọc thiết kế - r&d - sản xuất lắp ráp - phân phối - marketing- dịch vụ khách hàng. Làm theo chuỗi này rất vất vả. Vì phải làm tốt tất cả các khâu, đứt một khâu là như đứt xích. Nó khó, nó thách thức, nhưng nếu làm được thì nó sẽ mang lại những thành tựu lớn nên mình rất quyết tâm và cuối cùng làm được.

Cùng với đó là khó khăn về tài chính và nhân lực. Khi đó mình 27 tuổi và là trở ngại khi mình làm việc với các đối tác lớn tuổi. Đặc biệt trong lĩnh vực của mình, ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, mình phải ra nước ngoài nhiều lần để học hỏi. Sau một thời gian mình mới thực sự hiểu cách vận hành một dây chuyền sản xuất và hiểu khách hàng thật sự cần gì, từ đó mình có lựa chọn cho sản phẩm riêng.

Nữ tổng giám đốc từng hai lần thi trượt đại học - 2

Theo bạn, đâu là bí quyết thành công của mình, khi chỉ trong 4 năm, từ 1 cửa hàng nhỏ bé, đến nay đã có hàng trăm cửa hàng trên toàn quốc?

Bí quyết thành công của mình là đạo đức kinh doanh. Làm việc với bất cứ đối tác nào, mình luôn đặt sự tử tế và tín nhiệm lên hàng đầu. Bởi vậy các thông tin đến với mình luôn là thông tin đúng, từ đó dẫn đến quyết định đúng. Là người làm sản phẩm, mình phải có tâm mới lâu bền.

Không hẳn là bí quyết, song mình có niềm tin cực kỳ mãnh liệt vào việc mình đang làm và luôn hành động quyết liệt hơn.

Thêm vào đó, mình luôn đặt yếu tố chia sẻ vào trong mọi hoạt động. Với hoạt động mở rộng thị trường cũng vậy, chính sách phải tạo được kết quả win-win-win thì mình mới làm (khách hàng được, đối tác của mình được, và mình cũng phải được).

Đâu là thế mạnh của bạn so với các thương hiệu khác hiện nay?

Thế mạnh lớn nhất của sản phẩm bên mình là chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm tương tự trên thị trường thường là nhập thẳng hàng có sẵn. Đặc điểm của hàng mua sẵn là làm đại trà nên chất lượng sản phẩm thấp, giá rẻ và nhanh xuống cấp.

Trước khi bắt tay vào làm một sản phẩm riêng, mình nghiên cứu và chọn cách làm tích hợp dọc, đầu tư nghiên cứu, thiết kế, đồng bộ sản phẩm. Theo cách này, mình phải thiết kế và làm toàn bộ khuôn mới cho sản phẩm. Cách thức này tuy tốn kém nhưng khách hàng của mình được lợi, từ đó mình cũng được lợi.

Với kinh nghiệm khi còn, mình biết được rằng hệ thống phân phối và giấy tờ hợp lệ đi kèm sản phẩm là điều vô cùng quan trọng. Do vậy, điều này đã trở thành thế mạnh cạnh tranh của mình trên thị trường.

Là một doanh nhân thành đạt, bạn nghĩ thế nào về trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với xã hội?

Theo mình đối với bất kỳ người làm kinh doanh nào, bên cạnh trách nhiệm bắt buộc phải có là đóng thuế và không gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp sản xuất phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất. Cùng với đó là tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Là một người Việt Nam, mình nghĩ chúng ta cần phải xuất khẩu được trí tuệ của người Việt ra thế giới, mang ngoại tệ và danh tiếng về cho đất nước, đồng thời đây cũng chính là tham vọng của cá nhân mình.

Phụ nữ thành công, hạnh phúc thường đến muộn?

Người ta thường nói, người phụ nữ thành công thường tỉ lệ nghịch với hạnh phúc gia đình. Còn với Hương thì sao?

Thực tế mình thấy nhiều tấm gương phụ nữ thành đạt mà vẫn hạnh phúc. Tuy nhiên, xét về số đông, và với văn hoá ở Việt Nam coi đàn ông là trụ cột, phụ nữ là hậu phương chăm lo gia đình, thì điều này có vẻ đúng. Vốn dĩ, đàn ông Việt Nam khó chấp nhận phụ nữ quá chủ động về công việc và tài chính, nhưng tôi tin có rất nhiều người đàn ông không như vậy.

Với bản thân mình, không phải là phụ nữ càng thành công thì càng ít hạnh phúc gia đình. Mình nghĩ, với phụ nữ thành công, hạnh phúc thường đến muộn hơn phụ nữ "hậu phương", và khi họ có hạnh phúc thì cũng đáng là niềm mong đợi.

Nữ tổng giám đốc từng hai lần thi trượt đại học - 3

Là một nữ CEO, bạn đã phải hi sinh những gì?

Mình không nghĩ đó là hy sinh. Khi làm việc mà mình đam mê thì nó không giống mình đang phải làm việc.

Có điều để thực hiện được đam mê, mình cần dành nhiều thời gian, công sức, và cả tiền bạc cho nó nữa. Bản thân mình chỉ thấy niềm vui được làm việc thôi. Nhưng bên ngoài nhìn vào sẽ thấy là sự hy sinh.

Mình nghĩ hãy sống với khao khát và đam mê của mình, và được hành động cho nó thì bạn thấy những gì mà người ta gọi là hy sinh sẽ thật xứng đáng.

Bạn có chia sẻ gì tới những người trẻ có đam mê kinh doanh như mình?

Mình cũng đã từng trẻ nên mình hiều các bạn có rất nhiều ước mơ, hoài bão. Với các bạn trẻ có đam mê kinh doanh, mình chỉ muốn nói rằng đại học không phải là tất cả.

Nếu các bạn không thể khởi tạo cái gì đó cho riêng mình, hãy làm việc cho người khác nhưng phải có lý tưởng cao đẹp vượt khỏi tiền bạc. Điều đó cũng có nghĩa bạn đang góp sức cùng công ty đó tạo nên giá trị cho xã hội. Trên hết, dù làm gì, các bạn hãy kiếm tiền một cách tử tế.

Minh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nữ doanh nhân thành đạt