Đừng trăm dâu đổ đầu viêm xoang!

Ngày 04/09/2016 10:40 AM (GMT+7)

Cho dù nhiều yếu tố như môi trường ô nhiễm, thay đổi khí hậu... có thể là điều kiện bắc cầu khiến xoang mũi, xoang trán, xoang sàn rơi dần vào cảnh viêm tấy mạn tính nhưng không vì thế mà mọi người đều đồng loạt sổ mũi hay nghẹt mũi như nhau.

Trong đa số trường hợp, viêm xoang không vô cớ hình thành theo kiểu “trái thị rớt bị bà già”. Ngược lại, viêm xoang rất thường khi là hậu quả của bệnh nào đó trong vùng lân cận không được phát hiện và vì thế chưa được điều trị đến nơi đến chốn.

Con số xót xa

Tuy vậy, trong số 1.000 bệnh nhân tham dự đợt điều tra, chỉ có 20 bệnh nhân đã được thầy thuốc gửi đến chuyên khoa khác để hội chẩn. Một tỉ lệ chỉ có ở nước ta. Hơn thế nữa, 400 người trong số đó được điều trị bởi thầy thuốc không thuộc chuyên khoa tai mũi họng. Hơn 300 đối tượng trong nhóm nghiên cứu thậm chí chưa từng được khám mũi để xác định mức độ dị ứng, viêm nhiễm, xuất huyết hay thoái hóa trên niêm mạc hốc mũi. Điều đáng nói là hơn 600 bệnh nhân sau nhiều ngày mòn mỏi đã hơn một lần bạo gan hỏi thăm thầy thuốc về nguyên nhân sinh bệnh nhưng không nhận được... câu trả lời. Có lẽ vì thời giờ là tiền bạc và im lặng thậm chí là… vàng.

Con số áy náy!

Với thầy thuốc có thừa kinh nghiệm, hình quang tuyến thường đã đủ để chẩn đoán viêm xoang. Nhưng để theo dõi tiến triển của bệnh cũng như ảnh hưởng của tình trạng viêm tấy dai dẳng trên các chức năng khác thì chỉ với hình chụp X-quang không đủ để thầy thuốc chắc ăn khi chữa bệnh. Thế mà chỉ tròm trèm 300 bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm xoang nhờ triệu chứng phát hiện trên hình quang tuyến. Số còn lại là do phỏng đoán của thầy thuốc, gọi là dựa theo kinh nghiệm lâm sàng. 3/4 số bệnh nhân chưa hề được xét nghiệm máu mặc dù đã được điều trị nhiều tháng vì viêm xoang. Điểm khó giải thích là có hàng trăm bệnh nhân được chụp hình cắt lát não bộ, hàng trăm bệnh nhân đi xa hơn nữa với điện não đồ, có lẽ vì người bệnh lỡ than nhức đầu trong khi không có đến hơn 10% bệnh nhân đã được xét nghiệm công thức máu, vận tốc lắng máu…, nghĩa là chỉ tiêu tối thiểu để đánh giá tiến độ viêm nhiễm.

Đừng trăm dâu đổ đầu viêm xoang! - 1

Viêm xoang nếu tái diễn không dứt là dấu hiệu cho thấy sức kháng bệnh của gia chủ không thể nào thuộc nhóm “dư sức qua cầu”.

Chẩn đoán khác xa phỏng đoán

Mặc dù còn thiếu nhiều tiêu chí chẩn đoán khách quan và thực nghiệm nhưng phần lớn bệnh nhân đã được chẩn đoán dễ dàng là viêm xoang. 3/4 trong số bệnh nhân đã đồng ý mà không hề thắc mắc về mức độ chính xác của chẩn đoán. Dễ hiểu vì bệnh nhân xứ mình mấy ai được hỏi. 70% trong số “khách hàng tiềm năng” còn lịch sự hơn nữa khi chưa lần nào đặt thẳng vấn đề với thầy thuốc là nếu chẩn đoán đúng tại sao bệnh chữa mãi không lành. Thật đáng khen tinh thần kỷ luật của người bệnh xứ mình!

Viêm không đồng nghĩa với nhiễm

Y sĩ đoàn ở các nước châu Âu đã từ lâu khuyến cáo thầy thuốc đừng quá hào phóng với thuốc kháng sinh vì chỉ có 30% trường hợp viêm xoang phải cần đánh nhanh, đánh mạnh. Xứ mình bao giờ cũng có nhiều điểm hay không thì chưa biết nhưng khác người. Chỉ có 1% bệnh nhân trong mô hình thống kê đã nhận toa thuốc không có thuốc kháng sinh. Hơn 2/3 trong số đó thậm chí đã nếm qua hơn năm loại kháng sinh khác nhau trong thời gian điều trị tương đối ngắn ngày. 65% trong số đó đã bị điều trị liên tục bằng thuốc kháng sinh trong thời gian không dưới 15 tháng. Dữ kiện nổi bật ở điểm không có người bệnh nào đã được giải thích, dù chỉ tóm tắt về tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Chỉ 5% trong số 1.000 bệnh nhân đã được bổ sung men vi sinh đường ruột dưới hình thức khi có khi không trong suốt liệu trình, trong khi thầy thuốc nào tối thiểu cũng hiểu về tác dụng ngoài ý muốn của thuốc kháng sinh trên cộng đồng vi sinh tá túc trong khung ruột.

Không lửa khó có khói

Trong số đối tượng được khảo sát, chỉ tìm thấy trên toa thuốc của 3% bệnh nhân thuốc trợ sức kháng bệnh như các loại sinh tố, khoáng tố vi lượng dễ thất thoát khi dùng thuốc kháng sinh. Ngược lại, cơ thể của 80% người bệnh hầu như thường xuyên phải đối đầu với gánh nặng của hàng loạt dược phẩm kháng sinh, long đờm, giảm đau, chống dị ứng, chống xuất tiết..., nghĩa là các loại thuốc dễ làm lá gan, trái thận phải thấm mệt.

Trị bệnh khác xa chữa cháy cầm canh

Nói chi đến trường hợp thất bại, ngay cả trong nhóm may mắn có mấy người đã được hướng dẫn về các phương pháp hỗ trợ để một mặt duy trì tác dụng và mặt khác ngăn ngừa khả năng tái phát. Chẳng hạn, cách xông mũi và cổ họng bằng tinh dầu có tính kháng viêm, vệ sinh răng miệng bằng dược thảo hay đơn giản nhưng hữu hiệu hơn nữa là biện pháp ngâm chân trong nước nóng sau ngày dài làm việc trong không khí ẩm, trong phòng máy lạnh, trong môi trường ô nhiễm... Xét cho cùng, nếu không có phương án dự phòng thì mọi hình thức điều trị viêm xoang cho dù có hiệu quả trước mắt, sớm muộn cũng bằng… không!

Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp