Bệnh viện quá tải vì bệnh nhân vượt tuyến

Ngày 21/10/2015 15:04 PM (GMT+7)

Mỗi năm, ngành y tế TP HCM khám và điều trị cho gần 40 triệu lượt bệnh nhân, trong số này có 40%-65% từ các tỉnh đến

Những bệnh viện (BV) đã và đang được coi là “điểm nóng” của tình trạng quá tải hiện nay phải kể đến Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhi Đồng 1, Ung bướu.

Dịch chồng dịch, bệnh viện nhi căng thẳng

Giữa tháng 10 này, các BV nhi tại TP HCM căng mình tiếp nhận lượng bệnh nhân dồn dập chuyển đến, trong đó phân nửa là từ các địa phương khác. Nhiều dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết, khiến các BV nhi oằn mình với số ca bệnh đông kỷ lục.

Tại BV Nhi Đồng 1, dọc theo hành lang các phòng bệnh là cảnh trẻ nhỏ, người lớn nằm ngồi vật vạ. Trên các giường bệnh là những đứa trẻ nằm ghép đôi, ghép ba. Bệnh nhi đông đến nỗi bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Đồng 1, phải thốt lên: “Mười mấy năm qua, chưa bao giờ BV phải tiếp nhận lượng bệnh nhi nhiều như vậy!”.

Theo bác sĩ Minh, nếu đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày khoảng 2.500 bệnh nhi đến khám thì nay đã tăng lên 6.500. Đã vậy, trung bình mỗi ngày còn có 2.100 bệnh nhi phải nhập viện điều trị. Với 1.400 giường hiện có, BV Nhi Đồng 1 buộc phải tận dụng thêm không gian tạm, kê thêm giường, thêm băng ca…

Bệnh viện quá tải vì bệnh nhân vượt tuyến - 1

Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) lúc nào cũng trong tình trạng quá tải

Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, tình trạng cũng không khá hơn khi trung bình mỗi ngày có trên 7.000 bệnh nhi đến khám và hơn 2.000 trẻ điều trị nội trú. Không chỉ nằm ghép, mắc thêm võng trong phòng bệnh mà cả khu vực hành lang, gầm cầu thang… cũng được tận dụng tối đa cho bệnh nhi.

Theo các bác sĩ, sở dĩ số lượng bệnh nhi tăng cao là do nhiều loại dịch bệnh cùng lúc gia tăng, nhất là sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh về hô hấp.

Nhức đầu, cảm cúm cũng… vượt tuyến

Trong khi tình trạng quá tải ở các BV nhi vẫn chưa có thuốc chữa thì tại các BV “người lớn” như Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình luôn tràn ngập bệnh nhân đến từ miền Trung, miền Nam và cả Campuchia. Tại Khoa Khám bệnh BV Chợ Rẫy, từ sáng sớm đã có hàng ngàn người chờ khám. Mặc dù đây là BV tuyến cuối, nơi thường điều trị các ca bệnh hiểm nghèo, thế nhưng không ít người đến đây chỉ vì… nhức đầu, cảm cúm.

Bà L.T.N (58 tuổi, ngụ Kon Tum) cho biết cách đây mấy hôm, cảm thấy nhức mỏi trong người nên bà mua vé máy bay xuống TP HCM khám bệnh. “Các bác sĩ cho biết tôi phải kiểm soát huyết áp thôi. Từ Kon Tum xuống TP HCM chưa tới 1 giờ nên đi luôn cho tiện, dù sao cũng yên tâm hơn khám BV tỉnh” - bà N. nói. Đây cũng là lý do mà rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến.

Theo TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày BV khám 4.000-5.000 bệnh nhân, điều trị nội trú cho gần 2.500 bệnh nhân. BV đã có nhiều giải pháp giảm tải cả khâu khám bệnh lẫn điều trị nội trú nhưng chỉ giải quyết phần nào.

Trong khi đó, nhằm giảm bớt áp lực từ hàng ngàn người bệnh đến khám và điều trị, những năm gần đây, BV Chấn thương Chỉnh hình đã triển khai đặt khoa vệ tinh tại BV An Bình và BV Đa khoa Sài Gòn. Dù vậy, người bệnh vẫn đến các khoa vệ tinh rất hạn chế. Khoa Vệ tinh BV Đa khoa Sài Gòn kê 150 giường bệnh nhưng mỗi ngày chỉ khám 20-30 bệnh nhân. 100 giường đặt tại BV An Bình chỉ để tiếp nhận các bệnh nhân sau khi điều trị tại BV Chấn thương Chỉnh hình về đây nghỉ dưỡng.  Bác sĩ Phan Quang Trí, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình, cho biết dù bệnh nhân đã được giải thích đây là cơ sở vệ tinh của BV, bác sĩ cũng là người của BV nên khám và điều trị tại đây cũng như tại BV Chấn thương Chỉnh hình... nhưng họ vẫn không yên tâm và cứ đến cơ sở chính!

Tuyến dưới cần tạo niềm tin

TS-BS Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận một trong những lý do quá tải là số lượng bệnh nhân vượt tuyến quá đông, trong khi BV không còn diện tích để cơi nới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng quá tải BV ngoài nguyên nhân mặt bằng chật hẹp còn có vấn đề cốt lõi khác là người bệnh, thân nhân họ thiếu niềm tin ở tuyến dưới. Tại TP HCM, ngay cả một bác sĩ đang công tác ở BV quận nhưng khi có con chỉ mới bị sốt đã tức tốc đưa ngay đến BV Nhi Đồng. Lý do này cũng là suy nghĩ của phần đông phụ huynh có con điều trị tại các BV nhi. Họ xin chuyển con lên TP là vì không yên tâm với việc điều trị ở tuyến dưới.

Các chuyên gia y tế cho rằng để giảm tải BV cần có thời gian và thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ là gầy dựng thương hiệu, củng cố niềm tin ở các cơ sở y tế tuyến dưới. TS-BS Nguyễn Thành Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, cho biết sắp tới, sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế tuyến tỉnh, đặc biệt là khả năng điều trị các bệnh nặng như sốt xuất huyết, tay chân miệng để giảm áp lực cho BV. Mới đây, BV đã áp dụng mô hình huấn luyện từ xa cho tuyến tỉnh. Nhiều trường hợp người dân không tin tưởng, lo lắng về bệnh tật con mình, BV Nhi Đồng 1 sẽ kết nối với BV các tỉnh hội chẩn trực tiếp qua hệ thống này.

Các bác sĩ khuyến cáo đối với những bệnh lý đơn giản, phụ huynh chỉ cần đưa trẻ đến khám và điều trị ở BV địa phương để vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh tình trạng lây nhiễm chéo ở BV tuyến trên.

TP HCM xây thêm BV để giảm tải

Theo PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, để thực hiện giải pháp giảm tải, TP đã và đang tiếp tục nâng cấp các BV tuyến quận - huyện và hoàn thiện dự án xây dựng các BV mới như: BV Nhi Đồng TP, BV Ung bướu, BV Gò Vấp, BV Bình Chánh. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đề xuất Bộ Y tế xem xét việc nâng cấp 2 BV Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115 thành BV tuyến cuối...

Trong một lần đi thực tế tại BV Chợ Rẫy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng cứ một bệnh nhân vượt tuyến lại kèm theo 1-2 người thân. Chính tình trạng vượt tuyến đã gây ra quá tải mà không cách nào giải quyết nổi!

Theo Nguyễn Thạnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot