Hàng giả, hàng nhái đến tay người dùng như thế nào?

Ngày 20/12/2016 00:39 AM (GMT+7)

Những ngày cuối năm, các đối tượng buôn lậu sử dụng đường mòn, lối mở, lợi dụng sơ hở qua thủ tục hải quan điện tử để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Những hàng hóa đó vào thị trường lại được “hợp pháp” bằng… tem giả.

Mở đường mòn

Vừa qua, tại khu vực thôn Còn Kéo, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, Đội Kiểm soát Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Phòng PA61 (Công an tỉnh Lạng Sơn) tiến hành bắt giữ 73 kg pháo nổ. Đây không phải là trường hợp cá biệt.

Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), ma túy vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp vào những tháng giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Các đối tượng buôn lậu mở thêm một số đường mòn vận chuyển hàng lậu qua biên giới để phân tán và tránh sự kiểm soát gắt gao của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, cư dân Việt Nam và Trung Quốc qua lại biên giới buôn bán, kinh doanh gia tăng trong dịp này, khiến công tác kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa qua biên giới gặp nhiều khó khăn hơn.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Lê Đức Thọ cho biết, trong những tháng cuối năm 2016, tình hình hoạt động của các loại tội phạm diễn ra còn phức tạp hơn. Trọng điểm là các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị, phụ tùng đã qua sử dụng hoặc không rõ xuất xứ.

Hàng giả, hàng nhái đến tay người dùng như thế nào? - 1

Không khó để mua tem "chống giả". Ảnh: TL

“Núp bóng” bằng tem chống giả

Không ít những lô hàng không nguồn gốc đó khi được tuồn vào thị trường trong nước, chúng được dán tem chống hàng giả. Vừa qua, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Đức, sinh năm 1987, về tội buôn bán hàng giả. Đối tượng này buôn bán giấy vệ sinh giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Tiến Hiếu, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đã có kết luận giám định toàn bộ số hàng hóa không cùng loại với tem chống hàng giả, bao bì sản phẩm không đạt chất lượng công bố. Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Đông Anh cho biết: Đối tượng nói tất cả số hàng giả đều được dán giả tem của Bộ Công an.

Đây là một vụ án đã rõ khi cả hàng hóa và tem chống hàng giả đều bị làm giả. Do có quyền đặt in tem chống hàng giả theo mẫu riêng của mình, nên đã có trường hợp doanh nghiệp dán tem không đúng trên chủng loại hàng quá quy định.

Hiện nay, người tiêu dùng trong nước như đứng trước “ma trận” khi phải đối mặt với hàng giả, hàng kém chất lượng. Thực tế, tem chống hàng giả có giá trị rất nhỏ chỉ vài trăm đồng, việc làm giả, làm nhái rất dễ dàng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông qua mạng xã hội, một số công ty in ấn mời chào mua tem chống hàng giả. Chi phí để in một con tem chống hàng giả có giá từ 200 đến 400 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với việc làm giả một chai rượu ngoại, một bao thuốc lá… Vì vậy tội phạm thường in tem giả, hay dùng chính tem chống hàng giả của các đơn vị được phép phát hành để dán vào hàng giả.

Theo Hà Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h