Thực hư “tinh hoàn của bố tốt, của con sẽ tốt”?

Ngày 03/07/2017 08:13 AM (GMT+7)

Trên thực tế, nhiều người tin rằng tinh hoàn “của bố tốt, của con cũng tốt”.

Trẻ mắc tinh hoàn ẩn do bẩm sinh

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhiều bệnh nhân đến khám có dấu hiệu ẩn tinh hoàn, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Gần đây nhất có một trường hợp cháu bé 6 tuổi đến khám. Khi sinh ra bố mẹ thấy bé chỉ có một tinh hoàn bên phải. Người nhà nghĩ rằng đến lúc con lớn hơn tinh hoàn sẽ phát triển và tự xuống, nhưng mãi đến 5 tuổi vẫn chưa có đủ. Thậm chí bố cháu tin rằng con còn nhỏ không nên đụng dao kéo, “của bố tốt, của con cũng tốt”. Khi bé trai lên 6, mẹ cháu quá lo lắng nên tự đưa con đi kiểm tra.

Cháu bé được bác sĩ chẩn đoán bị tinh hoàn ẩn, tinh hoàn nằm trong ống bẹn và phải mổ để kéo xuống đồng thời tránh nguy cơ xoắn, chấn thương cũng như vô sinh.

Theo bác sĩ Lợi, tinh hoàn ẩn hay còn lạc chỗ là do bẩm sinh. Từ khi bé còn là bào thai, tinh hoàn hình thành tại hai bên chậu hông và trong quá trình phát triển theo ống bẹn tụt dần xuống bìu từ tuần thứ 29, 30 của thai kỳ. Nếu trẻ sinh ra tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng và không xuống được thì không có khả năng sinh tinh dù cho nó vẫn có khả năng chế tiết testosterol.

Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bé được 1 tuổi. Sau 1 tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi.

Theo bác sĩ Lợi, nhiều người sai lầm khi cho rằng tinh hoàn của bố bình thường thì tinh hoàn của trẻ cũng bình thường. Không những thế, nhiều người tin rằng tinh hoàn có thể di chuyển xuống bìu khi trưởng thành nên đã cố đợi. Tinh hoàn càng ẩn lâu trong bụng càng không tốt, có thể dẫn đến vô sinh, thậm chí là ung thư.

Các chuyên gia cho biết, tinh hoàn ẩn là sự bất thường khi tinh hoàn không nằm trong bìu và còn dừng lại trên đường di chuyển của thời kỳ phôi thai.

Thực hư “tinh hoàn của bố tốt, của con sẽ tốt”? - 1

Nếu trẻ nhỏ bị tinh hoàn ẩn nên được điều trị khi dưới 1 tuổi.

Biến chứng của tinh hoàn ẩn

Vô sinh

Nếu không được điều trị sớm, liên quan đến việc có mổ hay không mổ thì tỉ lệ không có tinh trùng là 20-25% nếu tinh hoàn ẩn một bên, 60-80% nếu tinh hoàn ẩn cả 2 bên. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh là do bị tổn thương các cấu trúc như đã nói ở trên.

Loạn sản

Nguy cơ ung thư ở tinh hoàn ẩn cao hơn rất nhiều so với tinh hoàn bình thường, do đó việc hạ tinh hoàn nhằm đưa nó trở về bình thường có tác dụng làm giảm nguy cơ này.

Ngoài ra, tinh hoàn ẩn có thể dẫn đến các biến chứng như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn.

Có 2 phương pháp điều trị chính đó là điều trị nội khoa (bằng thuốc nội tiết, cho kết quả 45% tinh hoàn ẩn ở ống bẹn xuống bìu, 20% tinh hoàn ẩn từ ổ bụng xuống được bìu).

Phương pháp thứ 2 là điều trị ngoại khoa được chỉ định sau khi thất bại bằng điều trị nội tiết như ở trên. Chỉ định mổ trước 2 tuổi là lý tưởng nhất, nếu tinh hoàn ẩn cả 2 bên thường mổ từng bên, cách nhau 6 tháng. Sự phục hồi của tinh hoàn sau mổ cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể đánh giá sơ bộ sự phát triển của tinh hoàn sau 2 năm mổ.

Kết quả thực sự còn phải chờ đợi thêm 20-30 năm sau, nếu xét nghiệm tinh trùng có đủ về số lượng và chất lượng thì coi như hữu hiệu.

Theo Diệu Thu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm tinh hoàn