Bí ẩn phi công tự tử

Ngày 06/04/2015 09:19 AM (GMT+7)

Đến thời điểm này vẫn chưa giải mã được động cơ tự tử của cơ phó chuyến bay 4U9525 - hãng hàng không Germanwings, dẫn đến thảm họa rơi máy bay ở Pháp ngày 24-3 làm 150 người chết

Ngay sau khi xảy ra thảm kịch hàng không, câu hỏi đầu tiên không phải là “tại sao” máy bay rơi. Người ta tò mò muốn biết hành khách có nghi ngờ gì không khi chiếc máy bay 4U9525 đột ngột hạ độ cao từ 11.600 m xuống 30 m trong vòng 8 phút với tốc độ 700 km/giờ. Lúc đó, họ làm gì? Hoảng hốt, la hét tuyệt vọng hay chắp tay cầu nguyện? Ngày 31-3, dường như đã có câu trả lời.

Video clip gây tranh cãi

Tuần báo Pháp Paris-Match và nhật báo Đức Bild dẫn nguồn tin thân cận đội điều tra tai nạn cho biết lực lượng chức năng tìm thấy tại hiện trường núi Alpes một thẻ nhớ điện thoại di động ghi hình cảnh nhốn nháo trong khoang hành khách những giây phút cuối cuộc hành trình đến cái chết. Video clip dài chừng 15 giây, quay từ cuối khoang, không thể thấy buồng lái.

Frédéric Helbert, phóng viên Paris-Match và Julian Reichelt, tổng biên tập tờBild, sau khi xem video clip mô tả giống nhau: cảnh tượng hết sức hỗn độn, hình ảnh bị nhòe nhưng nghe rõ tiếng la hét bằng nhiều thứ tiếng. Ngoài ra còn có tiếng kim loại vang lên ít nhất 3 lần. Tiếng kim loại có thể là tiếng búa mà cơ trưởng Patrick Sondenheimer dùng để phá cửa buồng lái vì cơ phó Lubitz đã khóa trái bên trong. Đoạn băng ghi âm trong chiếc hộp đen thứ nhất trùng khớp với chi tiết này.

Bí ẩn phi công tự tử - 1

Andreas Lubitz trong một cuộc thi chạy Nguồn: AP

Cả 2 nhà báo đều khẳng định đã kiểm tra rất kỹ và xác nhận video clip là “hàng thật”, chỉ có điều không biết do hành khách hay tiếp viên hàng không quay. Họ cũng quyết định không đăng video clip này vì quá khủng khiếp. Vấn đề trở nên bí ẩn hơn khi ông Brice Robin, trưởng cơ quan công tố thành phố Marseille phụ trách cuộc điều tra tai nạn, nghi ngờ nó không có thật bởi trong số 42 điện thoại di động tìm thấy tại hiện trường, không có video clip nào như vậy, vì đơn giản không có cái nào còn nguyên vẹn.

Trung tá Jean-Marc Menichini, sĩ quan cao cấp Pháp tham gia đội cứu hộ cứu nạn, cũng bác bỏ thông tin của 2 tờ báo trên. Ông phủ nhận: “Nguồn tin đó sai hoàn toàn, không bảo đảm sự thật. Không điều tra viên nào tìm thấy một chiếc thẻ nhớ như vậy”.

Hãng Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, ra thông cáo báo chí cho rằng chưa tiếp cận được video clip nên không thể chứng thực lời của 2 nhà báo nói trên đồng thời nghi ngờ video clip này không có thực. Theo Lufthansa, căn cứ vào thực tế hiện trường tai nạn của chiếc Airbus 320, khó có chiếc điện thoại hay thẻ nhớ nào còn nguyên vẹn.

