Đau mắt đỏ lây qua hơi thở

Ngày 25/09/2013 21:04 PM (GMT+7)

Đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều so với chữa bệnh.

Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh và bùng phát ở nhiều nơi. Bác sĩ Hoàng Cương - Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết, đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều so với chữa bệnh.

Chung phòng điều hòa cũng bị lây

Bác sĩ Hoàng Cương cho biết, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus. Ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt một chút. Nếu để nặng bệnh nhân có thể bị phù mắt hoặc có màng trong mắt.

Nói về cơ chế lây lan bệnh, BS Hoàng Cương cho hay, đau mắt đỏ chủ yếu lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch nhờn từ mắt (dử mắt) qua tay bệnh nhân hoặc qua các vật dụng trung gian như: Khăn mặt, chậu rửa, tay nắm cửa, đồ chơi, chăn gối… Khi người bệnh lấy tay dụi mắt rồi cầm vào những vật dụng thì virus lưu lại và truyền cho những người khác khi họ tiếp xúc sau đó.

Đau mắt đỏ lây qua hơi thở - 1

BS Tuệ Khanh đang khám cho một bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Ảnh: P.Thuận

Ngoài ra, bệnh có thể lây qua hơi thở và nước bọt người mang mầm bệnh như nói chuyện quá gần, ho, hắt hơi... Nếu một người trong nhà bị đau mắt đỏ, dù có tránh chạm mặt trò chuyện nhưng sau đó họ vẫn có thể lây do virus từ hơi thở bệnh nhân phát tán vào không khí. Hoặc mọi người làm việc cùng trong phòng điều hòa vẫn có thể lây bệnh. Do đó, khi bị đau mắt đỏ nên hạn chế đến nơi đông người để tránh lây bệnh cho người khác.

TS.BS Vũ Tuệ Khanh - Khoa Kết giác mạc  (BV Mắt Sài Gòn – Hà Nội I) cho biết, đây là bệnh do virus nên dễ lây thành dịch nơi công cộng như trường học, nơi làm việc. Bệnh đau mắt đỏ có miễn dịch ngắn hạn nên chỉ sau thời gian ngắn người bệnh khỏi có thể vẫn bị tái nhiễm.

Nước bể bơi cũng là nơi truyền bệnh đau mắt đỏ rất nhanh. Khi có một người bị đau mắt đỏ đi bơi ở đó, virus gây bệnh sẽ tồn lưu trong nước một thời gian và lây truyền cho những người khác. 

Cách phòng và tránh lây lan bệnh

Dễ mù nếu điều trị nhầm

BS Cương cho hay, đau mắt đỏ rất dễ nhầm với bệnh viêm nội nhãn, viêm màng bồ đào… Tuy cùng triệu chứng đỏ mắt nhưng hai bệnh này làm thị lực suy giảm trầm trọng. Nếu chẩn đoán muộn thì dù có điều trị tốt cũng sẽ dẫn tới tổn hại thị lực nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.

Bác sĩ Hoàng Cương nhấn mạnh, đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều chữa bệnh. Để phòng bệnh, bạn nên:

- Rửa tay, chân bằng xà phòng.

- Súc miệng nước muối.

- Tránh dụi tay vào mắt.

- Hạn chế đi bơi khi có dịch.

- Tránh đến nơi đông người, đặc biệt là tiếp xúc với người bệnh.

- Khi tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ nên có khẩu trang.

- Không dùng chung đồ dùng, dụng cụ với người bệnh.

- Uống thật nhiều nước để có thể thải được độc tố trong cơ thể.

- Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, dùng khăn riêng. Vệ sinh khăn mặt của mình bằng cách giặt sạch và phơi ngoài nắng. 

- Có thể rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc nước nhỏ mắt để phòng.

- Khi hệ miễn dịch kém rất dễ lây bệnh nên mọi người cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách bổ sung vitamin C như uống nước chanh, cam…

Giữ cho đôi mắt khỏe mạnh cần phải biết cách (Ảnh minh họa)

Khi đã bị đau mắt cần thực hiện các biện pháp sau:

- Đối với người bệnh: Nên nghỉ ngơi khoảng 1 tuần để tránh lây lan và điều trị tích cực. Rửa tay trước và sau khi tra thuốc.  Rửa sạch dử mắt bằng cách kéo nhẹ mi dưới xuống, tra dung dịch NaCl 0,9% vào mắt và dùng khăn giấy hoặc gạc thấm khô mắt. Dùng riêng đồ dùng cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, ly chén. Giặt ga giường, vỏ gối, khăn mặt bằng nước tẩy, phơi khô và ủi nóng.

- Đối với những người khác trong gia đình: Trong nhà có người mắc bệnh cần hạn chế ngủ chung giường người mắc bệnh và sau khi khỏi bệnh ít nhất 1 tuần. Sau khi nhỏ thuốc cho người bệnh phải rửa tay sạch sẽ bằng xà bông, lau khô. Tuyệt đối không sử dụng thuốc của người bệnh để nhỏ phòng ngừa cho mình và người khác. Điều này sẽ gây lây nhiễm chéo và tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc.

- Đối với trường học, nơi làm việc: Nơi làm việc, khi có người đau mắt cần nghỉ việc từ 3-5 ngày để tránh lây lan. Đối với học sinh, khi ở trường có bạn bị đau mắt cần cho nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp. Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và không dụi tay bẩn lên mắt. Học sinh ở các trường nội trú, bán trú không cho học sinh dùng chung đồ dùng cá nhân và ngủ chung giường. Nếu cô giáo bị đau mắt cũng phải nghỉ cách ly ít nhất 3-5 ngày tránh lây cho học sinh.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh đau mắt đỏ