Thai ngoài tử cung có giữ được không?

Ngày 15/12/2017 19:00 PM (GMT+7)

Khi biết được mình đang mang thai ngoài tử cung, hầu như bà mẹ nào cũng muốn biết vậy có giữ thai lại được không.

Khi mang thai, mẹ bầu nào cũng mong muốn con phát triển khỏe mạnh. Nếu không may rơi vào trường hợp thai ngoài tử cung, mẹ sẽ muốn biết liệu thai có giữ được không hay có cách nào để thai nhi phát triển bình thường được không.

Thai ngoài tử cung là gì?

Đây là trường hợp thai không nằm trong buồng tử cung mà nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung như ở vòi trứng, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng, nhưng hay gặp nhất là thai nằm ở vòi trứng.

Trong quá trình diễn ra sự thụ tinh có hàng triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo nhưng chỉ có một tinh trùng khỏe mạnh nhất mới có thể gặp trứng để tạo nên hợp tử. Hợp tử tự nhân đôi và di chuyển qua ống dẫn trứng về làm tổ trong buồng tử cung. Vì một lý do nào đó, quá trình di chuyển của hợp tử bị trục trắc, ách tắc giữa đường đi nên đành phải phát triển tại nơi ách tắc (thường là vòi trứng).Theo thống kê 1000 phụ nữ mang thai có khoảng 4-5 người mang thai ngoài tử cung.

Thai ngoài tử cung có giữ được không? - 1

Thai ngoài tử cung là thai làm tổ ở những vị trí bất thường. (Ảnh minh họa)

Thai ngoài tử cung có giữ được không?

Đương nhiên, không một bà mẹ nào phải bỏ con nhưng thai ngoài tử cung hoàn toàn không thể giữ lại được vì ba lý do sau: 

- Thai nhi phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài tử cung như vòi trứng (phổ biến nhất), buồng trứng, ổ bụng… đến một mức độ nhất định sẽ tự vỡ ra.

- Thai ngoài tử cung gây ra các triệu chứng vô cùng đau đớn, khó chịu cho người mẹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản.

- Khi thai ngoài tử cung to vỡ ra sẽ làm vỡ luôn cả vị trí bộ phận mà nó cư trú gây hiện tượng xuất huyết ồ ạt gây nguy hiểm tới tính mạng.

Thai ngoài tử cung có giữ được không? - 2\

Từ tuần thứ 5 - 10 của thai kỳ, bác sĩ sẽ xác định được có phải mẹ đang mang thai ngoài tử cung không thông qua siêu âm. (Ảnh minh họa)

Thai ngoài tử cung được xử lý thế nào?

Khi được chẩn đoán là thai ngoài tử cung, bác sĩ sẽ dựa trên tình trạng của thai đã vỡ hay chưa để đưa ra cách điều trị thích hợp với nguyên tắc làm cho bào thai không tiếp tục phát triển được nữa bằng mổ lấy nó ra hoặc để nó tự tiêu biến.

Nếu khối thai chưa vỡ và vẫn còn nhỏ (kích thước dưới 3 cm và tim thai chưa hoạt động), mẹ bầu sẽ được sử dụng thuốc Methotrexate – một chất gây độc tế bào khi tiêm vào cơ thể sẽ khiến các tế bào của thai nhi bị tiêu diệt. Mẹ có thể được tiêm một hoặc nhiều lần vào bắp hay trực tiếp khối thai.

Sau khi tiêm thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của mẹ trong vòng 3 – 4 tuần để kiểm tra xem thai nhi đã tiêu biến hoàn toàn chưa. Nếu thai nhi vẫn phát triển bình thường, mẹ sẽ phải dùng tới phương pháp phẫu thuật để lấy thai ra.

Thai ngoài tử cung có giữ được không? - 3

Mẹ bị thai ngoài tử cung sẽ buộc phải bỏ thai. (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp thai nhi to hơn hoặc đã bị vỡ, bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật lấy thai. Có hai hình thức phẫu thuật là mổ phanh hoặc mổ nội soi. Mổ nội soi là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay, nó ít gây dính vùng bụng sau mổ và không để lại sẹo nhiều nhưng nó không được sử dụng trong những ca phức tạp. Chẳng hạn như khối thai đã bị vỡ, máu tràn vào ổ bụng, bác sĩ buộc phải mổ phanh để cầm máu kịp thời, vệ sinh ổ bụng, tránh để mất máu quá nhiều, đe dọa tới tình mạng mẹ bầu. Trong quá trình đó, bác sĩ sẽ phải cắt vòi trứng bên có thai làm tổ nên mẹ bầu chỉ còn lại một vòi trứng. Điều này sẽ làm giảm tỷ lệ thụ thai trong lần tiếp theo của mẹ.

Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai.

Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia.  

Minh An (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đau bụng - tử cung khi mang thai