Sự thật về huyền thoại "cô độc" của những nhà khoa học thiên tài

Ngày 10/12/2017 19:03 PM (GMT+7)

Một nhà khoa học thiên tài thường gắn liền với hình ảnh đơn độc? Không may, suy nghĩ này của hầu hết mọi người là sai lầm và có thể đem lại những nguy hiểm cho nền khoa học.

Bạn nghĩ gì khi nhắc đến một nhà khoa học: da trắng, đàn ông, mái tóc quái dị? Họ đang làm gì? Chắc chắn rằng hình ảnh hiện lên trong đầu bạn là một người đang ngồi trước một thiết bị trông khá kì quái và đang làm việc hăng say. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy những người đồng nghiệp ngồi xung quanh họ. Và sự thiếu sót này có thể trở nên nguy hiểm cho khoa học.

Trước tiên, hãy thử lý giải vì sao hình ảnh mà người ta hay gán cho một nhà khoa học đó là làm việc một mình? Trên thực tế, điều này tiệm cận với sự thật trong nhiều thế kỉ. Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng: nhiều bộ óc khoa học vĩ đại có xu hướng dành hầu hết thời gian nghiên cứu một mình; hoặc chỉ làm việc với một số ít sinh viên vừa tốt nghiệp.

Ví dụ, Isaac Newton - người đã tìm ra nhiều định luật vật lý cũng như những mô hình toán học còn được sử dụng cho đến ngày nay - nổi tiếng với việc thích làm việc một mình (mặc dù có lẽ nguyên nhân đến từ việc ông thường xem những đồng nghiệp của mình là kẻ thù). James Clerk Maxwell - cha đẻ của điện từ học cũng có xu hướng làm việc đơn độc.

Ngay cả Albert Einstein - người đưa ra lý thuyết tương đối rộng cũng chỉ cặm cụi một mình trong phòng thí nghiệm. Vì vậy, mô hình "thiên tài đơn độc" đã chứng minh được độ tin cậy của nó trong lịch sử, nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy!

Thực tế về những thiên tài khoa học

Newton coi thường những nhà khoa học đương thời và thường nghi ngờ rằng họ ăn cắp nghiên cứu của mình, nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với Gottfried Wilhelm Leibniz - người có công trong việc phát triển các phương pháp tính toán. Còn Maxwell thì nghiên cứu tại một số tổ chức uy tín và có nhiều trao đổi, thảo luận với những người xuất chúng. Thậm chí, đa số những khám phá đột phá của Einstein được tìm ra khi ông đang được bao quanh bởi nhiều người.

Sự thật về huyền thoại amp;#34;cô độcamp;#34; của những nhà khoa học thiên tài - 1

Huyền thoại về các nhà khoa học độc lập là sai lầm (Ảnh: The Conversation)

Vì vậy, nếu huyền thoại “thiên tài cô độc” có ít cơ sở thực tiễn, tại sao mọi người vẫn tin vào nó?

Khi nghĩ về những nhà khoa học, một sợi dây kết nối họ lại với nhau chính là: làm việc một mình. Thực tế, đây là đặc điểm nổi trội của những nhà khoa học thiên tài; nhưng chúng lại khác xa với cách mà khoa học đã phát triển qua nhiều thế kỉ nỗ lực để trở nên hoàn thiện. Khoa học không xảy ra một mình!

Toàn bộ triết học về nghiên cứu khoa học nói rằng: mọi ý tưởng phải được xác nhận và xem xét kỹ lưỡng bởi nhiều nhà khoa học. Quá trình này có thể tốn thời gian, và đôi khi khắc nghiệt, tuy nhiên nó không chỉ giúp cải thiện kết quả, mà còn là toàn bộ quá trình nghiên cứu. Bất cứ những công trình nghiên cứu nào nếu chịu sự chỉ trích của những nhà khoa học đồng nghiệp đều trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.

Mối nguy từ việc từ chối sự thật

Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao hình ảnh về một nhà khoa học xuất chúng thường làm việc đơn độc lại có thể gây nguy hiểm cho nền khoa học? Vấn đề sẽ phát sinh khi có một cuộc tranh luận về một chủ đề khoa học. Theo nguyên tắc bắt buộc thì tranh luận là một phần cần thiết và cần được khuyến khích của toàn bộ quá trình nghiên cứu khoa học.

Những cuộc tranh luận này xảy ra trước khi các ý tưởng đến được với đông đảo công chúng. Đôi khi những buổi thảo luận trở nên căng thẳng, nhưng những quan điểm khác nhau của các nhà khoa học luôn được lắng nghe với thái độ tôn trọng. 

Xã hội hiện đại cung cấp nền tảng để bất kì ai cũng có thể bình luận về một vấn đề - bất kể giáo dục, kinh nghiệm hay thậm chí kiến thức của họ về chủ đề đó như thế nào. Mặc dù, đây là một phương pháp tuyệt vời để phổ biến kiến ​​thức nhưng nó ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Đặc biệt, khi nhiều người vẫn tin về hình ảnh của một nhà khoa học xuất chúng đơn độc. Họ trông đợi một người có thể đứng lên phủ nhận tất cả những lý thuyết đến từ các viện hàn lâm khoa học.

Với suy nghĩ này, họ xem trọng ý kiến của một người đơn độc ngang bằng kết quả nghiên cứu của hàng chục hay thậm chí hàng trăm nhà khoa học - những người đã dành gần như cả cuộc đời để đảm bảo sự chính xác cho những nghiên cứu của mình. Cực đoan - đây chính là cách mà Internet đang vận hành, và những quan niệm sai lầm về khoa học có thể gây hại cho tất cả mọi người.

Đi tìm sự thật

Vậy chúng ta có thể làm gì? Mọi người ở trong tình huống này đều có trách nhiệm thay đổi. Các nhà khoa học có nghĩa vụ trình bày các kết quả của họ một cách rõ ràng nhất, không “đánh lừa” công chúng bằng những thuật ngữ, lý thuyết cao siêu. Đặc biệt trong một xã hội mà khoa học được cộng đồng tài trợ, các nhà nghiên cứu phải đảm bảo rằng mọi người có thể hiểu được các kết quả khoa học.

Mặt khác, công chúng phải xem xét kỹ lưỡng độ tin cậy của những ý kiến mà họ đọc được. Bằng cách này, các cuộc thảo luận có thể được diễn ra một cách êm đẹp và giúp cải thiện kết quả cuối cùng. Điều quan trọng là lan tỏa rộng rãi khoa học đến mọi người, để những nhận thức về “thiên tài đơn độc” không còn cơ sở tồn tại và gây hại cho các nghiên cứu khoa học.

Viên Lâm (Dịch từ The Conversation)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h