Chưa rõ động cơ

Việc tìm thấy chiếc hộp đen thứ hai hôm 2-4 và kết quả phân tích dữ liệu khẳng định những điều nghi ngờ trước đây. Đó là cơ phó Andreas Lubitz cố tình cài thiết bị bay tự động cho máy bay đâm vào núi. Hàng loạt câu hỏi tiếp theo là tại sao viên phi công 27 tuổi này quyết định tự tử khiến 149 người chết theo? Vì sao một người từng mắc bệnh tâm thần có thể trở thành phi công? Động cơ thực sự để Lubitz trở thành một trong những kẻ giết người lạnh lùng?...

Hầu hết những vụ tai nạn máy bay đều do trục trặc máy móc hoặc lỗi con người như thao tác sai quy trình, quy định hoặc vô tình nhầm lẫn. Những lỗi này có thể được thân nhân các hành khách xấu số chấp nhận tương đối dễ dàng và nguôi ngoai theo thời gian. Thế nhưng trong trường hợp này thì sao?

Điều đáng nói là chuyện xảy ra rồi, người ta mới biết Lubitz từng mắc bệnh tâm thần và bị bác sĩ tuyên bố “không phù hợp với nghề lái máy bay”. Giấy bác sĩ này được tìm thấy trong thùng rác máy tính cá nhân của Lubitz tịch thu tại nhà đương sự ở Montabaur, Dusseldorf vào ngày 27-3. Lubitz giấu kết luận của bác sĩ này với lãnh đạo hãng hàng không Germanwings. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy kế hoạch tự tử hay thư tuyệt mạng nên không thể xác định động cơ thúc đẩy Lubitz tìm đến cái chết một cách cực đoan như vậy.

Ngày 2-4, các nhà điều tra đã phát hiện trong thời gian từ ngày 16 đến 23-3, Lubitz từng dùng máy tính bảng để tìm hiểu về cách thức tự tử và các quy định về an ninh cửa buồng lái máy bay. Tuy vậy, phát hiện này cũng không giải thích được động cơ dẫn đến hành động bất thường của cơ phó này. Ralf Herrenbrück, trưởng công tố viên thành phố Dusseldorf, xác nhận Lubitz đã có khuynh hướng tự tử vài năm trước và được chữa trị bằng liệu pháp tâm lý, nhờ vậy mới được cấp bằng lái máy bay. “Những lần khám bệnh gần đây cũng không xác định Lubitz có khuynh hướng muốn tự tử hay manh động với người khác” - ông nhấn mạnh thêm.

Sau khi rà soát tất cả dữ liệu thu thập được trong nhà Lubitz, các nhà điều tra khẳng định không có động cơ tôn giáo hay chính trị nào trong thảm kịch phi công tự tử này. Vậy do thất tình, bất mãn với công việc hay áp lực từ việc lo sợ bị phát hiện bệnh tình dẫn đến bị tước quyền bay? Các nhà điều tra vẫn còn bỏ ngỏ những câu hỏi này.

Tự tử vì muốn nổi tiếng thế giới?

Nhật báo Bild đã huy động 20 phóng viên điều tra vụ máy bay rơi, dẫn lời Maria W., bạn gái của Lubitz, kể lại việc cơ phó này từng nói với cô: “Một ngày nào đó, anh sẽ làm một chuyện thay đổi cả hệ thống hàng không dân dụng. Cả thế giới sẽ biết và nhớ đến tên anh”.

Maria W. năm nay 26 tuổi, từng là tiếp viên của hãng Germanwings. Cuộc tình của họ chỉ kéo dài 5 tháng khi họ làm chung với nhau. Sau khi Maria W. chuyển sang hãng khác thì họ chia tay. “Anh ấy luôn luôn bị ám ảnh về vấn đề sức khỏe. Anh ấy cũng biết vì chuyện này mà ước mơ thành phi công đường dài không thể trở thành hiện thực. Chúng tôi thường nói chuyện về công việc hằng ngày. Lúc đó, anh ấy than thở điều kiện làm việc làm anh dễ nổi nóng” - Maria W. nói trên nhật báo Bild.

Kỳ tới: Kỳ án chuyến bay 990 EgyptAir

Theo Nguyễn Cao
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot