Điểm chuẩn cao kỷ lục, thí sinh sốc khi 29 điểm vẫn trượt đại học

Ngày 01/08/2017 11:52 AM (GMT+7)

Sau khi các trường đại học trên cả nước đồng loạt công bố điểm chuẩn, một số thí sinh đạt 29 điểm vẫn trượt đại học khiến nhiều bậc cha mẹ bất ngờ.

Điểm chuẩn cao ở mức kỷ lục

Theo điểm chuẩn các trường đã công bố từ ngày 30/7, khối trường có điểm chuẩn cao nhất là trường công an khi điểm chuẩn lên tới 30,5 điểm (tăng 0,75 điểm so với năm ngoái).

Các ngành lấy điểm chuẩn 30,5 bao gồm: Thí sinh nữ xét tuyển vào Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân dân theo tổ hợp DO1 (Toán, Văn, Tiếng Anh); thí sinh nữ phía Bắc thi tổ hợp A00 vào Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Ở mức điểm này, dù thí sinh có đạt điểm thi tuyệt đối 10 điểm/môn nhưng ở khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) thì không có cơ hội đỗ.

Khối trường có điểm chuẩn cao thứ hai là trường quân đội với điểm chuẩn một số ngành lên tới 30 điểm (tăng 1,75 điểm so với năm ngoái).

Ngành có điểm chuẩn lên tới 30 là: Thí sinh nữ miền Bắc đăng ký xét tuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự (tăng 1,75 điểm so với năm ngoái); thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp B00) đăng ký xét tuyển vào Học viện Quân y (tăng 4 điểm so với năm ngoái).

Khối trường Y xếp thứ ba về điểm chuẩn cao kỷ lục. Đại học Y Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất vào trường là 29,25 với ngành Y đa khoa (tăng 3,25 điểm so với năm 2016). Đây là điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay.

Điểm chuẩn cao kỷ lục, thí sinh sốc khi 29 điểm vẫn trượt đại học - 1

Đại học Y Hà Nội có điểm chuẩn cao nhất vào trường là 29,25 với ngành Y đa khoa

Đồng thời, để tuyển sinh, Đại học Y Hà Nội công bố 4 tiêu chí phụ ưu tiên lần lượt là: Điểm xét tuyển chưa làm tròn, điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng. Như vậy, cùng đạt 29,25 điểm nhưng có thí sinh sẽ trượt và có thí sinh sẽ đỗ.

Lý giải về việc thí sinh dù đạt 29 điểm vẫn trượt đại học nếu nộp vào những ngành trên, nhiều người cho rằng: do cách tuyển sinh năm nay của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất đã tạo điều kiện cho các thí sinh điểm cao tập trung vào các trường top. 

Mặt khác, điểm thi năm nay của các thí sinh cũng cao hơn năm trước do thi theo hình thức mới nên các trường top phải tăng điểm chuẩn lên cao hơn để sàng lọc thí sinh.

Cả nhà thí sinh choáng khi 29 điểm vẫn trượt Y Hà Nội

Cô L. (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, đến giờ gia đình vẫn không tin vào sự thật em P.H (19 tuổi) đã trượt nguyện vọng 1 ngành Y Đa khoa, ĐH Y Hà Nội do thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của trường.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, H. đạt tổng điểm 3 môn là 29,15 (làm tròn thành 29,25) với Toán: 9,4; Hóa: 9,75; Sinh: 10. Do ở khu vực 3 nên H. không có điểm cộng ưu tiên.

Với mức điểm này, nam sinh đủ điểm vào ngành Y Đa khoa. Nhưng khi xét tiêu chí phụ thì em trượt tiêu chí đầu tiên, đó là điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.  

Điểm chuẩn cao kỷ lục, thí sinh sốc khi 29 điểm vẫn trượt đại học - 2

Đến nay, đã nhiều trường ĐH trong cả nước công bố điểm chuẩn các ngành năm 2017 (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Nhắc đến tiêu chí phụ ưu tiên số 1, H. bức xúc: “Điểm xét tuyển chưa làm tròn được tính theo công thức: Tổng điểm 3 môn (không nhân hệ số, làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích.

Trong khi đó, điểm của em của là điểm thật, không gồm điểm ưu tiên nhưng cuối cùng vẫn kém các bạn có điểm ưu tiên. Có những bạn đạt 25,75 điểm cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên thành 29,25 điểm và đương nhiên đỗ vào trường”.

Lần đầu đăng ký nguyện vọng, thứ tự ưu tiên của H. lần lượt là Học viện Quân Y (hệ quân sự), ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình và Học viện Quân y (hệ dân sự).

Sau đó, khi thấy điểm thi cao, em đã quyết định thay đổi nguyện vọng 1 thành ngành Y Đa khoa thuộc ĐH Y Hà Nội. H. tâm sự phải đấu tranh rất nhiều với gia đình vì mong muốn của em chính là trở thành tân sinh viên trường ĐH Y Hà Nội. “Thực sự, em rất sốc khi phải từ bỏ ước mơ vào trường Y Hà Nội vì chỉ thiếu 0,05 điểm”, H. nghẹn ngào. 

Nhiều thí sinh bức xúc vì điểm cộng ưu tiên

Trước vấn đề điểm cộng, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát ngắn về suy nghĩ của các sĩ tử khi được hoặc không được điểm ưu tiên. Em Hùng.V (Krông Pắc, Đắc Lắc) bày tỏ: “Bản thân em là thí sinh được cộng 1,5 điểm do ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng em thấy, các bác lãnh đạo trong Bộ  Giáo dục nên làm một cuộc khảo sát lại về vấn đề này. Thực tế, nhiều vùng miền đã phát triển, điều kiện học không thua kém thành phố. Vậy mà, trên giấy tờ các bạn ở đó vẫn được xét thuộc diện nghèo, khó khăn”.

Thí sinh Ngọc.L (TP.Hải Phòng) cho hay, em rất buồn khi bản thân mình và các bạn cùng lớp không có điểm cộng ưu tiên vì thuộc khu vực 3. “Trên giấy tờ đăng ký, em thuộc diện khu vực thành phố và không có điểm cộng. Trong khi đó, chúng em học ở trường huyện, môi trường không khác là bao so với các bạn ở vùng nông thôn. Vậy mà, họ được cộng 0,5 hoặc 1 điểm. Quả thực, em thấy rất bất công”, L. bức xúc.

Khai Tâm - Minh Trang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh