Gần 800 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Ngày 11/04/2015 21:02 PM (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, khả năng tự học của học sinh; tăng cường tính tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy giáo, cô giáo.

 Gần 800 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa - 1

Từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ, rèn luyện, phát triển cả về phẩm chất và năng lực; chú trọng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, nhân cách, lối sống.

Phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và định hướng nghề nghiệp cho mỗi học sinh; tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng, phát huy thành quả khoa học công nghệ thế giới, nhất là công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin.

Chương trình mới, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên.

Đồng thời, chương trình mới, sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa.

Theo Quyết định phê duyệt, Đề án trên được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015-2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Theo đề án, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng, thử nghiệm chương trình; biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện), trong đó có SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học; biên soạn thử nghiệm SGK điện tử.

Thẩm định chương trình và thẩm định SGK; tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình mới, SGK mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, SGK mới.

Cung cấp SGK cho các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật.

Theo Dương Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot