Bác sĩ “nín thở” chăm sóc sản phụ sinh bốn

Ngày 29/11/2014 11:03 AM (GMT+7)

Khác với nhiều sản phụ, chị Hoa từng mổ lấy thai một lần nên trong suốt thời gian mang thai nguy cơ vỡ tử cung rất lớn.

Bác sĩ cũng sợ

PGS, TS Trần Danh Cường – Phó giám đốc, Trưởng khoa Sản 1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chưa hết hồi hộp sau ca sinh 4 ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 27/11 vừa qua.

Chị Vũ Thị Phương Hoa, 30 tuổi mang thai lần thứ 2 bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Bác sĩ Cường cho biết chị Hoa vào viện theo dõi khi thai được 24 tuần tuổi. Chị Hoa được Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện trực tiếp khám thai và tư vấn. Sau đó, bác sĩ Quyết đề nghị chị Hoa nhập viện vào khoa Sản 1 (khoa sản Bệnh lý) để bác sĩ theo dõi.

PGS Cường kể “Khi chị Hoa nhập viện và được bác sĩ Quyết “trao tay”, tôi sợ vô cùng. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn thấy run sợ. Hơn mười tuần chăm sóc sản phụ, có những giậy phút bác sĩ ghẹt thở. 

Sản phụ mang thai bốn trên tiền sử đã từng mổ lấy thai, có sẹo ở tử cung nên nguy cơ vỡ tử cung rất lớn. Nếu theo dõi không tốt, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến nguy kịch cho cả mẹ và con. 

Trường hợp mang đa thai vốn nguy hiểm nhưng lại đa thai trên nền bệnh cảnh có sẹo tử cung càng nguy hiểm hơn. Vết sẹo vỡ bất cứ lúc nào nếu không theo dõi sát diễn biến thai kỳ”.

Suốt thời gian chị Hoa ở viện, bác sĩ Cường ngày nào cũng thăm khám, kiểm tra cơn co tử cung, một tuần siêu âm một lần. Chị Hoa được theo dõi rất kỹ. Những đêm không trực ở bệnh viện, bác sĩ Cường lại dặn dò bác sĩ trực phải đặc biệt chú ý theo dõi sản phụ này.

“Tôi phải hướng dẫn bác sĩ khám cho sản phụ thì có thể phải khám ngay tại giường, nếu đưa về bàn khám phải cho bệnh nhân dùng ghế đẩy. Tôi phải dặn từ việc chuyển tư thế. Sản phụ chỉ nằm nghiêng nên khi lật cũng phải từ từ và đúng kỹ thuật để tránh thai nhi chèn vào tuần hoàn. 

Bác sĩ “nín thở” chăm sóc sản phụ sinh bốn - 1

PGS, TS Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương người bác sĩ theo sát chị Hoa trong quá trình thai kỳ.

Nếu để sản phụ nằm ngửa tuần hoàn bị chèn sản phụ có thể ngất xỉu, thai nhi thiếu ô xy. Tôi dặn tất cả người nhà. Riêng chị Hoa, khoa tôi ưu tiên không phải nằm ghép 2,3 sản phụ một giường”.

Những ngày mang thai ở tuần thứ 30, bác sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng vì sản phụ có thể sinh non bất cứ lúc nào. Bắt đầu của ngày làm việc, PGS Cường lại đến giường bệnh của sản phụ để hỏi kỹ từ việc có ra máu, dịch âm đạo hay bất cứ khác thường gì không. Chị Hoa được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc chống dọa đẻ non. Đến khi sản phụ được 33, chị Hoa bắt đầu xuất hiện cơn co tử cung. 

Ca phẫu thuật đặc biệt

PGS Cường cho biết khi có chẩn đoán chị Hoa xuất hiện cơn co tử cung, các bác sĩ hội chẩn quyết định mổ lấy thai. Ngay sau đó, các bác sĩ phải chẩn bị về cơ sở vật chất vì sản phụ mang thai bốn. Các điều dưỡng khoa đẻ phải xếp 4 xe để đón trẻ sơ sinh. Khoa sơ sinh phải chuẩn bị giường đã hỗ trợ trẻ khi các cháu chào đời.

Chẩn đoán bệnh nhân có sẹo tử cung, các bệnh lý khác nên bác sĩ đã chuẩn bị thuốc giúp tử cung co bóp tốt để tránh hiện tượng đờ tử cung. Mọi mặt về vật chất và chuyên môn đều chuẩn bị sẵn sàng đón các cháu chào đời. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khoa đã mang lại thành công cho ca mổ sinh.

Khi mổ, bụng chị Hoa quá lớn, lên đến hơn chục kg, gấp đôi những sản phụ mang thai to bình thường nên các bác sĩ gây mê thực hiện chuyên môn cũng rất khó khăn. Khi sản phụ được gây mê xong, các bác sĩ mới lật cho sản phụ nằm ngửa để mổ lấy thai. 

PGS Cường cho biết “đây là trường hợp sinh bốn đầu tiên mẹ tròn con vuông mà tôi từng gặp. Cảm giác mổ lấy ra liên tục được bốn đứa bé, đứa nào cũng khóc rất tốt, khóc to và nặng cân so với tuần tuổi, các bác sĩ vui mừng không tả nổi. Niềm vui này là niềm vui chung của toàn ngành chúng tôi, biết bao nhiêu bác sĩ, bệnh viện cùng góp nên thành công này. Ai chứng kiến cảnh này đều thấy hạnh phúc”.

Nhiều năm gắn bó với Bệnh viện Phụ sản Trung ương đây là ca đầu tiên sinh 4 bác sĩ Cường gặp. Năm 2002 có một ca mang thai bốn nhưng đến khi thai được 24 tuần đã bị sảy.  

Nói về sản phụ Hoa, bác sĩ Cường thốt lên “Đây là bệnh nhân phải nói là “ngoan” mới đúng. Trong suốt thời gian ở viện theo dõi, sản phụ và gia đình bình tĩnh vô cùng. Tâm lý của họ rất tốt. Nhiều sản phụ như thế họ sẽ lo lắng, làm rối rít thêm khiến bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sai nhưng vợ chồng chị Hoa lại có tâm lý vững vàng. 

Họ giúp các bác sĩ đưa ra các biện pháp can thiệp phù hợp. Tôi là bác sĩ, tôi còn lo sợ, đôi lúc hồi hộp thót tim chứ vợ chồng của sản phụ họ lại có tâm lý tuyệt vời”.

Theo Khánh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu