Trẻ được bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng ở tai

Ngày 21/09/2016 09:08 AM (GMT+7)

Một nghiên cứu mới đây đã tìm thấy mối liên hệ giữa ảnh hưởng của sữa mẹ với nguy cơ nhiễm trùng ở tai của trẻ sơ sinh.

Phát hiện này vừa được một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Texas Medical Branch (UTMB) tại Galveston, Texas (Mỹ) công bố trên tạp chí Pediatrics. Theo đó, so với 20-30 năm trước, tỷ lệ nhiễm trùng tai ở trẻ em Mỹ đã giảm từ 18% xuống còn 6% trong độ tuổi 3 tháng tuổi; giảm từ 39% xuồng còn 23% trong độ tuổi 6 tháng tuổi; và giảm từ 62% xuống còn 46% trong độ tuổi 1 tuổi.

Qua nghiên cứu, họ đưa ra 3 yếu tố có thể đã góp phần đáng kể trong việc giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh là sử dụng vắc xin, tỷ lệ cho con bú cao hơn và tỷ lệ tiếp xúc với khói thuốc lá giảm.

Tại Mỹ, viêm tai giữa cấp tính (AOM), hoặc nhiễm trùng tai, là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các nhà nghiên cứu lưu ý bệnh nhiễm trùng tai cũng là nguyên nhân lớn nhất mà bác sĩ phải thường xuyên khám bệnh và cũng là lý do để bác sĩ phải thường xuyên kê toa thuốc có kháng sinh cho trẻ. Thậm chí nếu tình hình biến chuyển xấu, trẻ sẽ phải trải qua phẫu thuật.

Báo cáo cũng cho biết nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi cứ bị nhiễm trùng tai tái đi tái lại, thì sau này có thể bị những đợt nhiễm trùng tai thường xuyên hơn.

Trẻ được bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ nhiễm trùng ở tai - 1

Các nhà nghiên cứu cho rằng cảm lạnh thường xuyên, vi khuẩn có trong mũi và không được bú sữa mẹ là những nguyên nhân chính gây nhiễm trùng tai ở trẻ sơ sinh. (Ảnh từ medicalnewstoday.com)

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập thông tin từ 367 bé có độ tuổi dưới 1 tháng đến tròn 1 tuổi trong khoảng thời gian từ 2008-2014. Các bậc phụ huynh được yêu cầu thông báo ngay các dấu hiệu cho thấy con của họ bị nhiễm trùng tai hoặc mắc bệnh cảm lạnh thông thường (một bệnh do nhiễm trùng đường hô hấp trên - URI). Một bác sĩ do nhóm nghiên cứu chỉ định sẽ theo dõi kiểm tra bé trong vòng 5 ngày.

Các nhà nghiên cứu thường xuyên lấy mẫu dịch mũi và chất nhầy từ cổ họng trẻ sơ sinh bất cứ lúc nào chúng bị cảm lạnh. Họ phân tích các mẫu có sự hiện diện của vi khuẩn và virus. Họ cũng thu thập các thông tin về lịch sử gia đình của bé bị bệnh viêm tai như trẻ có tiếp xúc với khói thuốc lá hay trẻ có được mẹ cho bú sữa mẹ hay không.

Suốt thời gian này, các nhà nghiên cứu ghi nhận được 887 trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp trên (URI) ảnh hưởng đến nhiễm trùng tai ở 305 bé, và 180 trường hợp của viêm tai giữa cấp tính (AOM) ảnh hưởng đến nhiễm trùng tai ở 143 bé.

Thep nhà nghiên cứu Tasnee Chonmaitree, một giáo sư về Nhi khoa, các phân tích cho thấy khi bé bị cảm lạnh thường xuyên, có vi khuẩn trong mũi và không được bú sữa mẹ là những yếu tố nguy cơ chính gây nhiễm trùng tai. Bà lưu ý rằng việc kéo dài thời gian cho bé bú sữa mẹ có liên quan đến việc giảm đáng kể nhiễm trùng tai, vốn thường chuyển biến thành cảm lạnh ở trẻ.

Việc các bà mẹ cho bé bú sữa, sẽ giúp bé có kháng thể Immunoglobulin A (IgA), giúp bảo vệ các màng nhầy khỏi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, Giáo sư Chonmaitree cũng cho rằng: "Có khả năng là sự can thiệp y tế trong vài thập kỷ qua tốt hơn, chẳng hạn như việc sử dụng vắc xin phòng ngừa viêm phổi và cúm, hay giảm việc hút thuốc của người lớn cũng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai ở các bé."

Bà Chonmaitree cũng lưu ý rằng sự tương tác giữa vi khuẩn và virus đóng một vai trò quan trọng nhất định trong sự phát triển của bệnh nhiễm trùng tai nên cần được nghiên cứu thêm.

Theo Ngọc Trác
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Viêm tai giữa