Từng nộp 'trộm' hồ sơ để thi Đại học vì nghèo, cô ấy đã trở thành giám đốc trung tâm múa

Ngày 31/08/2016 09:18 AM (GMT+7)

“Mình vẫn không quên những lần về nhà xin tiền đóng học phí. Mẹ mình lại phải bắt gà mang đi bán. Phải chờ trời tối mới dám đi bán gà. Trong đêm tối, mẹ đèo mình trên xe đạp, mình cầm chặt con gà. Mẹ bảo, giữ chắc cái mồm con gà kẻo nó kêu, mọi người lại biết".

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng trung du Bắc bộ, chị Lê Minh Thùy phải trải qua tuổi thơ với những bữa cơm độn khoai sắn và chăn trâu cắt cỏ ngoài đồng. Bản thân là chị cả nên ngay từ bé, chị Thùy đã học cách sống tự lập để giúp đỡ bố mẹ, chăm các em. Để có tiền mua cuốn sách mình yêu thích, chị Thùy phải đi cấy, đi gặt thuê.

Từng nộp trộm hồ sơ để thi Đại học vì nghèo, cô ấy đã trở thành giám đốc trung tâm múa - 1

Sinh viên nghèo vượt khó

Thấy chị Thùy ham học, gia đình hướng chị theo học sư phạm tại tỉnh nhà vì lý do không mất tiền học phí. Nhưng chị muốn ra Hà Nội học đại học. Vì thế chị đã giấu bố mẹ, nộp trộm hồ sơ thi vào trường Đại học Văn hóa.

Chị Thùy nhớ lại: “Ngày có giấy báo dự thi cũng là ngày mẹ mình khóc như mưa vì không có tiền cho mình đi thi. Nếu đỗ cũng không có tiền cho ăn học. Sau đó cậu mình đã vận động họ hàng đóng góp tiền để mình xuống Hà Nội thi. Mình không có tiền ôn thi nên chỉ biết nội dung thi qua giấy báo. Tuy nhiên may mắn là mình cũng đỗ đại học.

Mình vẫn nhớ ngày có giấy báo trúng tuyển, mẹ mình đã khóc. Bố mình đi làm thuê trong miền Nam cũng vội vàng về nhà khi nghe tin mừng của con gái”.

Chị Thùy vào đại học, bố mẹ chị làm thuê cật lực hơn nữa để có tiền nuôi con. Nhiều lần, chị nhớ nhà nhưng vì không có tiền đi xe về nên chị đành thôi.

“Mình vẫn không quên những lần về nhà xin tiền đóng học phí. Mẹ mình lại phải bắt gà mang đi bán. Phải chờ trời tối mới dám đi bán gà. Trong đêm tối, mẹ đèo mình trên xe đạp, mình cầm chặt con gà. Mẹ bảo, giữ chắc cái mồm con gà kẻo nó kêu, mọi người lại biết. Trong bóng tối, mình chỉ thấy ánh sáng le lói của chiếc đèn pin buộc ở xe,” chị Thùy kể lại.

Mặc dù rất yêu nghệ thuật, nhưng chị Thùy không chọn theo chuyên ngành đã học bởi cô giáo của chị khi đó là Ths Nguyễn Khánh Ngọc đã khuyên rằng đó là nghề vất vả và bạc bẽo. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, chị Thùy đi làm trong lĩnh vực truyền thông.

Từng nộp trộm hồ sơ để thi Đại học vì nghèo, cô ấy đã trở thành giám đốc trung tâm múa - 2

Đến với đam mê và gặt hái thành công

Năm 2013, vì không thể quên được niềm đam mê, chị Thùy bắt đầu dạy múa. Thời điểm đó, chị bắt đầu trăn trở về hướng đi riêng của bản thân. Chị muốn làm một việc gì đó thật chủ động và khác biệt. Nhưng câu hỏi đặt ra với chị lúc đó là nên làm gì? Hướng đi nào mới là đúng? Mình thực sự yêu thích cái gì?... Mỗi ngày chị đều băn khoăn với những câu hỏi đó để rồi cuối cùng chị chọn cách mở lớp dạy múa và biên đạo múa.

Ban đầu, lớp chỉ có một học viên, rồi tăng lên 10 người. Các lớp của chị cứ liên tiếp được khai giảng đã trả lời cho những thắc mắc của chị lúc đầu. Khi ấy, ở Hà Nội chưa có trung tâm giảng dạy múa và biên đạo múa chính thức nào, nhưng nhu cầu học múa lại khá nhiều. Vì vậy chị Thùy quyết định thành lập một trung tâm để dạy múa và biên đạo cho các học viên.

Từng nộp trộm hồ sơ để thi Đại học vì nghèo, cô ấy đã trở thành giám đốc trung tâm múa - 3

Lớp múa của chị Lê Minh Thùy

Chị Thùy cho biết: “Gia đình mình không ai ủng hộ mình nghỉ việc để đi dạy múa. Tuy nhiên, một khi đã quyết tâm, mình nhất định phải thực hiện. Mình từng tâm sự với các học trò rằng, để có ngày hôm nay, mình không nề hà bất cứ việc gì. Từ quyét dọn, lau sàn tập, đến chở trang phục diễn, trang điểm,… không khác một người lao công hay xe ôm. Nhiều đêm mùa đông rét mướt mưa phùn, một mình đèo đống đồ trang phục biểu diễn trên đường mà mình rơi nước mắt. Hay có những hôm nửa đêm chợt thức giấc, mình nằm ôm con khóc bởi những khó khăn đã trải qua”.

Khó khăn là vậy, nhưng sự thành công của trung tâm múa do chị thành lập đã mang lại niềm vui lớn cho chị Thùy và những người đồng nghiệp. Từ một lớp dạy múa ban đầu, trung tâm đã mở rộng lĩnh vực hoạt động, thành lập vũ đoàn, tổ chức nhiều workshop, lập nhóm múa biểu diễn thiện nguyện, …

Trung tâm của chị Thùy đã tham gia nhiều liveshow, chương trình nghệ thuật lớn, ghi hình cho đài truyền hình,… Khách hàng đến với trung tâm của chị tăng lên nhanh chóng. Số lượng học viên của các lớp học cũng tăng lên rất nhiều. Trung tâm của chị đã trở thành cái nôi đào tạo, vun đắp tài năng nghệ thuật múa cho rất nhiều bạn trẻ, trong số đó nhiều người đến với múa rất muộn.

Trung tâm của chị Thùy cũng là đơn vị tổ chức thành công cuộc thi Tài năng múa dân gian dân tộc lần I tại Việt Nam.

Để có được sự thành công như ngày hôm nay, chị Thùy chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất, chính là bản thân mình. Làm sao vượt qua được cái tôi hay sự tổn thương hay sự mềm yếu của bản thân là điều khó nhất. Không biết bao lần mình muốn dừng lại, xách laptop trở lại công việc làm thuê với đồng lương cố định, nghỉ ngơi buổi tối và cuối tuần để chăm sóc con cái… Nhưng nhìn đồng nghiệp và các học trò, mình đã không làm được điều đó.

Người thầy có tâm

Nhiều khi công việc quản lý và định hướng quá mệt mỏi, chị Thùy cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, với sức mạnh là tình yêu dành cho múa, chị Thùy đã vượt qua. Bởi mục đích của chị khi lập ra trung tâm là được thỏa mãn ước mơ và tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ khác. Chị hạnh phúc khi thấy mình vẫn được đứng trên sàn tập và được nhảy múa mỗi ngày. Hơn nữa, chị luôn được chủ động trong cuộc sống.

Vì tuổi thơ chị Thùy khó khăn, vất vả nên chị luôn tạo mọi điều kiện để các bạn có năng khiếu và đam mê được học múa miễn phí. Mỗi góc sàn của lớp múa là chỗ ở miễn phí của những học viên nghèo ngoại tỉnh. Chị Thùy còn tìm cách bố trí việc làm cho các học viên để họ có thu nhập trang trải cuộc sống.

Từng nộp trộm hồ sơ để thi Đại học vì nghèo, cô ấy đã trở thành giám đốc trung tâm múa - 4

Hình ảnh đời thường của biên đạo múa Lê Minh Thùy

Nhiều người đã hỏi mua lại trung tâm của chị Thùy với mức giá cao. Dù rằng có những lúc mệt mỏi, chị đã muốn bỏ cuộc, song nghĩ tới tương lai của các đồng nghiệp và học viên chị Thùy lại không lỡ. Chị không muốn tâm huyết của chị bị biến thành “cái lò múa thương mại”, các vũ công bị đối xử bạc bẽo, học viên nghèo không đến được với đam mê, …

Chia sẻ về những thành công của mình, chị Thùy nói: “Mình không có bí quyết gì cho sự thành công tạm thời ngày hôm nay. Mình chỉ tin rằng bản thân sẽ làm được. Bởi vì mình tin rằng nếu làm nghề có Tâm thì chắc chắn nghề không phụ mình.

Điều mà mình thấy thành công nhất là năm nào học viên trong trung tâm cũng đỗ các trường đại học, cao đẳng múa chuyên nghiệp. Có học sinh còn đỗ thủ khoa.

Như bao người phụ nữ khác, chị Thùy luôn coi trọng gia đình lên hàng đầu. Vì vậy chị luôn cố gắng sắp xếp thời gian biểu hợp lý để được ở bên con nhiều hơn. Có nhiều khi, chị sẵn sàng nghỉ ở nhà để chơi với con và quản lý công việc từ xa. Theo chị Thùy, dù ở ngoài xã hội, người phụ nữ có ở vị trí thế nào, thì trong nhà vẫn cần làm tốt vai trò của một người mẹ. Thậm chí nếu bắt buộc phải chọn giữa công việc và gia đình, chị chắc chắn sẽ chọn hy sinh vì gia đình.

Là phụ nữ tự lập nghiệ và thành công, chị Thùy cho biết: “Đàn ông thành công trong sự nghiệp đã khó, đàn bà muốn thành công lại càng khó hơn. Hơn nữa mình tin rằng phụ nữ ai cũng thường ưu tiên gia đình trên tất cả. Vì thế, trong một gia đình, người phụ nữ thành công trong công việc không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề lớn ở chỗ là bên cạnh người phụ nữ đó là người đàn ông như thế nào. Nếu người phụ nữ luôn được người chồng của mình chia sẻ, quan tâm và thấu hiểu thì chắc chắn gia đình đó sẽ hạnh phúc. Một gia đình yên ấm phải do cả hai vợ chồng cùng hiểu, yêu thương và vun đắp. Vì thế phụ nữ chúng ta cứ tự tin phát triển bản thân bên cạnh việc tận tâm chăm sóc gia đình”.

Minh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật