Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ: Phụ huynh phản pháo

Ngày 26/02/2014 20:07 PM (GMT+7)

Thông tin bộ GD-ĐT nghiêm cấm dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ ở các cơ sở mầm non đang gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa trong dư luận xã hội.

Hôm qua 25.2, Bộ GD-ĐT vừa công văn số 694/BGDĐT-GDMN yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ. Tuy nhiên, quy định này của Bộ GD-ĐT đang gây ra một cuộc tranh cãi nảy lửa trong xã hội, từ các bậc phụ huynh học sinh, các cơ sở mầm non đang dạy song ngữ cho đến các chuyên gia giáo dục.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành quy định của địa phương về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1 và nghiêm túc chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành phố vẫn còn hiện tượng các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ dưới hình thức dạy thêm có thu học phí vào thời gian thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, ảnh hưởng tới thời lượng và chất lượng thực hiện nội dung chương trình.

Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ: Phụ huynh phản pháo - 1

Mặt khác, việc tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong lúc các điều kiện về Chương trình, tài liệu, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ và gây bức xúc trong xã hội.

Để chấm dứt tình trạng trên, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non dành cho trẻ theo từng độ tuổi; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng.

Ngay khi công văn của Bộ GD-ĐT được ban hành, trên các trang mạng xã hội, diễn đàn đã diễn ra các cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi, chủ yếu đều là ý kiến của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học.

Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ: Phụ huynh phản pháo - 2

Phụ huynh tranh cãi trên diễn đàn

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, công văn của Bộ GD-ĐT cấm tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ ở các cơ sở mầm non là hoàn toàn đúng đắn.

Anh Tiến Phong, một phụ huynh học sinh chia sẻ: “Chúng ta có được một đứa con. Cứ muốn nó thành thiên tài ngay từ lúc nhỏ nên cứ nhồi sọ trẻ tất cả các kỹ năng. Càng sớm càng tốt. Thật khó mà có thời gian chơi”.

Cùng quan điểm với anh Phong, nhưng đứng ở góc độ nhìn nhận rộng hơn, phụ huynh có nick Be Manh Quan phân tích: “Cấm là đúng đấy, vì trẻ làm quen với ngoại ngữ là tốt nhưng giáo viên chưa đủ trình độ mà dạy sai, sau này các bé rất khó sửa.... Nếu các cơ sở giáo dục mầm non có được những giáo viên giỏi thì rất tốt, tuy nhiên, vấn đề này lại chưa được quan tâm và cũng chưa có cơ quan nào đứng ra đảm bảo chất lượng giáo viên tiếng Anh ở trường mầm non cả”.

“Con nhà tôi học trường mầm non Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Cháu học thêm tiếng Anh mỗi tháng hết 150.000 đồng mà về nhà chẳng biết chữ nào cả. Không hiểu các thầy cô dạy cháu kiểu gì nữa”, anh Cao Thuận phàn nàn.

Cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ: Phụ huynh phản pháo - 3

Nhiều ý kiến cho rằng việc dạy tiếng anh cho trẻ là rất cần thiết

Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh cho rằng, việc học ngoại ngữ đối với trẻ mầm non là rất tốt và nên khuyến khích, tạo điều kiện để các trường dạy bé chứ không nên cấm.

Nick BMinh nhận xét: “Nước ngoài thì khuyến khích trẻ em học ngoại ngữ càng sớm càng tốt, nước mình thì.... Thật không thể hiểu nổi. Chắc các bác bộ GD-ĐT muốn các cháu sau này lớn lên, có được đi nước ngoài cũng ù ù cạc cạc chẳng hiểu nổi người ta chê bai, hay cười cợt gì cả”.

Bức xúc và ngỡ ngàng trước quy định của Bộ GD-ĐT, phụ huynh Anh Quang thảng thốt: “Trong những sách dạy trẻ phát triển của nước Nhật đều rất chú trọng đến việc cho trẻ em làm quen với ngoại ngữ, tạo ra những đứa trẻ thông minh, vậy tại sao ta lại cấm ?”. “Hiện nay, rất nhiều trường tiểu học tuyển sinh đầu vào lớp 1 đều có phần kiểm tra khả năng tiếng Anh. Nếu cấm không cho trẻ học ngoại ngữ trước lớp 1 thì làm sao các bé vượt qua được đợt kiểm tra này để được vào học lớp 1?”, anh Anh Quang đặt thêm câu hỏi.

Liên lạc với Trường mầm non Lý Thái Tổ Hà Nội, một trường mầm non uy tín, có các chương trình dạy song ngữ cho học sinh, đại diện nhà trường cho biết: Hiện tại, trường vẫn đang có các chương trình dạy song ngữ, dạy thêm ngoại ngữ cho các bé. Việc học của các bé đều được tổ chức theo thư yêu cầu và tự nguyện của phụ huynh học sinh. Chương trình của trường đều đạt chuẩn và được Sở GD-ĐT đánh giá cao. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT yêu cầu không dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non là một điều đáng tiếc, bởi các bé thực sự rất tiến bộ và tiếp thu nhanh các chương trình vừa học vừa chơi khi học tiếng Anh.

Trước vấn đề này, chúng ta nên cho các bé làm quen với tiếng Anh càng sớm càng tốt. Ở các nước phát triển, trẻ em được tiếp xúc với các môn ngoại ngữ từ khoảng 4 – 5 tuổi, thậm chí chỉ 3 tuổi bởi đây là giai đoạn học ngoại ngữ tốt nhất và dễ dàng nhất với các bé.

Tuy nhiên, chất lượng việc học ngoại ngữ đối với trẻ em phụ thuộc rất lớn vào chất lượng giáo viên, chương trình và tài liệu, phương pháp giảng dạy phù hợp. Hiện nay, những vấn đề này ở các cơ sở mầm non tại Việt Nam chưa được đánh giá, quản lý chặt chẽ. Bộ GD-ĐT nên có biện pháp quản lý và nâng cao những điều kiện này ở các cơ sở mầm non, để các bé có thể được học ngoại ngữ với chất lượng và hiệu quả cao nhất, thay vì cấm như công văn vừa ban hành.

Hồng Hải
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan