Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ

Ngày 02/04/2017 14:09 PM (GMT+7)

Hội chứng thường xảy ra đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi khi trẻ đột ngột tử vong trong khi ngủ mà không có bất kỳ lý do nào.

Mặc dù không có cách nào có thể ngăn ngừa 100% nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, các ông bố bà mẹ vẫn có nhiều cách để làm giảm nguy cơ đe dọa đến con của họ.

1. Để con nằm ngửa khi ngủ

Nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh sẽ cao hơn rất nhiều khi trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp (bé nằm nghiêng có thể trở mình và chuyển sang tư thế nằm sấp). Những tư thế này khiến mặt bé áp vào đệm hay chỗ ngủ khiến bé bị ngạt thở.

Vì thế bất cứ khi nào đặt còn nằm ngủ - ngủ trưa, ngủ tối hay bất cứ lúc nào khác, luôn luôn nhớ đặt cho con nằm ngửa. Không để con ngủ trong xe đẩy, ghế xe ô tô, ghế cho trẻ sơ sinh, xích đu trong một thời gian dài. Hãy đặt con nằm trên bề mặt phẳng hoặc giường ngủ.

Bên cạnh đó, đừng quên nhắc nhở tất cả mọi người chăm sóc bé như ông bà, bảo mẫu, cô giáo, anh chị em và những người khác rằng phải luôn lưu ý đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Họ có thể sẽ chủ quan khi nghĩ chỉ trông bé trong chốc lát thì sẽ không có chuyện gì xảy ra nhưng thực tế sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt với trẻ đã quen nằm ngửa khi ngủ, đột nhiên trở mình nằm sấp thì nguy cơ dẫn đến đột tử càng cao hơn.

Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ - 1

Luôn chú ý cho bé nằm ngửa khi ngủ để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Nếu bạn vẫn nghi ngại về việc trẻ có thể bị ngạt ngay cả khi ngủ nằm sấp thì cũng đừng quá lo lắng vì nguy cơ này rất thấp. Hơn nữa với các bé khỏe mạnh, bé sẽ có xu hướng nuốt chất lỏng hoặc ho lên tự động. Nếu vẫn chưa yên tâm, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa về việc nâng cao đầu giường cho bé.

Khi con đã có thể lăn qua lăn lại cả hai phía, điều này thường xảy ra khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, con có thể sẽ không chịu nằm ngửa khi ngủ nữa. Đừng lo, cứ để con ngủ theo tư thế con muốn khi con đã tự biết cách trở mình qua lại.

2. Sử dụng giường vững chãi, không sử dụng chăn ga gối đệm mềm, đồ chơi mềm

Để phòng tránh nguy cơ ngạt thở, luôn luôn đặt bé ngủ trên một tấm đệm hay nôi có bề mặt cứng. Tất cả những gì một chiếc nôi cần là một tấm ga trải giường, đừng để chăn, gối, các tấm chắn quanh nôi… trong nôi của bé.

Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ - 2

Qúa nhiều chăn gối mềm, thú nhồi bông trên giường ngủ có thể trở thành "hiểm họa" khiến bé bị ngạt thở. Ảnh minh họa

3. Không hút thuốc xung quanh bé

Nếu như bạn đang hút thuốc thì đây chính là lý do rất quan trọng để bạn bỏ thuốc trước khi có con. Những bé sinh ra từ người mẹ hút thuốc lá có nguy cơ đột tử cao gấp 3 lần những bé sinh ra từ người mẹ không hút thuốc.

Hút thuốc trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra khói thuốc độc hại xung quanh trẻ cũng làm tăng nguy cơ này. Do đó đừng để ai hút thuốc xung quanh con của bạn.

4. Để con ngủ trong tầm mắt của mình nhưng không ngủ chung giường với con

Nghiên cứu chỉ ra rằng khi bé ngủ chung phòng với mẹ, nguy cơ đột tử sẽ giảm đi. Tuy nhiên nếu bé ngủ chung giường, trên ghế sofa cùng bố mẹ hoặc trẻ khác thì lại nguy hiểm hơn.

Nếu bạn muốn để bé ngủ chung giường để cho thuận tiện khi cho con bú, hãy chắc chắn đặt bé trở lại nôi khi bạn muốn đi ngủ.  Nếu bạn đang mệt, đừng cho con bú khi đang ngồi trên ghế sofa hoặc ghế tựa đề phòng trường hợp bạn ngủ gật. Cũng không bao giờ để bé nằm cùng giường với bạn khi bạn quá mệt hoặc dùng các thuốc gây buồn ngủ.

Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ - 3

Nên để bé ngủ chung phòng nhưng không chung giường với người lớn. Ảnh minh họa

5. Nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt

Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được lý do chính xác, nhưng việc cho con bú bằng sữa mẹ sẽ làm giảm đến 50 % nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Một vài người cho rằng sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi việc nhiễm trùng – tác nhân làm tăng nguy cơ đột tử. Các mẹ phải nhớ không uống rượu khi cho con bú vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ. Ngoài ra, sự tiếp xúc giữa mẹ và bé khi cho con bú cũng rất quan trọng đối với sự phát triển của bé.

6. Tiêm chủng cho bé

Trẻ được tiêm chủng đầy đủ có thể giảm đến 50% nguy cơ đột tử so với trẻ không được tiêm chủng.

7. Sử dụng núm vú giả để dỗ bé ngủ

Cho dù các nhà khoa học chưa đưa ra lý giải chính xác, nhưng sử dụng núm vú giả cho bé có thể làm giảm nguy cơ đột tử. Sau đây là một vài mẹo khi sử dụng núm vú giả cho bé:

- Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ, hãy đợi cho đến khi bé bú sữa mẹ thường xuyên (ít nhất một tháng tuổi) rồi mới cho bé dùng núm vú giả. Việc dùng núm vú giả quá sớm có thể khiến bé bị nhầm lẫn và thích núm vú giả hơn vú mẹ.

- Nếu bé không thích núm vú giả, đừng ép bé dùng

- Đặt núm vú giả vào miệng bé khi đặt ru bé ngủ, nhưng đừng làm vậy sau khi bé đã ngủ

- Luôn giữ núm vú giả sạch sẽ và thay mới khi cần thiết

- Không bôi mật ong, rượu, hay chất gì khác lên núm vú giả

Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ - 4

Dùng núm vú giả ru bé ngủ. Ảnh minh họa

8. Không để bé bị quá nóng

Bởi vì nhiệt độ quá cao có thể dẫn đến đột tử ở trẻ sơ sinh, hãy lưu ý cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, thông thoáng, thoải mái khi đi ngủ cũng như giữ nhiệt độ trong phòng ở mức dễ chịu như đối với người lớn.

Nếu bạn lo con bị lạnh, hãy cho bé mặc bộ đồ ngủ che kín tay chân, bàn tay, bàn chân, hoặc túi ngủ cho trẻ con (giống như một chiếc chăn trùm kín từ cổ đến chân của bé, có khóa kéo như áo khoác). Tuy nhiên đừng sử dụng chăn thông thường, bé có thể bị mắt kẹt trong chăn hoặc kéo chăn lên mặt.

9. Tránh xa tất cả các sản phẩm được quảng cáo là có tác dụng làm giảm đột tử ở trẻ sơ sinh

Tốt nhất là tránh bất kỳ sản phẩm nào được quảng cáo là có thể làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh vì chúng chưa được chứng minh là an toàn hoặc hiệu quả. Các màn hình tim và mặt nạ điện tử cũng không được chứng minh là làm giảm nguy cơ đột tử nên tốt hơn hết là không sử dụng chúng.

10. Không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong

Không bao giờ cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì mật ong có thể dẫn đến ngộ độc đối với trẻ còn quá nhỏ. Việc ngộ độc này cũng như những vi khuẩn gây ra nó có thể trở thành nguy cơ gây đột tử cho trẻ.

Hãy nhớ trong mọi trường hợp, hãy làm tất cả những gì có thể hoặc xin tư vấn từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em, để giảm thiểu tối đa nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, để bé yêu của bạn có thể lớn lên an toàn và khỏe mạnh.

Ngăn ngừa ác mộng “đột tử ở trẻ sơ sinh” - 10 điều bố mẹ nhất định phải nhớ - 5

Không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng mật ong. Ảnh minh họa

Mỹ Anh ( Dịch theo Webmd)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc trẻ sơ sinh đúng cách