Đẹp lắm - Kimono!

Ngày 15/11/2013 10:37 AM (GMT+7)

Những bộ Kimono phổ biến ngày nay tại Nhật Bản được ra đời vào triều đại Heian (năm 794 - năm 1192).

Bộ phim Nhật đầu tiên tôi được xem là Oshin.

Bộ Kimono đầu tiên tôi được biết đến là trang phục Oshin bé nhỏ vẫn mặc.

Oshin ám ảnh tuổi thơ tôi, còn Kimono ư? Nó là một trong những đam mê bất tận của tôi hiện tại. Tôi chỉ quan tâm Kimono dành cho phái nữ. Nếu được hỏi trang phục dân tộc nào tôi yêu thích nhất sau áo dài, câu trả lời chắc chắn sẽ là Kimono.

Hình ảnh Oshin lẻ loi trong tuyết lạnh mùa đông, bộ đồ Kimono bằng vải xanh kẻ nhỏ khẽ run rẩy, run rẩy... trở đi trở lại giữa những cơn mơ chập chờn về nước Nhật của tôi. Tôi ấn tượng với Oshin vì Kimono, hay Oshin làm tôi thích Kimono đến thế? Lẽ nào là cả hai chăng?

Yêu thích, nhưng vốn kiến thức của tôi về Kimono mong manh và mông lung lắm. Chỉ đến khi có anh kỹ sư người Nhật chuyển đến làm hàng xóm, tôi mới thực sự được hiểu rõ hơn. Anh bảo tôi "làm bạn nhé", tôi trả lời "Vâng". Anh hỏi "Em tên gì", tôi trả lời "Oshin Kimono".

Juzo (tên anh) thỉnh thoảng mời tôi và em trai tôi qua nhà anh uống trà. Chẳng phải trà đạo Nhật, là chè xanh Việt Nam thôi. Anh nói vị chan chát, đăng đắng của nó khiến anh dịu đi cơn đau đầu ngày lạnh. Lần nào uống trà, anh cũng đáp lại những thắc mắc về Kimono của tôi. Cũng may vốn tiếng Việt của anh rất khá, nên câu chuyện trôi đi trong sôi nổi mà chẳng cần màn "múa" phụ họa nào. "Bây giờ, không mặc Kimono hàng ngày đâu. Nhưng vẫn thích mặc Kinomo vào ngày lễ trong năm" - Anh bảo.

Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa luân hồi, theo lời Juzo, phụ nữ Nhật cũng tùy vào khí hậu để chọn sắc màu phù hợp cho Kimono. Ví như mùa xuân, các cô gái thích diện Kimono có hoa lá xanh, hồng tươi thể hiện sức sống căng tràn. Mùa đông họ chọn màu đỏ nhóm lên ngọn lửa ấm áp, mùa thu và mùa hạ cũng có hoa sắc riêng. Phái đẹp diện Kimono không thể thiếu phụ kiện như trâm cài tóc, dây nơ trang trí. "Nhiều người rực rỡ lắm" - Juzo khẽ nhăn mặt, anh thích vẻ đẹp nền nã dịu hiền với Kimono hơn.

Mọi người gọi tên chung cho trang phục truyền thống của Nhật Bản là Kimono, nhưng người Nhật lại gọi theo tên từng loại Kimono. Ví như phụ nữ có Homongi được trang trí bằng họa tiết khắp vải, Tsukesage lộng lẫy dành để mặc trong các buổi tiệc, tiệc trà, cắm hoa và đám cưới của bạn bè. "Kimono may bằng vải oshima-tsumugi loại vải được sản xuất trên đảo Amami-Oshima ở phía nam Kyushu thì tốt lắm, vì vải này bóng, khỏe, khó sờn rách" Juzo nói với tôi sau khi tham khảo ý kiến từ người bạn Nhật yêu thời trang.

Sau ba, bốn buổi trà, anh cười: "Không biết tường tận lịch sử, xin lỗi em". Tôi cũng cười , vì trong lúc chờ anh kể chuyện đã kịp tìm hiểu thêm về Kimono qua sách báo và internet. Lịch sử Kimono quả thực chẳng đơn giản, nó trải qua quá trình hoàn thiện mình theo thời gian và thấm đẫm giá trị nhân văn, giá trị thẩm mỹ của người Nhật! Tôi sẽ chẳng bao giờ hết yêu trang phục này!

Đẹp lắm - Kimono! - 1

Oshin trong bộ Kimono hoa.

Đẹp lắm - Kimono! - 2

Trang phục truyền thống của người Nhật Bản.

Đẹp lắm - Kimono! - 3

Kimono có gam màu trầm được phụ nữ trung tuổi yêu thích và lựa chọn.

Đẹp lắm - Kimono! - 4

Hình ảnh Geisha trong bộ Kimono đỏ nổi bật.

Đẹp lắm - Kimono! - 5

Diện Kimono dự lễ hội không thể thiếu trâm, hoa cài tóc.

Đẹp lắm - Kimono! - 6

Kimono luôn gợi vẻ duyên dáng, tĩnh tại của người phụ nữ.

Đẹp lắm - Kimono! - 7

Nhưng nhịp sống hiện đại cũng mang đến nét tươi mới, cá tính cho trang phục truyền thống Nhật Bản.

Ann - Ảnh T.H
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tìm hiểu lịch sử thời trang