Ly kỳ truy bắt nghi can bắn người TQ tại Đà Nẵng

Ngày 17/01/2016 15:22 PM (GMT+7)

Lần đầu tiên tại Đà Nẵng xảy ra vụ giết người trong đó cả hung thủ và nạn nhân đều là người nước ngoài.

Lần đầu tiên tại Đà Nẵng xảy ra vụ giết người trong đó cả hung thủ và nạn nhân đều là người nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ sau 31 ngày nỗ lực điều tra, Công an TP Đà Nẵng đã phá án thành công.

Án mạng giữa phố

Khoảng 8h sáng 26/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng nhận được thông tin về một vụ bắn người vừa xảy ra trước số nhà K184/22 Nguyễn Duy Hiệu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Nạn nhân là một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc tên Li Mu Zi (SN 1984, tên thường gọi là A Lý). Lực lượng chức năng lập tức phối hợp với công an địa phương phong tỏa hiện trường, lấy lời khai nhân chứng. A Lý sau đó đã tử vong tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Theo điều tra, A Lý nhập cảnh vào Việt Nam năm 2008 và hợp tác làm ăn với các hãng lữ hành khu vực miền Trung. Đầu năm 2012, anh kết hôn với chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SN 1991, trú đường Nguyễn Duy Hiệu) và chuyển đến ở tại nhà vợ. Đến thời điểm bị bắn, A Lý đã đăng ký tạm trú 12 lần tại Công an phường An Hải Đông.

Ly kỳ truy bắt nghi can bắn người TQ tại Đà Nẵng - 1

  A Lảng tại cơ quan công an Đà Nẵng.

Ban chuyên án 038G được thành lập dưới sự chỉ huy của Đại tá Trần Mưu, PGĐ Công an TP Đà Nẵng. Nổi lên trong các đối tượng tình nghi là Xu Xian De (tức A Đức, quốc tịch Trung Quốc). A Đức hợp tác với A Lý kinh doanh sim card điện thoại cho khách du lịch Trung Quốc đến Đà Nẵng. Chiều 26/11, A Đức đột ngột cùng vợ con bay ra Hà Nội.

Ngay trong đêm 26/11, một đội trinh sát đã có mặt tại Hà Nội lấy lời khai của A Đức với thông tin giá trị như: “Sợ bị bắn giống A Lý nên mới chạy trốn”. A Lý khai, trong lúc kinh doanh sim card trên trang mạng TAOBAO, bộ đôi này nảy sinh mâu thuẫn với A Lảng (Feng Long Chun, SN 1988, đồng hương với nạn nhân). Chính A Lý là người trình báo với cơ quan chức năng Trung Quốc về các sai phạm trong kinh doanh của A Lảng, dẫn đến trang mua bán của A Lảng bị triệt xóa.

Tổng hợp các thông tin liên quan như chiếc xe máy được phát hiện do hung thủ bỏ lại trên đường Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng); hình ảnh trích xuất từ camera tiệm cầm đồ tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho thấy A Lảng chính là người mua chiếc xe với giá 5 triệu vào sáng 25/11 rồi chạy ra Đà Nẵng chuẩn bị gây án. Ba tổ trinh sát nhanh chóng được thành lập.

Một tổ ra các tỉnh phía Bắc tìm người phụ nữ tên Vũ Thị Thu Hiền, người được cho là vợ của A Lảng, từng sống tại Hà Nội. Tổ thứ 2 rà soát tất cả các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng để tìm hiểu những ngày trước và sau khi án mạng xảy ra, A Lảng có xuất hiện tại Đà Nẵng hay không. Tổ còn lại nhận nhiệm vụ xác minh các mối quan hệ của A Lảng tại Việt Nam.

Lúc kiểm tra nơi ở của chị Hiền tại Hà Nội, chị đang ở cùng mẹ già ngoài 80 tuổi và đứa con gái mới sinh được gần 1 tháng. Chị Hiền cho biết, chị gặp A Lảng vào năm 2012 khi cùng công tác tại công trình xây dựng ở Trung Hòa (Hà Nội). Tháng 8/2013, hai người kết hôn và chuyển về Trung Quốc sinh sống. Đầu năm 2015, Hiền trở về Hà Nội chuẩn bị sinh con đầu lòng. Từ đó, hai vợ chồng chỉ liên lạc qua mạng xã hội. Chị Hiền thừa nhận A Lảng có kinh doanh sim card trên trang mạng TAOBAO đúng như những gì A Đức nói. Kết quả giám định mẫu ADN hung thủ để lại hiện trường trùng khớp với ADN của con gái chị Hiền. Đến đây, các trinh sát càng thêm cơ sở khẳng định chính A Lảng là kẻ thủ ác bắn chết A Lý.

Những tin nhắn thức tỉnh kẻ giết người

Nhận định đã đủ cơ sở khởi tố bị can, Ban chuyên án phát lệnh truy nã toàn quốc đối với A Lảng về hành vi “Giết người”. Đại tá Trần Mưu cho biết, ông đã liên hệ với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an phối hợp truy bắt hung thủ. Phương án vận động đầu thú cũng được Bộ Công an tính đến.

Ly kỳ truy bắt nghi can bắn người TQ tại Đà Nẵng - 2

  Hiện trường vụ án sáng 26/11/2015.

Đại úy Nguyễn Toàn Thắng, Đội phó Đội trọng án, Công an Đà Nẵng cho biết, anh thường xuyên nhắn tin với A Lảng trên mạng Wechat theo tài khoản chị Hiền cung cấp. Anh Thắng dùng mọi lời lẽ thuyết phục A Lảng ra đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật và có cơ hội gặp lại vợ con. Nhận thấy A Lảng có dấu hiệu hối cải, Đại tá Trần Mưu chỉ đạo phải nói chuyện khôn khéo với đối tượng. Bằng mọi lời lẽ phải cho hung thủ nhận thức được việc trốn chạy chỉ khiến cho tương lai sau này mù mịt hơn. Cùng thời điểm, chị Hiền cũng liên tục động viên chồng ra đầu thú để “cha con còn có cơ hội gặp nhau”.

Quá trình truy bắt A Lảng được cho là chưa từng có tiền lệ. Đối tượng gây án chủ động thực hiện “4 không”: Không nhập cảnh bằng đường chính ngạch, không giao tiếp với người thân, không thuê chỗ lưu trú, không xuất hiện nơi đông người.

Thức tỉnh sau những lời nói thân tình từ chị Hiền và các trinh sát, ngày 27/12, A Lảng đồng ý ra đầu thú tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) nhưng phải gặp riêng người Đại úy thường nhắn tin với mình. Đại úy Thắng kể lại, 19h ngày 27/12, anh một mình đến quán cafe gần cửa khẩu Mộc Bài. Nhận ra anh Thắng đi một mình không mang súng, A Lảng nở nụ cười và nói: “Anh còng tay em lại đi”. Anh trả lời rằng: “Không cần còng tay đâu. Tôi đến đây để giúp anh hướng thiện và làm đúng như những gì chúng ta đã trao đổi qua điện thoại”.

Trên ô tô về Đà Nẵng, A Lảng tỏ ra bình tĩnh, trò chuyện thân tình với mọi người. A Lảng kể, những ngày lẩn trốn bên kia biên giới Campuchia, y hầu như mất ăn mất ngủ. Rồi A Lảng e dè nói ra nguyện vọng được ăn hải sản thỏa thích trước khi chính thức bị tạm giam. Tổ trinh sát vui vẻ đồng ý và đưa A Lảng đi ăn hải sản trước khi chính thức bàn giao nghi can cho Ban chuyên án. Trong bản cung đầu tiên khai nhận với Phòng Cảnh sát hình sự, A Lảng thừa nhận toàn bộ hành vi giết người cùng quá trình 31 ngày lẩn trốn của mình.

Theo Tấn Việt
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hành trình phá án