Bệnh giang mai nguy hiểm thế nào, dấu hiệu nhận biết là gì?

Ngày 16/03/2017 12:57 PM (GMT+7)

Giang mai là một bệnh xã hội hết sức nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng, đe dọa đến tính mạng con người.

Bệnh giang mai là một trong những bệnh hoa liễu cổ điển nguy hiểm nhất từ trước tới giờ. Bệnh do xoắn khuẩn giang mai có tên gọi là Treponema pallidum gây ra. Giang mai được xếp vào nhóm bệnh xã hội do tốc độ lây lan nhanh thông qua việc quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ gây những nguy hại khôn lường tới sức khỏe.

Nguyên nhân lây bệnh giang mai:

Do quan hệ tình dục không an toàn với đối tác mang bệnh: bao gồm các hình thức quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn và quan hệ qua đường miệng không bảo vệ

Lây từ mẹ sang con: Phụ nữ mắc bệnh giang mai nhưng không biết vẫn mang thai hoặc trong khi đang mang thai bị mắc bệnh có nguy cơ cao lây truyền sang thai nhi thông qua dây rốn hoặc nước ối khiến đứa trẻ sinh ra mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Lây qua đường máu: Vô tình truyền máu của người bị giang mai cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.

Ôm hôn, hoặc tiếp xúc thân mật với người bệnh cũng là nguyên nhân lây truyền căn bệnh này, tuy nhiên tỷ lệ này khá ít.

Tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh: dịch bệnh và máu của người bệnh có thể truyền sang bạn khi tiếp xúc.

Càng ở giai đoạn đầu, bệnh giang mai càng dễ lây nhiếm. Khi đã chuyển sang giai đoạn cuối, bệnh không còn khả nang lây nhiễm nữa.

Triệu chứng của bệnh:

Bệnh giang mai trải qua 3 giai đoạn và có những biểu hiện khác nhau:

Dấu hiệu giang mai giai đoạn 1: sau thời gian ủ bệnh, giang mai thường bắt đầu với sự xuất hiện của các vết loét ở những nơi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai, thường là ở bộ phận sinh dục như: môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung, quy đầu, dương vật hoặc trực tràng, có hình tròn hay bầu dục kích thước 0.3 đến 3cm, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ. Người bệnh có thể bị nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau. Những vết loét này còn có thể xuất hiện ở trong miệng hoặc xung quanh miệng nếu người bệnh có oral sex với người đang mang mầm bệnh.

Những vết loét này sẽ tự lành trong 4-8 tuần và không để lại sẹo nhưng không có nghĩa là bệnh đã khỏi mà bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2.

Bệnh giang mai nguy hiểm thế nào, dấu hiệu nhận biết là gì? - 1

Bệnh giang mai ở giai đoạn 3 có thể kéo dài từ 10-40 năm sau khi nhiễm bệnh. Giang mai giai đoạn này sẽ gây thiệt hại cho não, tim, mắt, gan, xương và khớp của người bệnh. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu nhận biết bệnh giang mai giai đoạn 2: Giai đoạn này bắt đầu với một số vết nổi mẩn trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Vết mẩn này thường không ngứa, không đau, chỉ là những đốm màu nâu trên da. Các vết nổi bẩn này cũng có thể xuất hiện trên các bộ phận khác nhau của cơ thể mỗi người. Chúng ta thường không chú ý đến những vết nổi mẩn này hoặc cho rằng đây là biểu hiện của bệnh khác. Các triệu chứng khác kèm theo như: căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, sốt, đau họng, đau đầu, nổi hạch, rụng tóc, và giảm cân không rõ nguyên nhân…

Giang mai giai đoạn tiềm ẩn: các vi khuẩn giang mai vẫn còn trong cơ thể, nhưng không còn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh. Giai đoạn này có thể kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoảng 1/3 những người không được điều trị trong giai đoạn tiềm ẩn sẽ phát triển thành giai đoạn 3 của bệnh giang mai, với các triệu chứng nghiêm trọng.

Giai đoạn 3:

Bệnh giang mai ở giai đoạn 3 có thể kéo dài từ 10-40 năm sau khi nhiễm bệnh. Giang mai giai đoạn này sẽ gây thiệt hại cho não, tim, mắt, gan, xương và khớp của người bệnh. Sự tổn thương này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Giang mai là một bệnh xã hội hết sức nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng, đe dọa đến tính mạng con người.

Vậy nên, khi thấy cơ thể có những dấu hiệu nghi bệnh, hãy đừng ngại mà đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác nhất.

TT/ tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh giang mai