Cơ quan chức năng sẽ truy lùng gạo độc

Ngày 29/08/2014 12:47 PM (GMT+7)

Thông tin “gạo thơm, cơm độc” lan truyền khiến không ít người tiêu dùng e ngại. Về trách nhiệm của mình, các cơ quan chức năng hứa sẽ vào cuộc truy lùng các loại gạo tẩm hương, xịt thuốc này.

Gạo ngoại cũng không tha?

 

Một thực tế là sau khi có thông tin gạo tẩm hương, xịt thuốc, nhiều người tiêu dùng đã tìm mua gạo đóng bao sẵn hoặc gạo có xuất xứ nước ngoài với mức giá cao gần gấp đôi so với gạo mà gia đình họ từ trước vẫn ăn. Chị Lê Ánh Nguyệt (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) cho biết: “Nghe thông tin gạo tẩm độc thấy ghê, thấy sợ gạo lạ nên bây giờ tôi chọn ăn gạo ngoại hoặc chỉ ít cũng phải chọn gạo đóng gói sẵn, có địa chỉ rõ ràng. Dù các loại gạo này có giá đắt hơn nhưng tôi cảm thấy yên tâm”.

Tìm hiểu thị trường, chúng tôi nhận thấy gạo ngoại nhập bắt đầu bán chạy không chỉ tại chợ bình dân mà ở cả các trung tâm thương mại, siêu thị. Tuy nhiên, thông tin chúng tôi tìm hiểu từ phía những người bán gạo lại cho quan điểm khác. Bà Nguyễn Thị B, chủ cửa hàng gạo trên phố Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện không ít người tiêu dùng chuyển sang ăn gạo Thái, Đài, Hàn, Nhật... vì cho rằng những loại gạo này hạt trong, dài, đều, đẹp và cơm có mùi thơm, dẻo. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ quan điểm này vì gạo nhập khẩu phải qua một khoảng thời gian dài mới đến Việt Nam nên mùi thơm, dưỡng chất sẽ mất. Vì thế, các đại lý gạo cũng có thể sử dụng chất tạo mùi làm tăng độ thơm cho gạo (?)”.

Để chứng minh lời của mình, bà B đưa ra ví dụ so sánh: “Bạn có thể lấy 2 loại gạo, một là gạo Thái và một là gạo bắc hương của Việt Nam thả vào chỗ nhiều kiến sẽ thấy, kiến chỉ bu vào gạo bắc hương mà ngó lơ gạo Thái”. Cũng theo bà B, thay vì ăn gạo ngoại, người tiêu dùng vẫn có thể chọn cho mình loại gạo tám trồng ở Việt Nam có mùi thơm tự nhiên mà không bị tẩm hương.

Cơ quan chức năng sẽ truy lùng gạo độc - 1

Cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra thị trường gạo để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Ảnh: Chí Cường

“Đôi khi gạo Nhật, gạo Thái… chỉ là một cách gọi để các tiểu thương có thể bán hàng dễ hơn. Làm gì có gạo Nhật? Chỉ có gạo giống gạo Nhật thôi. Gạo Nhật làm sao có giá 27.000 – 32.000 đồng/kg? Ngay như tôi muốn ăn gạo Thái trong dịp Tết cũng phải mua giá nhập về 35.000 đồng/kg mà còn không phải gạo nguyên chất. Gạo Thái thì cũng trộn với gạo Khang Dân, Xi Dẻo. Không phải người nhà, không phải gạo quê gửi ra thì không bao giờ được ăn “gạo xịn” Điện Biên, Hải Hậu… chứ nói gì gạo Thái, gạo Nhật. Chỉ có người mua nhầm nhưng người bán thì không thể nhầm được”, chị Phan Thị H, chủ cửa hàng gạo phố Hào Nam (Hà Nội) khẳng định.

Một chuyên gia trong lĩnh vực lương thực (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng, hiện nay trên thị trường người ta rao bán gạo Thái, Nhật, Hàn Quốc nhập khẩu, nhưng thực tế chưa chắc đã đúng như lời tiểu thương nói, bởi loại gạo này giá khá cao, tối thiểu là 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nắm bắt tâm lý người mua, một số công ty phân phối đã gắn thêm cho gạo Việt những cái tên ngoại nhập rất sang như “thơm Thái”, “thơm Nhật”, “thơm Hàn”, “thơm Đài Loan”… Bản chất những loại gạo này vẫn là “hồn cốt Việt”.

Sẽ xử lý nghiêm

Trả lời PV Báo GĐ&XH, ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, sẽ ngay lập tức triển khai kiểm tra thị trường gạo. Trước mắt, sẽ tiến hành kiểm tra bất ngờ những địa chỉ nghi vấn đề truy lùng gạo “độc”, xử lý nghiêm để lấy lại công bằng cho thị trường này và cũng để người tiêu dùng yên tâm sử dụng gạo Việt Nam.

Để chủ động giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm gạo không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản số 1724/ATTP-NĐ gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) đề nghị phối hợp triển khai gấp một số nội dung: Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát xác minh thông tin phản ánh trên báo; Lấy mẫu các sản phẩm gạo nghi ngờ không đảm bảo an toàn để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thông tin, truyền thông và hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Sử dụng các loại phụ gia, hương liệu, hóa chất trong bảo quản, chế biến thực phẩm theo đúng quy định, tập trung vào các đại lý sản xuất, kinh doanh gạo lớn. Thông báo kết quả triển khai về Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Phòng quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Cục quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cũng cho biết sẽ tiến hành lấy mẫu gạo ở những địa điểm nghi vấn để tiến hành xét nghiệm. Sau khi có kết quả sẽ công bố công khai. Hiện cơ quan này cũng đang cho tiến hành kiểm tra những mẫu gạo bị tẩy trắng và sẽ sớm có kết quả để công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Hành vi gian dối biến gạo thường thành gạo đặc sản là rất nguy hiểm, đây cũng là hành vi làm hàng giả (làm giống hàng nguyên bản). Theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 112/2010/NĐ-CP) thì mức phạt thấp nhất đối với hành vi kinh doanh hàng giả là 300.000 đồng (hàng giả có giá trị đến 1.000.000 đồng), mức cao nhất là 30.000.000 đồng. Gạo giả là sản phẩm gây nguy hiểm và độc hại cho người tiêu dùng. Ngoài trách nhiệm xử lý hành chính, cơ quan chức năng còn xem xét mức độ nghiêm trọng để xử lý theo Điều 157 Bộ luật Hình sự”.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Theo Mai Hạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot