Biến chứng sốt xuất huyết: Bệnh nhân bất động tay chân, phải truyền 3 lít máu liên tục

Ngày 09/08/2017 09:34 AM (GMT+7)

Có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết phải truyền 3 lít máu liên tục để duy trì sự sống, hay có trường hợp lại bị bất động cả tay lẫn chân ngay trong ngày đầu mắc bệnh.

Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 800-1000 bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong số đó có nhiều ca biến chứng khá hy hữu. Đó là bệnh nhân Lương Văn Dũng, 35 tuổi, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội.

Biến chứng sốt xuất huyết: Bệnh nhân bất động tay chân, phải truyền 3 lít máu liên tục - 1

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện đông, bệnh viện phải lấy hội trường làm nơi điều trị.

Theo chia sẻ của anh Dũng, trước khi nhập viện anh sốt cao 40 độ, đầu óc choáng váng, tay chân không thể cử động được. Ngay lập tức gia đình đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai.

“Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ tôi bị viêm não và cho điều trị theo phác đồ căn bệnh này nhưng 2 ngày vẫn không có biến chuyển gì, thậm chí các phim chụp chiếu cho thấy tôi không hề bị tổn thương não", anh Dũng kể lại.

Sau 2 ngày điều trị tay chân anh Dũng vẫn bất động hoàn toàn, sau đó các bác sĩ tiến hành làm các xét nghiệm thì khẳng định anh mắc sốt xuất huyết và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 4/8 để tiếp tục điều trị.

Biến chứng sốt xuất huyết: Bệnh nhân bất động tay chân, phải truyền 3 lít máu liên tục - 2

Anh Dũng bị sốt xuất huyết biến chứng bất động cả tay và chân.

“Sau 3 ngày điều trị tại đây, tay chân tôi bắt đầu cử động trở lại, tuy nhiên vẫn còn đau mỏi các cơ và không thể cử động mạnh được”, anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ về trường hợp này, BS Đồng Phú Khiêm, khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, trường hợp như bệnh nhân Dũng rất hiếm gặp. Vì thông thường sốt xuất huyết chỉ bắt đầu có biến chứng từ ngày thứ 4 trở đi, 3 ngày đầu dù sốt cao nhưng không nguy hiểm.

Biến chứng sốt xuất huyết: Bệnh nhân bất động tay chân, phải truyền 3 lít máu liên tục - 3

BS Khiêm cho rằng trường hợp của bệnh nhân Dũng là hiếm gặp.

“Trường hợp này có thể trùng lặp bệnh lý khác vì trong y văn chưa từng ghi nhận ca sốt xuất huyết nào ngay ngày đầu bị liệt tứ chi”, BS Khiêm giải thích.

Ngoài trường hợp của bệnh nhân Dũng, BS Khiêm cho biết tại khoa Hồi sức tích cực, hiện đang điều trị cho 5-6 bệnh nhân có biến chứng rất nặng, 1 nửa trong số đó có tiên lượng hết sức dè dặt, có lúc tiểu cầu về 0.

“Nữ bệnh nhân này đã có lúc tiểu cầu về 0, chảy máu nhiều nơi, hiện cũng đã tạm thời ổn định. Hay có những trường hợp bị xuất huyết mất máu nặng, các bác sĩ phải truyền đến 3 lít máu liên tục để cứu bệnh nhân”, BS Khiêm chia sẻ.

Biến chứng sốt xuất huyết: Bệnh nhân bất động tay chân, phải truyền 3 lít máu liên tục - 4

BS Dũng đang thăm khám cho người bệnh có tiểu cầu về 0.

Theo BS Khiêm, biến chứng đáng sợ nhất đó là tăng tính thấm thành mạch quá mức, gây sốc, suy đa phủ tạng kèm rối loạn đông máu rất nặng.

Những biến chứng hiếm gặp hơn là tổn thương não, viêm não, co giật. Nếu bệnh nhân có nền bệnh lý sẵn như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... thì tình trạng sẽ nặng nề hơn, có thể bị nhiễm trùng huyết nặng hoặc viêm màng não mủ.

BS Khiêm cho hay, với các ca biến chứng nặng, chi phí điều trị rất tốn kém. Những trường hợp suy đa tạng, nếu không có BHYT, chỉ tính riêng tiền lọc máu đã 15-20 triệu/ngày. Nếu tính cả chi phí xét nghiệm, thuốc nữa có thể lên tới 25-30 triệu/ngày và sẽ phải điều trị dài ngày.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt xuất huyết