Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Ngày tết, đến nhà nào người ta cũng sợ

Ngày 02/01/2016 23:29 PM (GMT+7)

Trong màn đêm u tịch nơi thôn dã, anh Phùng Văn Tân tự hỏi: Tại sao mình phải làm cái nghề rùng rợn đến vậy? Đến cả ngày tết cũng chẳng dám đi đâu bởi đôi tay này quanh năm chỉ biết đụng đến xác chết…

Con khó lấy được vợ vì bố mẹ làm nghề “kỳ dị”

Ở huyện Hưng Hà (Thái Bình), chẳng ai lạ với ông Hoàng Văn Quý. Năm nay ông bước sang tuổi thất thập và cũng tròn 55 năm gắn bó với nghề bốc mộ. Từ bé đã mồ côi cha, ông Quý tha hương cầu thực tới tận Hải Phòng để làm thuê kiếm ăn qua ngày. Số phận run rủi, ông được một người đàn ông tốt bụng nhận làm con nuôi rồi truyền cho nghề bốc mộ.

Năm 15 tuổi, ông Quý bắt đầu theo cha nuôi làm nghề. Ông kể: “Lần đầu tiên nhìn thấy xương cốt người chết thì sợ lắm. Cầm trên tay chiếc đầu lâu mà rùng hết cả mình. Thế nhưng tôi cứ đi theo cái nghề chẳng giống ai này cho tới tận bây giờ”.

Sau nhiều năm vất vả, ông cũng xây cất được một ngôi nhà, cũng lấy vợ và sinh hạ được hai cậu con trai. Thời điểm ấy, ông toan bỏ nghề nhưng chẳng hiểu sao “cái nghiệp nó vận vào thân” khiến ông không dứt ra được.

Vậy là cứ độ cuối năm, ông lại tất tưởi đi khắp các xã bốc mộ thuê. Nhiều đêm lạnh giá, thấy chồng rét mướt mò mẫm ra nghĩa trang bốc mộ, bà Vũ Thị Huê, vợ ông không cầm được nước mắt. Thế là bà nảy sinh ra ý tưởng không kém phần kỳ dị: Theo chồng bốc mộ thuê.

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Ngày tết, đến nhà nào người ta cũng sợ - 1

Căn nhà mái lá ven sườn núi của bà Đỗ Thị Lan.

“Còn nhớ lần đầu tiên cùng ông ấy đi bốc mộ. Lúc nắp quan tài mở ra thì tôi giật bắn người, toàn thân nổi da gà. Sau nhiều bận thì bớt đi cái cảm giác rờn rợn ấy nhưng đến hôm sau vẫn không thể nuốt nổi cơm. Dần dần rồi cũng quen, hai vợ chồng cùng bắt tay vào làm. Cả nhà có mỗi cái nghề này mưu sinh, để ông ấy làm một mình độc hại mà vất vả nên chẳng đành”, bà Huê tâm sự.

Chỉ trong hai tháng cuối năm, vợ chồng bà Huê “sang cát” cho khoảng 80 trường hợp, có năm cao điểm lên đến 100. Nhiều đêm, hai vợ chồng ông bà “sang cát” 8 nhà liền. Từ chập tối đến sáng, chẳng có thời gian mà ngẩng mặt lên.

Thế nhưng, cũng vì cả hai vợ chồng ông làm cái nghề này mà không ít người luôn kỳ thị, xa lánh. Đến tuổi trưởng thành, hai cậu con trai ông gặp nhiều trái ngang, trắc trở trong đường tình duyên. Đi tán gái tận các xã bên mà chỉ cần nghe tiếng là con trai ông Quý - bà Huê bốc mộ là người ta đã không muốn gả con gái cho rồi.

Vượt qua những khó khăn, điều tiếng, gia đình ông Quý vẫn gắn bó với nghề. Thậm chí, ông còn truyền nghề cho hai cậu con trai vì lo rằng lỡ mình khuất đi sẽ không có ai nối nghiệp. Ông coi bốc mộ là nghề gia truyền của gia đình.

Ông luôn căn dặn các con rằng làm vì nghề nhưng cũng là làm phúc cho thiên hạ. Bởi nếu làm tốt, thì mình sẽ tạo phúc cho gia đình người ta, cũng là tích đức cho con cháu nhà mình. Chỉ cần để sót lại một chiếc xương, hay một chiếc răng cũng là mắc tội lớn với người đã khuất và người còn sống.

Bị chồng nghi ngoại tình vì đi bốc mộ đêm

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Ngày tết, đến nhà nào người ta cũng sợ - 2

Bà Đỗ Thị Lan chỉ mong bốc mộ tích phúc đức cho con gái lưu lạc có ngày trở về.

Duyên tình xô đẩy đưa ông Phạm Văn Ngoạn và bà Đỗ Thị Lan từ vùng quê chiêm trũng Hà Nam lên huyện Bảo Thắng, Lào Cai mưu sinh. Cuộc sống bắt đầu nơi vùng núi đá không hề giản đơn, họ làm đủ mọi thứ nghề, từ khai hoang đến trồng ngô khoai sắn, chặt nứa, bóc măng thuê... mà vẫn túng quẫn. Thêm 6 mụn con nhỏ khiến cuộc sống của gia đình họ luôn luẩn quẩn như “con kiến leo cành đa”.

Làm đủ nghề mà vẫn không đủ ăn nên bà Lan giấu chồng đi làm nghề bốc mộ thuê cho các xã bên cạnh. Bà tâm sự: “Lúc ấy, nghe mọi người bảo bốc mộ thuê cho một nhà cũng được độ chục cân gạo nên tôi xin làm. Ngày đó, cứ có tiền nuôi các con ăn học là mình liều dẫu biết nghề này nó độc hại lắm”.

Thỉnh thoảng thấy vợ có tiền đong gạo, ông Ngoạn nghi ngờ vợ “thất tiết” nên hay chì chiết bóng gió. Một hôm, nửa đêm thấy bà Lan còn lén lút ra khỏi nhà, ông Ngoạn liền thức dậy theo dõi. Lúc vợ đến khu nghĩa địa nên ông càng sinh nghi, quyết bắt quả tang cho ra nhẽ.

Một hồi sau, ông Ngoạn ập đến. Trước mắt, không phải là một đôi nam nữ đang tơ tình mà là người vợ đang khom lưng “rửa xương” cho người đã khuất. Cả hai rơm rớm nước mắt, chỉ có những người đứng quanh đó là không hiểu.

Từ ấy, hai vợ chồng họ chung “chiến tuyến”, cùng nhau làm nghề bốc mộ nuôi sáu người con. Được khoảng chục năm thì ông Ngoạn qua đời. Đến nay, đã bước sang tuổi 83 nhưng bà Lan vẫn không bỏ nghề. Bà tâm niệm: “Làm nghề bốc mộ cũng là làm phúc, sang cát rửa xương cho người đã khuất là một sứ mệnh mà đã được chọn thì không dứt ra được”.

Hơn 80 năm làm người, 30 năm bốc mộ khắp tứ phương đã luyện cho bà Lan một bản lĩnh thép. Nhưng nhiều đêm bà vẫn khóc một mình vì thương nhớ đứa con út. “Cái Ngọc là con gái út của tôi. Nó xinh lắm, lại hiền nữa. Năm 18 tuổi chẳng hiểu sao nó mất tích, có người bảo nó bị kẻ xấu bắt cóc bán sang Trung Quốc. Không biết giờ nó sống hay chết… Cháu đi nhiều, có biết tin nó thì báo cho bà với”, nói rồi bà Lan lấy vạt áo lau nước mắt.

Người đàn bà can trường, sôi nổi và vui vẻ vậy mà khi động đến nỗi buồn thì như dao khía vào tim. Nhìn đôi mắt đỏ hoe của bà mà chúng tôi chực khóc. Im lặng một hồi, bà bảo: “Mấy năm trước bà có vào Nam thăm các con. Chúng bảo má ở lại đây luôn nhưng tôi phải về “rửa xương” cho hàng xóm và chờ cái Ngọc”.

Bây giờ thì bà Lan làm nghề “rửa xương” không phải vì mưu sinh nữa. Ai gọi thì bà làm, có khi người ta biếu con gà, nải chuối hay cân gạo. Có thứ bà nhận, có thứ thì kiên quyết không lấy. Với bà, làm công việc này cẩn thận, chu đáo thì sẽ có phúc, có phần cho con cái. Chừng nào còn bốc mộ được, chừng ấy bà còn sức chờ đợi đứa con biệt tích.

20 năm không dám đưa vợ đi chơi

Chuyện ly kỳ mùa cải táng: Ngày tết, đến nhà nào người ta cũng sợ - 3

Anh Phùng Văn Tân tâm sự: “Những người làm nghề bốc mộ như chúng tôi ngày Tết chẳng dám đi đâu”. Ảnh Cao Tuân

Trong màn đêm u tịch nơi thôn dã, anh Phùng Văn Tân (47 tuổi) ở huyện Tân Sơn - Phú Thọ thủ thỉ kể cho chúng tôi nghe về những “kỷ niệm” của mình với nghề. Bất chợt anh tự hỏi mình, tại sao phải làm cái nghề rùng rợn đến vậy?. Và cho đến hôm nay, mặc dù đã theo nghề tới hơn hai chục năm, anh vẫn không tìm ra câu trả lời.

“Làm cái nghề này nhiều khi đi chơi xa hay gặp họ hàng đều không dám nói. Họ mà biết sẽ tránh xa, có khi còn không cho vào nhà vì sợ đen đủi” - anh Tân tâm sự.

Còn nhớ, những năm đầu thập niên 1990, khi mới bắt tay vào nghề, mỗi lần đi bốc mộ anh Tân phải uống một chút rượu, phần để tránh sự lạnh lẽo, phần để lấy tinh thần. Tiếng là có vợ nhưng hai chục năm nay anh chưa đưa vợ đi đâu ra khỏi làng. Anh sợ vợ ngại, sợ mọi người lời qua tiếng lại. Có lần về thăm nhà ngoại, cha vợ gọi anh ra khuyên răn rằng có tuổi nên nghỉ việc, trồng rau nuôi lợn gà cho cuộc sống bình yên nhưng anh không chịu.

Còn các con anh dù không nói ra nhưng chẳng đứa nào muốn bố mình làm nghề này nữa. Với đặc thù công việc vất vả, các anh phải mò mẫm ở nghĩa địa suốt đêm. Công việc nặng nhọc, âm khí độc hại ám ảnh khiến anh mắc bệnh nghề nghiệp như: chóng mặt, đau đầu, đau lưng, mất ngủ… Những lần anh ốm, vợ con anh lại phàn nàn, khuyên anh bỏ nghề thế nhưng anh nhất quyết không.

Buồn nhất là những ngày Tết đến, anh cứ lủi thủi ở nhà một mình. “Ở quê người ta coi nặng vấn đề tâm linh lắm. Họ biết mình làm nghề bốc mộ, quanh năm sờ xác chết nên họ sợ đen đủi. Nói chung, 3 ngày Tết là mình ở nhà xem ti vi. Dấn thân làm cái nghề này nên phải chấp nhận chứ cũng chẳng oán trách ai”, anh tự động viên mình nhưng không giấu được nét buồn trên khuôn mặt.

Quả thật, những người làm nghề bốc mộ họ hoàn toàn có thể kiếm cho mình một công việc khác, thậm chí có thu nhập cao hơn. Thế nhưng họ vẫn lặng lẽ làm và tự động viên nhau rằng: “Đây là công việc làm phúc, công việc để lại phúc đức cho thế hệ sau”.  

                            

Theo C.Tuân – N.Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot