Ba đứa trẻ côi cút vì cha mẹ bị hàng xóm sát hại

Ngày 07/03/2014 08:32 AM (GMT+7)

Có thể mức án tử đã đủ thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, mạng sống của gã liệu có bù đắp được những nỗi đau mà ba đứa trẻ chưa đến 10 tuổi con của nạn nhân phải nhận? "Gã chết rồi tâm hồn có được siêu thoát?”.

Đoạt mạng vợ lẫn vợ chồng hàng xóm

Ngày 6/3/2014, TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa sơ thẩm lưu động tại UBND xã Nam Dong, huyện Cư Jút xét xử Hoàng Văn Bích (SN 1966, trú tại thôn quyết tâm, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) về tội giết người. Đây là một vụ trọng án gây rúng động thành phố núi trong khoảng thời gian dài, khi biết phiên tòa diễn ra, hàng nghìn người dân đã đến chỉ với mục đích duy nhất là tận tường xem mặt và biết được cái kết nào sẽ dành cho hung thủ.

Đứng trước vành móng ngựa, Bích không chút sợ sệt, đôi mắt lạnh tanh, giọng đều đều kể về tội ác của mình. Chiều 20/8/2013, gia đình Bích cúng rằm tháng 7 và mời một số người bạn đến nhậu. Khi đã hơi chếnh choáng, Bích chở vợ là chị Hoàng Thị Na (SN 1966) vào canh rẫy ngô ở khu vực Ba Tầng, xã Ea Pô, huyện Cư Jút. Tại đây, Bích gọi thêm hai người bạn là Riêu Văn Hướng (SN 1968) và Phạm Quốc So (SN 1960) để nhậu tiếp.

Ba đứa trẻ côi cút vì cha mẹ bị hàng xóm sát hại - 1

Bích đứng trước vành móng ngựa

Được một lúc, chuông điện thoại của chị Na reo nhưng không bắt máy. Nghe tiếng chuông điện thoại, Bích nhìn vào thì thấy đây là số lạ. Gã khó chịu hỏi: “Sao cứ mỗi lần điện thoại lạ gọi đến là mày không bắt máy”. Chị Na đáp khẽ: “Số điện thoại của con đó, đừng có nghĩ lung tung”.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian dài, gã đã nghi ngờ vợ ngoại tình nên khi có cuộc điện thoại này gọi tới lại càng khiến cơn ghen tuông bùng cháy. Gã đứng dậy, giật chiếc điện thoại ném xuống đất và đuổi đánh. Bỏ mặc lời cầu xin của vợ, gã vẫn tiếp tục đấm, đá không chút tiếc thương.

Cùng lúc, thấy bạn nhậu quá say, có nhiều hành động thiếu chuẩn mực nên anh So và anh Hướng xông vào can ngăn. Trong lúc xô xát, gã đánh khiến anh So bị trọng thương. Vẫn chưa thấy hả cơn giận, gã lấy con dao để trong tầm tay đuổi theo đâm vào ngực một nhát khiến chị Na ngã quị. Mặc dù thấy máu đang chảy dài trên thân thể người phụ nữ từng đầu ắp tay gối nhưng gã vô tình bỏ đi không một lần ngoảnh lại.

Trên đường, Bích nhớ lại cách đó không lâu, một lần đến nhà anh Đàm Văn Song (SN 1968) và đã sàm sỡ vợ người này là chị Trương Thị Bằng (SN 1969) nhưng bị chống cự. Sau đó, giữa anh Song và gã thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Cứ sau mỗi lần nhậu say, gã lại sang nhà anh Song tìm cách gây sự. Điều hiển nhiên, anh Song đuổi đánh gã ra khỏi nhà mình.

Đỉnh điểm, một lần, vì quá tức giận, anh Song dùng gậy đánh khiến Bích trọng thương và báo việc gã thường xuyên đến nhà quậy phá lên công an xã. Sau khi nhận được thông tin, công an xã Ea Pô nhiều lần mời gã lên cơ quan làm việc và bắt buộc viết bản cam kết không tái phạm việc đến nhà anh Song gây sự. Tuy nhiên, gã vẫn không một chút thay đổi, cứ hễ rượu vào là lại tìm đến nhà của anh Song. Cũng từ điều này, gã nuôi hận trong lòng.

Ngay sau khi đâm vợ, Bích cầm dao băng qua rẫy ngô đến nhà đâm cả anh Song lẫn chị Bằng. Khi thực hiện xong tội ác, gã bỏ vào rẫy ngô bỏ trốn. Đến khuya cùng ngày, gã nghe thông tin cả ba người mình đâm đã tử vong nên lẻn vào nhà hàng xóm trộm một chai thuốc độc uống tự tử. Khi thuốc chưa kịp ngấm, người dân phát hiện và đưa gã đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó, gã được cứu sống.

Tận cùng bi kịch

Trong quá trình tìm hiểu về vụ án, chúng tôi được biết, trước đây, Bích đã bị tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Đà Nẵng tuyên phạt chung thân cùng về hai tội giết người và cố ý gây thương tích. Trong quá trình thụ án, gã tỏ ra ăn năn hối hận nên được đặc xá sớm hơn thời hạn. Đầu tháng 12/2012, gã bước ra khỏi trại giam. Đáng nhẽ, tháng ngày dài đằng đẵng trong tù sẽ khiến gã tỉnh ngộ. Tuy nhiên, gã vẫn giữ nguyên sự ngang ngược, thái độ bất cần đời và chôn vùi cuộc sống vào rượu chè.

Ba đứa trẻ côi cút vì cha mẹ bị hàng xóm sát hại - 2

Mẹ anh Song cùng ba đứa cháu

Lẩn khuất trong đám đông, mẹ ruột của anh Song mặc bộ áo quần đã bạc màu với khuôn mặt khắc khổ, nhiều nếp nhăn, nghẹn đắng khi có người hỏi đến con trai. Bà cho biết, cả anh Song lẫn chị Bằng đều có hoàn cảnh khá bi đát. Trước đây, hai người đều có gia đình riêng, con riêng. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên hôn nhân cả hai đều đỗ vỡ. Tất cả con riêng của hai người đã lớn nên chuyển ra sống riêng.

Hai mảnh đời bi kịch gặp nhau ở sự đau khổ quyết định xây tổ ấm. Sau 7 năm chung sống, họ sinh được ba người con, trong đó, cậu con lớn chỉ mới 7 tuổi và bé út chỉ mới 4 tuổi. Trước đây, 5 con người sống dựa vào mấy sào ngô nên luôn thiếu trước, hụt sau. Lắm khi, vợ chồng anh Song phải nhịn, chỉ ăn rau để ba con có cái để đổ đầy bụng. Bà lão cho hay, trước khi vụ án xảy ra một tuần, do gia đình cạn kiệt, chị Bằng đành cầm sổ hộ khẩu ra tiệm tạp hóa gần nhà xin “cầm” để lấy 300 nghìn đồng về mua thức ăn.

Khi vợ chồng anh Song qua đời, cả gia đình trở nên tan nát. Thấy hoàn cảnh quá khó khăn, người dân cùng chính quyền xã quyên góp gạo, tiền để làm tang ma. Từ ngày xảy ra mọi chuyện đến nay, ba đứa con của hai nạn nhân sống dựa vào từ tâm của mọi người. Đưa cánh tay đầy vết nhăn nhúm quyệt vội dòng nước mắt, bà lão nghẹn đắng: “Tôi không biết phải làm gì với ba đứa cháu này nữa. Tôi đã đến tuổi gần đất xa trời. Tôi chỉ lo, khi mình nằm xuống, chẳng ai chăm lo cho các cháu?”.

Lời bà lão vừa dứt cũng là lúc chuông báo hiệu hết giờ nghị án. HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ, thuộc khung hình phạt tăng nặng vì sát hại nhiều người, tái phạm đặc biệt nguy hiểm. Mặc dù bị cáo thành khẩn khai báo nhưng không còn khả năng cải tạo nên tòa tuyên án tử hình.

Có thể mức án trên đã đủ thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, mạng sống của gã liệu có bù đắp được những nỗi đau mà ba đứa trẻ chưa đến 10 tuổi con của nạn nhân phải nhận? Gã chết rồi tâm hồn có được siêu thoát?”.

Nam Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Án mạng kinh hoàng